BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Báo cáo về cải cách hành chính ở Việt Nam (tài liệu phục vụ buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung với Bộ trưởng Nhà nước về cải cách hành chính của Indonesia ngày 25/09/2003)

04/11/2009 15:09

BÁO CÁO
VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH Ở VIỆT NAM
(tài liệu phục vụ buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung với Bộ trưởng Nhà nước về cải cách hành chính của Indonexia ngày 25/9/2003)
 
Công cuộc đổi mới ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1986 đã góp phần tạo ra những thay đổi to lớn trong xã hội, mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, an ninh, quốc phòng được giữ vững.
Sự tác động của công cuộc đổi mới là tương đối toàn diện. Hệ thống hành chính nhà nước cũng nằm trong quá trình thay đổi, cải cách này. Bước chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang đặt nền hành chính nhà nước trước những thách thức to lớn và trước những cải cách không thể trì hoãn. Những khuyết tật, bất cập của nền hành chính nhà nước như vai trò, chức năng của bộ máy hành chính không phù hợp với môi trường kinh tế đã thay đổi, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước chồng chéo, tổ chức bộ máy cồng kềnh, đội ngũ cán bộ, công chức đông nhưng chất lượng và năng lực còn bất cập với yêu cầu mới đang đòi hỏi phải được khắc phục.
Việt Nam đã sớm nhận thức rõ phải đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính nhà nước và trên thực tế đã triển khai ngay từ đầu những năm 1990 cho đến nay. Quyết tâm của Đảng và Nhà nước đã được thể hiện rõ trong nhiều văn kiện chính thức và trong chỉ đạo các bộ, các địa phương cải cách theo những trọng tâm, trọng điểm do Chính phủ xác định. Quyết tâm cải cách được thể hiện cụ thể hơn trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 được Thủ tướng Chính phủ thông qua vào cuối năm 2001.
Sau đây xin được báo cáo một cách tổng quát nhất về công cuộc cải cách hành chính của Việt Nam thời gian qua:
I. NHỮNG VẤN ĐỀ CÓ TÍNH NGUYÊN TẮC TRONG ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quán triệt các vấn đề có tính nguyên tắc sau đây:
1. Bảo đảm và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
2. Xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc - động lực chủ yếu của công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.
3. Lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt.
4. Bảo đảm sự đồng bộ giữa cải cách kinh tế, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới công tác xây dựng pháp luật.
5. Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
6. Đảm bảo sự đồng bộ giữa cải cách hành chính ở trung ương với cải cách hành chính ở địa phương, trong đó nhiều nội dung, vấn đề phải giải quyết trước ở cấp trung ương.
7. Thực hiện dân chủ cơ sở góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính.
II. BỐN LĨNH VỰC LỚN CỦA CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Thực tiễn hơn 10 năm cải cách đã được tổng kết, qua đó xác định rõ 4 lĩnh vực lớn của cải cách hành chính là:
1. Cải cách thể chế,
2. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính,
3. Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức,
4. Cải cách tài chính công.
III. CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2001-2010
Tháng 9/2001, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010. Lần đầu tiên, Việt Nam có một chương trình dài hạn, xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm sự thành công của công cuộc cải cách hành chính.
Mục tiêu chung được xác định là: xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hoá, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đến năm 2010, hệ thống hành chính về cơ bản được cải cách phù hợp với yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chương trình đã xác định những nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực như sau:
 
