Tham dự cuộc họp có các đồng chí thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập và đại diện lãnh đạo cấp Vụ, cấp Phòng và chuyên viên của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2007/NĐ-CP như sau:
1. Đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 về chính sách tinh giản biên chế. Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện Nghị định trên đã thu được kết quả như sau:
Tính đến 31 tháng 8 năm 2009, tổng số biên chế giảm được của các Bộ, ngành và 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 26.126 người (chưa tính đến kết quả tinh giản biên chế của 11 tỉnh, thành phố tự đảm bảo kinh phí tinh giản biên chế vì chưa có báo cáo kết quả tinh giản biên chế), cụ thể như sau:
Việc tinh giản biên chế đã góp phần nâng cao chất lượng và trẻ hoá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chọn được những người có năng lực, phẩm chất giữ lại làm việc ổn định lâu dài đảm bảo chất lượng hoạt động của cơ quan, đơn vị; giải quyết chính sách, đưa ra ngoài khỏi bộ máy nhà nước những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ, sức khoẻ, phẩm chất; tuyển chọn được những người có trình độ chuyên môn đào tạo cao, đúng yêu cầu, phù hợp với từng vị trí công việc, có sức khoẻ.
Đã từng bước xây dựng được cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, viên chức theo chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ cho từng vị trí công việc trong mỗi cơ quan, đơn vị, từ đó có chính sách phù hợp trong quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức như tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức hàng năm;
Xác định được những nhiệm vụ bỏ sót cần bổ sung, những nhiệm vụ trùng lắp chuyển giao sang cơ quan, đơn vị khác thực hiện, những nhiệm vụ cần phân cấp cho địa phương, cấp dưới và tổ chức sự nghiệp hoặc tổ chức dịch vụ công đã được xã hội hoá thực hiện, loại bỏ những nhiệm vụ không còn phù hợp.
Nghị định được tổ chức triển khai đồng bộ, công khai, dân chủ, công bằng, cùng với những chính sách hỗ trợ hợp lý đã động viên và tạo điều kiện cho những người trong diện tinh giản biên chế sau khi nghỉ việc thoải mái về tư tưởng và có thêm một khoản kinh phí để bảo đảm ổn định cuộc sống.
Tuy việc tinh giản biên chế đã đạt được những kết quả nhất định nêu trên, nhưng vẫn chưa thực sự giảm được những người cần giảm mà hầu hết những người trong diện tinh giản là những người sắp đến tuổi nghỉ hưu, vẫn còn trường hợp giải quyết tinh giản theo nguyện vọng cá nhân; việc chi trả chế độ, chính sách cho đối tượng giảm còn chậm, không đúng thời gian nghỉ của người được hưởng chính sách …
2. Những hạn chế của Nghị định số 132/2007/NĐ-CP
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế như sau:
- Nghị định 132 không quy định rõ về đối tượng áp dụng là những người trong biên chế nhà nước, nên trong quá trình triển khai thực hiện một số địa phương đã vận dụng giải quyết tinh giản cho những đối tượng không trong biên chế, số này do các đơn vị sự nghiệp tự tuyển dụng ngoài chỉ tiêu biên chế.
- Nghị định 132 không quy định điều kiện về tuổi đời khi giải quyết tinh giản biên chế (chỉ quy định về tuổi khi đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi), nên một số địa phương đã đề nghị giải quyết thôi việc ngay cho những đối tượng có tuổi đời trên 59 tuổi đối với nam, thậm chí cả trên 60 tuổi đối với nam, nhưng chưa đủ 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội.
- Nghị định 132 quy định căn cứ để xác định đối tượng tinh giản do sức khỏe không đảm bảo là không hoàn thành nhiệm vụ trong 02 năm gần đây là chưa phù hợp với thực tế vì những trường hợp sức khỏe yếu hay nghỉ ốm nên nhiều khi không được lãnh đạo cơ quan, đơn vị giao nhiệm vụ, do đó cũng không thể đánh giá họ không hoàn thành nhiệm vụ được.
- Luật cán bộ, công chức quy định "cán bộ, công chức 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết thôi việc" do đó căn cứ để xác định đối tượng tinh giản biên chế là những người không hoàn thành nhiệm vụ trong 02 năm gần đây là không phù hợp với Luật cán bộ, công chức.
