BÀI PHÁT BIỂU VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA VIỆT NAM
Kính thưa: - Ngài Jordan Ryan, Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc, Đại diện thường trú UNDP
- Các Ngài Đại sứ và Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam
Kính thưa Quý vị và các bạn
Hôm nay, tôi hết sức vui mừng được tham dự buổi họp không chính thức trong khuôn khổ Diễn đàn Nhóm tài trợ thường kỳ hàng tháng của UNDP. Tôi xin bày tỏ sự cảm ơn đến Ngài Jordan Ryan Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc, Đại diện thường trú UNDP đã thu xếp tạo cho tôi cơ hội được gặp các Quý vị trong buổi họp này.
Theo sự thống nhất giữa Ngài Jordan Ryan và tôi thì chủ đề chính của hôm nay là về cải cách hành chính của Việt Nam. Và có một sự trùng hợp khá lý thú là cách đầy vừa tròn 3 năm, ngày 17/9/2001, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 nhằm cụ thể hoá và thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam về cải cách hành chính.
3 năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, công cuộc cải cách hành chính đã được đẩy mạnh hơn, triển khai trên cả 4 lĩnh vực là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công và góp phần tạo ra những thay đổi trong tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước. Sau đây, tôi xin được thông báo tới Quý vị về tình hình và kết quả chủ yếu nhất trong cải cách hành chính thời gian qua cũng như những thách thức và trọng tâm cải cách hành chính thời gian tới của Chính phủ Việt Nam.
I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI VÀ KẾT QUẢ CHỦ YẾU CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH THỜI GIAN QUA
1. Một trong những trọng tâm cải cách thời gian qua là tiếp tục làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tới chính quyền địa phương các cấp, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Kết quả của công việc này được thể hiện khá rõ trong một loạt các thể chế quan trọng như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Quy chế làm việc của Chính phủ và các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Đương nhiên, còn rất nhiều việc cần phải được nghiên cứu, thực hiện trong vấn đề này, nhưng ngay từ bây giờ đã có thể khẳng định xu hướng là Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tập trung vào làm tốt chức năng quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô, tức là hoạch định chính sách, thể chế, quy hoạch, kế hoạch và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện. Bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi Chính phủ không còn ôm đồm, làm nhiều việc như trước kia và tương tự như vậy là đối với các bộ và chính quyền địa phương các cấp.
2. Gắn liền với việc làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan hành chính là việc thực hiện phân cấp Trung ương - địa phương. 3 năm qua, một loạt các việc cụ thể đã được tiếp tục phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện, ví dụ như:
- Phân cấp về quyết định ngân sách địa phương theo Luật ngân sách Nhà nước, trong đó đáng chú ý là phân cấp về nguồn thu và thực hiện nhiệm vụ chi,
- Phân cấp về phê duyệt dự án đầu tư,
- Phân cấp về thẩm quyền giao đất và cấp đất theo Luật Đất đai,
- Phân cấp về biên chế sự nghiệp và tổ chức bộ máy cấp huyện,
- Phân cấp trong lĩnh vực giáo dục v.v…
Mặc dù đã có một số việc được phân cấp, nhưng nhìn chung vẫn còn khá nhiều lĩnh vực chưa có quy định cụ thể phân cấp cho địa phương. Vì vậy, với Nghị quyết mới đây của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong thời gian tới sẽ có những kết quả cụ thể hơn trong lĩnh vực này. Hiện tại, các bộ, ngành theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đang chuẩn bị nội dung phân cấp của bộ mình cho chính quyền địa phương.
3. Tổ chức bộ máy hành chính trên cơ sở làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và phân công, phân cấp đã được sắp xếp gọn và hợp lý hơn. Từ 48 cơ quan của Chính phủ, nay đã rút xuống còn 39 cơ quan. Cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh trung bình là 22-25 đầu mối và ở cấp huyện là 10-12 đầu mối. Đặc biệt, điều hết sức quan trọng là với việc sửa đổi Pháp lệnh cán bộ, công chức đã quy định rõ về cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã bao gồm 7 công chức chuyên môn.