 
1. Về cải cách thể chế:
- Xây dựng và hoàn thiện các thể chế, trước hết là thể chế kinh tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước.
- Đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Bảo đảm việc tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức.
- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, mở rộng thực hiện cơ chế “một cửa” trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức.
2. Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính:
- Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới.
- Từng bước điều chỉnh những công việc mà Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương đảm nhiệm để khắc phục những chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Chuyển cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ hoặc doanh nghiệp làm những công việc về dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan hành chính nhà nước trực tiếp thực hiện.
- Đến năm 2005, về cơ bản ban hành xong và áp dụng các quy định mới về phân cấp trung ương - địa phương, phân cấp giữa các cấp chính quyền địa phương, nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương, tăng cường mối liên hệ và trách nhiệm của chính quyền trước nhân dân địa phương. Gắn phân cấp công việc với phân cấp về tài chính, tổ chức và cán bộ. Định rõ những loại việc địa phương toàn quyền quyết định, những việc trước khi địa phương quyết định phải có ý kiến của trung ương và những việc phải thực hiện theo quyết định của trung ương.
- Bố trí lại cơ cấu tổ chức của Chính phủ.
- Điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
- Cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
- Cải tiến phương thức quản lý, lề lối làm việc của cơ quan hành chính các cấp.
- Thực hiện từng bước hiện đại hoá nền hành chính.
3. Về xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức:
- Đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức.
- Cải cách tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
- Nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức cán bộ, công chức.
4. Về cải cách tài chính công:
- Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý tài chính và ngân sách.
- Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính.
- Đổi mới cơ chế tài chính đối với khu vực dịch vụ công.
IV. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
1. Về cải cách thể chế
Cải cách thể chế là một trong những trọng tâm cải cách thời gian qua và trên thực tế là lĩnh vực cải cách tương đối thành công của Việt Nam. Một loạt các văn bản pháp luật quan trọng chi phối sự phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính đã được ban hành, trong đó đáng chú ý là Luật đầu tư nước ngoài, Luật đầu tư trong nước, Luật doanh nghiệp, Luật đất đai, Bộ Luật lao động, Bộ Luật dân sự, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Tổ chức Chính phủ, Quy chế làm việc của Chính phủ v.v... Tư tương chỉ đạo xuyên suốt trong cải cách thể chế là thông qua các quy định tạo cơ sở pháp lý, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động, xoá bỏ dần những cách biệt giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, định ra cơ sở pháp lý phù hợp cho cả hệ thống hành chính hoạt động phù hợp với cơ chế kinh tế mới đang được hình thành và phát triển. Những cải cách này đã dần dần mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như các thành phần kinh tế phát triển, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Chỉ tính riêng với sự ra đời của Luật doanh nghiệp, cùng với những sửa đổi về thủ tục hành chính trong cấp phép đăng ký kinh doanh, bãi bỏ khoảng 170 giấy phép kinh doanh các loại không còn cần thiết, trong gần 3 năm trở lại đây mỗi năm có khoảng 20.000 doanh nghiệp tư nhân ra đời và đi vào hoạt động, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Các quy định pháp lý mới đã buộc các cơ quan hành chính nhà nước phải thay đổi hoạt động, chuyển dần sang phương thức hoạt động phục vụ nhân dân và tổ chức, bỏ dần các hoạt động can thiệp và tác nghiệp sâu đối với doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực cải cách thể chế từ năm 1995 đã tiến hành cải cách đơn giản hoá thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, ““một cửa - một dấu”, “một cửa tại chỗ” đã tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức và các nhà đầu tư theo hướng công khai, minh bạch, 35/61 tỉnh, thành phố đã cho triển khai cơ chế “một cửa” ở 196/1281 đơn vị cấp sở (chiếm 15,3%), 160/631 đơn vị cấp huyện (chiếm 25%0 và 905/10.594 đơn vị cấp xã (chiếm 8,5%). Nhìn chung việc thực hiện cơ chế “một cửa” ở các địa phương đã thu được những kết quả quan trọng trên một số mặt chủ yếu sau đây: Đổi mới cách thức, quy trình giải quyết các thủ tục hành chính, tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa các cơ quan hành chính với công dân và tổ chức, giảm phiền hà và chi phí cho công dân và tổ chức, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Điều chỉnh một bước về tổ chức bộ máy, đổi mới chế độ làm việc về quan hệ công tác trong cơ quan hành chính nhà nước. Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ hành chính, cũng như tinh thần thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức hành chính.
2. Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính:
Mười năm cải cách đã mang lại kết quả to lớn, đó là đã có sự thay đổi quan trọng về chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các Bộ và cơ quan hành chính địa phương phù hợp với cơ chế kinh tế mới. Các cơ quan hành chính tập trung vào chức năng quản lý vĩ mô, bao gồm hoạch định chính sách, pháp luật, kế hoạch, quy hoạch và thanh tra, kiểm tra. Bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương cũng đã được sắp xếp gọn nhẹ hơn, so với 10 năm trước đây thì số lượng các bộ, cơ quan của Chính phủ đã từ 50 giảm xuống còn 39, các Sở ở cấp tỉnh từ gần 30 xuống còn 20-22 và các phòng ở cấp huyện từ 16-17 xuống còn 10-11 đầu mối. Ngoài ra, tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính được thay đổi thông qua một loạt các cải cách lớn như:
