BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát thuốc lá của các nước khu vực ASEAN

12/11/2024 12:20

Trái ngược với tuyên bố của ngành công nghiệp thuốc lá, thuốc lá điếu hay các dòng thuốc lá mới thực sự không an toàn. Chúng chứa nicotine cùng các chất độc hại và gây ung thư khác. Các trường hợp tổn thương phổi liên quan đến việc sử dụng sản phẩm thuốc lá điện tử đang gia tăng trên toàn cầu.

Trong các nước ASEAN, hiện nay đã có hơn bốn mươi quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tại ASEAN, các nước Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan đã ban hành lệnh cấm thuốc lá mới, trong khi Indonesia, Malaysia và Philippines - những quốc gia đã cho phép bán và quảng cáo các sản phẩm này - đang gặp nhiều khó khăn trong việc ứng phó với tình trạng hút thuốc điện tử ở giới trẻ.

Các quốc gia ASEAN đều khẳng định thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng không phải là phương pháp hỗ trợ cai thuốc lá hiệu quả. Những người hút thuốc cố gắng cai thuốc bằng cách sử dụng thuốc lá mới thường kết thúc bằng việc sử dụng cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Ngoài ra, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có khả năng bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao gấp ba lần.
Để bảo vệ sức khỏe và lợi ích của các thế hệ tương lai, sau đây là một số biện pháp đáng lưu ý:

Xem xét bài học từ các quốc gia trong khu vực khi quyết định cấm hay quản lý các loại thuốc lá
Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói cung cần điều chỉnh các chiến lược kiểm soát thuốc lá của quốc gia phù hợp với Công ước Khung của Tổ chức Y tế Thế giới về Kiểm soát Thuốc lá, thực hiện chính sách cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và áp dụng thuế thuốc lá mạnh hơn, điều này có thể giảm đáng kể số lượng người trẻ nghiện nicotine. 

Nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN như Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan đã thực thi luật cấm hút thuốc lá toàn diện tại nơi làm việc và các địa điểm công cộng. Việt Nam là một trong những quốc gia vẫn cho phép hút thuốc tại các khu vực dành riêng cho người hút thuốc tại sân bay, khách sạn, quán bar/pub và phương tiện giao thông công cộng. Lệnh cấm hút thuốc toàn diện sẽ đem lại hiệu quả hơn trong việc bảo vệ người dân khỏi tác hại của khói thuốc lá.

Tăng Thuế thuốc lá
Tăng thuế thuốc lá là một chiến lược kiểm soát thuốc lá hiệu quả về chi phí và đã được chứng minh, lưu ý rằng Việt Nam có mức giá thuốc lá rẻ nhất khu vực ASEAN, với giá chưa đến 1 USD mỗi gói, làm cho thuốc lá dễ tiếp cận với nhiều người, bao gồm cả giới trẻ. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá bằng cách bổ sung một khoản thuế cụ thể vào mức thuế hiện tại. Điều này sẽ làm cho giá thuốc lá tăng lên để có thể hạn chế người sử dụng thuốc lá và khuyến khích mọi người bỏ thuốc.

Mặt khác, 10 quốc gia ASEAN đều in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh ở mặt chính trước và sau trên bao bì thuốc lá, 5/10 quốc gia có diện tích hình ảnh cảnh báo sức khỏe lớn nhất thế giới: 85% ở Thái Lan và 75% ở Brunei, Lào, Myanmar và Singapore. Kích thước cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh 50% của Việt Nam thuộc mức nhỏ nhất trong khu vực ASEAN. Ngoài ra, việc bán thuốc lá điếu đơn lẻ vẫn được cho phép ở Philippines và Việt Nam, khiến cho giới trẻ dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá. Thuốc lá vẫn có giá phải chăng trong khu vực, đặc biệt là tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (dưới 1 USD mỗi gói). Các quốc gia này cần tăng thuế thuốc lá thường xuyên để theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và mức tăng thu nhập.

Bảo vệ và hỗ trợ các cơ quan và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá.
Việt Nam là một trong số các quốc gia thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua việc ký kết tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 11/11/ 2004 và thông qua Luật Phòng, chống tác hại (PCTH) vào ngày 18/6/2012.
Tuy nhiên, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, đặc biệt là nam giới trong khi đó các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện (Thuốc lá điện tử, Thuốc lá nung nóng, Thuốc lá hút Shisha) đang làm gia tăng trong tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này ở đối tượng thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ.

Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ đối với sản phẩm thuốc lá của Việt Nam chỉ chiếm 38,8%, thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là 70-75% giá bán lẻ. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá rất dễ dàng, thuốc lá được bán ở khắp mọi nơi làm cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam càng gặp khó khăn.

Để triển khai các giải pháp kiểm soát thuốc lá đạt hiệu quả, bên cạnh vai trò của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong nước thì sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, trước những thách thức hiện nay trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và những ưu tiên về hoàn thiện các chính sách, tăng cường các giải pháp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại ASEAN nói chung và tại Việt Nam nói riêng, sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trong khu vực là vô cùng cần thiết.
 

Hạnh Phạm
Tìm kiếm