- Mặc dù Nghị định 132 đã có quy định về thời hạn giải quyết tinh giản biên chế và quy định mỗi năm các Bộ, ngành, địa phương giải quyết tinh giản biên chế 02 đợt, nhưng chưa quy định rõ thời điểm các Bộ, ngành, địa phương phải giải quyết tinh giản biên chế và thời điểm phải tổng hợp danh sách tinh giản biên chế gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để thẩm tra giải quyết theo thẩm quyền, nên một số Bộ, ngành, địa phương giải quyết tinh giản biên chế chậm, có trường hợp đã nghỉ hơn 07 tháng mà vẫn chưa nhận được chế độ, chính sách dẫn đến khiếu kiện về việc chậm nhận được trợ cấp tinh giản biên chế.
- Một số địa phương và đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định chính sách về hưu trước tuổi cho những đối tượng có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội đủ 20 năm, trong đó có đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
- Một số địa phương kiến nghị bổ sung quy định bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc bầu cử cũ đối với những người do sắp xếp tổ chức được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ.
3. Những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung
Để khắc phục những hạn chế nêu trên của Nghị định 132, Vụ Tổ chức - Biên chế dự kiến sửa đổi, bổ sung những nội dung sau:
a) Sửa đổi, bổ sung Điều 1 về phạm vi điều chỉnh theo hướng bao quát hết những nội dung Nghị định 132/2007/NĐ-CP đã quy định.
b) Sửa đổi, bổ sung Điều 2 về đối tượng áp dụng theo hướng:
- Quy định rõ về tuổi đời của cán bộ, công chức, viên chức: nam đến đủ 58 tuổi, nữ đến đủ 53 tuổi (trừ trường hợp là cán bộ quản lý của doanh nghiệp), trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao. Riêng đối tượng do đơn vị sự nghiệp tự tuyển dụng để thực hiện nhiệm vụ theo cơ chế tự chủ (không trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao) được áp dụng chính sách tinh giản biên chế, nhưng nguồn kinh phí chi trả cho trường hợp này sẽ lấy từ nguồn thu của đơn vị sự nghiệp.
Việc quy định độ tuổi tối đa của đối tượng tinh giản biên chế còn ít nhất 02 năm so với tuổi nghỉ theo đúng quy định của pháp luật như trên để giảm bớt sự bất công bằng giữa người thuộc diện tinh giản biên chế với người nghỉ đúng tuổi quy định vì thời gian làm thủ tục hưởng trợ cấp về hưu trước tuổi mất vài tháng, nên đến khi nhận được sổ hưu thì bản thân đối tượng cũng gần đến thời điểm nghỉ hưu đúng tuổi. Mặt khác, hàng năm các cơ quan, đơn vị chỉ tiến hành việc tuyển dụng nhiều nhất 01 lần, do đó không phải ngay lập tức tuyển được số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực, sức khỏe vào thay thế những người thuộc diện tinh giản biên chế, do đó mục tiêu của việc tinh giản biên chế làm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước cũng không thể thưc hiện ngay được.
- Về phân loại cán bộ, công chức, viên chức được áp dụng chính sách tinh giản biên chế được phân loại trên cơ sở quy định tại Nghị định 132/2007/NĐ-CP, tuy nhiên có sửa đổi cho phù hợp thực tiễn và Luật cán bộ, công chức. Cụ thể sửa đổi đối với đối tượng "không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm gần đây do năng lực yếu" và đối với đối tượng "có sức khỏe không đảm bảo" như sau:
* Những người 02 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 02 năm liên tiếp, trong đó 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ và không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác.
* Những người 02 năm gần đây, mỗi năm có tổng số từ 30 ngày trở lên nghỉ làm việc, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành.
Việc quy định thời gian nghỉ ốm từ 30 ngày trở lên là căn cứ vào quy định tại Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội về thời gian hưởng chế độ ốm đau (những người làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm...).