- Phân cấp, uỷ quyền cho địa phương, cơ sở tạo sự chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền.
- Xây dựng và thực hiện các cơ chế tổ chức, tài chính và nhân sự cho các cơ quan hành chính, tổ chức sự nghiệp công nhằm mục tiêu phân định rõ hành chính với sản xuất kinh doanh, sự nghiệp, làm rõ hoạt động của công chức hành chính và của viên chức sự nghiệp.
3. Về xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức:
Những cải cách ở đây tập trung nhiều vào nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong cả nước cũng như những thay đổi trong quản lý đội ngũ này. Những kết quả quan trọng bao gồm:
- Xây dựng và áp dụng chức danh, tiêu chuẩn của các loại cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính, các tổ chức sự nghiệp.
- Chuyển từ phương thức xét tuyển sang phương thức thi tuyển để lấy người có tài vào làm việc trong cơ quan nhà nước.
- Mở các khoá đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng theo các ngạch là chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và các ngạch tương ứng.
- Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong phục vụ nhân dân.
- Thực hiện một số cải cách về tiền lương trong khi đang chuẩn bị đề án cải cách tiền lương trình Quốc hội thông qua.
4. Cải cách tài chính công:
Luật Ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua, định rõ thẩm quyền về ngân sách của 4 cấp chính quyền là trung ương, tỉnh, huyện và xã.
Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành một loạt các cơ chế tài chính như cơ chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu, cơ chế khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính cho các cơ quan hành chính nhà nước, cơ chế đấu thầu, cơ chế hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan nhà nước cho khu vực tư nhân thực hiện, không bắt buộc những loại công việc này do cơ quan nhà nước thực hiện như trước đây. Sau một năm thực hiện giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu và Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg ngày 17/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước, đã có 29/45 Bộ, cơ quan trung ương và 35/61 địa phương đã giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu (bao gồm 424 đơn vị thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và 3.937 đơn vị thuộc địa phương); 3 Bộ và 36/61 địa phương thực hiện mở rộng thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính (bao gồm 5 cơ quan thuộc trung ương và 197 cơ quan thuộc địa phương). Nhiều Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện đã hoàn thành việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu và mở rộng thí điểm khoán biên chế và kinh phí hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước. Kết quả đạt được tuy là bước đầu, nhưng đã tạo ra những chuyển biến tích cực, tạo động lực tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ công, nâng cao hiệu lực và hiệu quả bộ máy hành chính, phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thực hành tiết kiệm, tạo điều kiện tăng thu nhập, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
V. NHỮNG DỰ KIẾN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRONG THỜI GIAN TỚI
Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực trong cải cách hành chính thời gian qua, nhưng nền hành chính của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển kinh tế – xã hội. Cải cách hành chính vẫn còn chậm và hiệu quả chưa cao. Vì vậy, cần tiêp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách hành chính.
Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính 10 năm đến 2010 và triển khai 7 chương trình hành động cụ thể do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cho đến thời điểm hiện tại, 55/61 tỉnh, thành và phần lớn các bộ, ngành trung ương đã có và đang triển khai kế hoạch cải cách hành chính nhà nước đến năm 2005.
Thực hiện cải cách 10 năm qua cho thấy cần bảo đảm sự đồng bộ giữa cải cách hành chính với cải cách kinh tế, cải cách tư pháp và đổi mới phương thức, phong cách làm việc theo hướng hiện đại, bảo đảm sự đồng bộ giữa cải cách ở trung ương với địa phương cũng như sự tham gia tích cực của nhân dân vào thực hiện và giám sát quá trình cải cách. Đồng thời thực tiễn cải cách cũng cho thấy, bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ cải cách cần chú ý chỉ đạo làm thử các sáng kiến cải cách hành chính rồi tổng kết, nhân rộng trong cả nước.
Một số trọng tâm cải cách hành chính trong thời gian tới là:
- Chỉ đạo thực hiện 7 chương trình hành động thực hiện chương trình tổng thể 10 năm, trong đó có chương trình cải cách tiền lương đang được gấp rút chuẩn bị trình Quốc hội thông qua.
- Chuẩn bị đề án phân cấp trung ương - địa phương, làm rõ những việc do Trung ương trực tiếp thực hiện, những việc do chính quyền địa phương thực hiện. Đây là một trong những nội dung lớn của cải cách.
- Tiếp tục chuẩn bị để cuối năm Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi).
- Triển khai Pháp lệnh cán bộ, công chức (sửa đổi), chuẩn bị các Nghị định của Chính phủ thi hành Pháp lệnh.
- Triển khai phân cấp biên chế theo Nghị quyết của Chính phủ.
- Mở rộng thực hiện trong phạm vi cả nước cơ chế “một cửa”, khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp có thu.
- Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó đáng chú ý là thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2003-2005 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/7/2003.

Tìm kiếm