BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bộ Nội vụ tổ chức cuộc họp bàn biện pháp xử lý chồng chéo về nhiệm vụ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với một số Bộ, ngành liên quan

04/08/2009 14:40

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nêu tại công văn số 4356/VPCP-TCCV ngày 29/6/2009 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/7/2009 biện pháp xử lý những nhiệm vụ, quyền hạn còn chồng chéo và phân công chưa hợp lý giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các Bộ có liên quan, ngày 27 tháng 7 năm 2009, Bộ Nội vụ đã có Báo cáo Thủ tướng Chính phủ số 2393/BC-BNV về kết quả thực hiện công việc nêu trên.

Tại cuộc họp chiều ngày 31/7/2009, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục chỉ đạo giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ có liên quan bàn biện pháp xử lý những nhiệm vụ chồng chéo, phân công chưa hợp lý hoặc chưa phân công giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các Bộ, ngành có liên quan. 
   Thực hiện ý kiến chỉ đạo nêu trên của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, sáng ngày 03 tháng 8 năm 2009, Bộ Nội vụ đã tổ chức cuộc họp để thảo luận, bàn nguyên tắc phối hợp giữa các Bộ, đề xuất biện pháp xử lý những vấn đề chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các Bộ, ngành có liên quan. 
   Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn chủ trì.
   Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú.
   Về phía Bộ Nội vụ có Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, đại diện Lãnh đạo và một số chuyên viên Vụ Tổ chức -  Biên chế.
   Sau khi nghe ý kiến phát biểu của đại diện các Bộ, ngành về những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Bộ, ngành mình quản lý, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn phát biểu kết luận các Bộ đã thống nhất về từng vấn đề như sau:
   1. Về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm
   a) Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn.
- Có hệ thống thanh tra chuyên ngành của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm theo Nghị định số 79/2008/NĐ-CP.
- Tăng cường kinh phí hoạt động cho công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tính theo đầu dân.
- Đầu tư cho hệ thống kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm đủ mạnh để quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
   b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông, lâm, thuỷ sản và muối trong quá trình sản xuất từ khi trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch, đánh bắt và sơ chế; thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các khâu bảo quản, vận chuyển đến khi thực phẩm được đưa ra thị trường nội địa hoặc xuất khẩu; vệ sinh an toàn trong nhập khẩu động vật, thực vật, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh, mượn đường lãnh thổ Việt Nam đối với một số sản phẩm theo phân công của Chính phủ.
   c) Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong khẩu lưu thông, nhập khẩu; chịu trách nhiệm chính quản lý các hoạt động trong khẩu lưu thông trên thị trường cả về vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm 5 nhóm ngành hàng: rượu bia, nước giải khát, sữa và các sản phẩm sữa; dầu thực vật; tinh bột và các sản phẩm từ bột; các sản phẩm công nghệ chế biến.
- Trình cấp có thẩm quyền quy định cơ chế có Trưởng cửa khẩu ở nơi biên giới để thống nhất đầu mối quản lý các hoạt động giám sát, xuất nhập khẩu, cả về vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tăng biên chế cho lực lượng quản lý thị trường
- Quản lý chợ; giao cho Trưởng ban quản lý chợ làm đầu mối phối hợp với các cơ quan có chức năng để thống nhất quản lý về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong chợ.
   Để thể hiện được sự phân công nêu trên, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ban hành Thông tư liên tịch để hướng dẫn thực hiện các vấn đề nêu trên.
   2. Về quản lý rừng và đất rừng
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì làm rõ khái niệm về rừng, vườn cây lâu năm phục vụ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng để ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất (đất lâm nghiệp, tài sản gắn với đất, bao gồm cả rừng và vườn cây).
   3 . Về quản lý tài nguyên nước
a) Làm rõ nội dung quản lý nhà nước về tài nguyên nước, thuỷ lợi; phân công trách nhiệm giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ xây dựng ban hành Thông tư liên tịch về các nội dung trên.
   4. Về quản lý nhà nước về "cộng đồng nông thôn"
   Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ nội dung quản lý về "cộng đồng nông thôn" để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung vào chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tin: Nguyễn Thị Khánh,  Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ

Tìm kiếm