- Bổ sung đối tượng là "cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền cử sang doanh nghiệp làm đại diện quyền sở hữu phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, nay doanh nghiệp đó không còn phần vốn nhà nước, nhưng không bố trí được vào vị trí công tác mới".
c) Bổ sung vào Điều 3 về nguyên tắc tinh giản biên chế một khoản quy định trừ chỉ tiêu biên chế của cơ quan, tổ chức giải quyết tinh giản cho những trường hợp dôi dư do sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức và giảm, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, để giảm bớt việc vận dụng chính sách tinh giản biên chế để giải quyết theo nguyện vọng cá nhân.
d) Sửa đổi, bổ sung Điều 5 về chính sách về hưu trước tuổi theo hướng:
- Sửa lại điều kiện về tuổi đời của đối tượng về hưu trước tuổi là nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi (trừ các trường hợp là cán bộ quản lý doanh nghiệp).
- Bổ sung thêm quy định đối với đối tượng làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đối tượng làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên để bảo đảm chế độ, chính sách cho đối tượng này như kiến nghị của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, một số địa phương và đại biểu Quốc Hội. Dự kiến bổ sung như sau:
"Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi đời đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đến đủ 48 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng các chế độ sau:
+ Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
+ Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với qui định về tuổi tối thiểu tại điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội;
+ Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.
đ) Sửa đổi, bổ sung Điều 8 về chính sách đối với những người thôi giữ chức vụ lãnh đạo do sắp xếp kiện toàn về tổ chức bộ máy theo hướng bổ sung quy định: bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc bầu cử cũ đối với những người do sắp xếp tổ chức được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ.
e) Sửa đổi, bổ sung Điều 10 về nguồn kinh phí thực hiện tinh giản biên chế theo hướng: bổ sung quy định nguồn kinh phí chi trả cho những đối tượng tinh giản do đơn vị sự nghiệp tự tuyển dụng sẽ lấy từ nguồn thu của đơn vị sự nghiệp.
f) Bổ sung quy định thời điểm các cơ quan, tổ chức phải giải quyết tinh giản biên chế và thời điểm phải tổng hợp danh sách tinh giản biên chế gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để thẩm tra giải quyết theo thẩm quyền để thống nhất về thời gian giải quyết tinh giản biên chế tránh những khiếu kiện. Do đó sửa đổi, bổ sung Điều 11, Điều 12, Điều 13, cụ thể như sau:
- Đối với Điều 11 về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức, bổ sung quy định: " Trước ngày 15 tháng 5 hàng năm phải lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán số tiền trợ cấp tinh giản biên chế cho những đối tượng tinh giản biên chế của 6 tháng cuối năm của cơ quan, đơn vị mình; trước ngày 15 tháng 11 của năm trước liền kề phải lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán số tiền trợ cấp tinh giản biên chế cho những đối tượng tinh giản biên chế của 6 tháng đầu năm sau liền kề của cơ quan, đơn vị mình gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt."
- Đối với Điều 12 về trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, bổ sung quy định: " Trước ngày 01 tháng 6 hàng năm phải lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán số tiền trợ cấp tinh giản biên chế cho những đối tượng tinh giản biên chế của 6 tháng cuối năm của Bộ, ngành mình; trước ngày 01 tháng 12 của năm trước liền kề phải lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán số tiền trợ cấp tinh giản biên chế cho những đối tượng tinh giản biên chế của 6 tháng đầu năm sau liền kề của Bộ, ngành mình gửi Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính để giải quyết theo thẩm quyền".
- Đối với Điều 13 về trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bổ sung quy định: "Trước ngày 01 tháng 6 hàng năm phải lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán số tiền trợ cấp tinh giản biên chế cho những đối tượng tinh giản biên chế của 6 tháng cuối năm của địa phương mình; trước ngày 01 tháng 12 của năm trước liền kề phải lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán số tiền trợ cấp tinh giản biên chế cho những đối tượng tinh giản biên chế của 6 tháng đầu năm sau liền kề của địa phương mình gửi Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính để giải quyết theo thẩm quyền".
Sau khi nghe đồng chí chủ trì soạn thảo Nghị định trình bày những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Nghị định mới, các đồng chí trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập và các đồng chí đại biểu tham dự cuộc họp đã đóng góp những ý kiến liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành mình để đồng chí chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định cho phù hợp.
Đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng kết luận cuộc họp, đề nghị: đồng chí chủ trì soạn thảo Nghị định tiếp thu ý kiến tham gia của các đồng chí trong cuộc họp; khẩn trương soạn thảo tờ trình Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định.
Tin: Nguyễn Thị Khánh, Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