4. Thủ tục hành chính tiếp tục được cải cách gắn liền với việc thực hiện cơ chế “một cửa”. Chính trong quá trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính đã cho thấy sự chủ động, sáng tạo và tính trách nhiệm cao của các cơ quan nhà nước, nhất là ở cấp cơ sở trong cụ thể hoá chủ trương của Chính phủ. Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại các cảng biển Việt Nam đã mang lại kết quả tốt, tương tự như vậy là việc thực hiện cơ chế này tại các sở, cấp huyện và cấp xã trong cả nước. Cho đến nay đã có khoảng 35% sở, 75% đơn vị cấp huyện và 9% cấp xã thực hiện cơ chế “một cửa”.
Thực tiễn cũng cho thấy cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm khắc phục tính hình thức trong triển khai cơ chế “một cửa” ở một số cơ quan, phát hiện và xử lý những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu dân của cán bộ, công chức.
5. Ba năm qua cũng là thời gian triển khai chủ trương về việc tách rõ cơ quan hành chính nhà nước với các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, phân biệt công chức hành chính với viên chức sự nghiệp. Điều này được thực hiện chủ yếu qua 2 cơ chế:
- Cơ chế khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính
- Cơ chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu.
Hiện tại Chính phủ đang chỉ đạo để nhanh chóng ban hành 3 cơ chế tự chủ trong tổ chức và hoạt động của các viện nghiên cứu khoa học, trường đại học, cao đẳng và bệnh viện công.
6. Vấn đề tiếp theo muốn thông tin đến Quý vị là việc tăng cường năng lực cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vừa được bầu ra qua cuộc bầu cử tháng 4/2004. Nâng cao năng lực và trình độ của đại biểu Hội đồng nhân dân là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Theo sự chỉ đạo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, việc tăng cường năng lực của Đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện bằng nhiều hình thức như:
- Biên soạn tại liệu bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
- Tập huấn giảng viên cho các lớp bồi dưỡng.
- Bộ Nội vụ trực tiếp tổ chức 12 khoá bồi dưỡng từ nay đến cuối năm cho khoảng 4000 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
- Trường cán bộ cấp tỉnh tổ chức bồi dưỡng cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã của tỉnh mình.
7. Vấn đề cuối muốn chia sẻ với Quý vị là việc chuẩn bị triển khai đề án cải cách chính sách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công. Sau một thời gian nghiên cứu, chuẩn bị dự kiến tháng 10 tới sẽ đi vào thực hiện. Theo đề án sẽ có những thay đổi trong hệ thống thang bảng lương, chỉnh sửa hệ thống thang bảng lương, từ nay đến 2007 nâng dần mức lương cơ bản nhằm cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, tạo động lực cho hoạt động công vụ của cán bộ, công chức.
II. MỘT SỐ TRỌNG TÂM CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ THỜI GIAN TỚI
Công cuộc cải cách hành chính 3 năm qua cho thấy Việt Nam đã tiếp tục thể hiện quyết tâm cải cách, trong thực tế đã thu được những kết quả tích cực, góp phần ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước tiến lên. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì cải cách hành chính vẫn còn chậm, một bộ phận cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu. Vẫn còn khá nhiều trì trệ trong cải cách thủ tục hành chính, thói quan liêu, nhũng nhiễu dân vẫn còn v.v… Đây là những trở ngại đòi hỏi trong thời gian tới phải khắc phục.
Đứng trước những thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng cải cách hành chính, bảo đảm sự đồng bộ của các cuộc cải cách trong hệ thống chính trị, Chính phủ đã xác định những trọng tâm, ưu tiên về cải cách hành chính trong thời gian tới là:
- Một là, xác định các giải pháp cần thiết gắn cải cách hành chính với chống tham nhũng, quan liêu.
- Hai là, tăng cường xã hội hoá các dịch vụ công. Trọng tâm trước mắt là các tổ chức sự nghiệp trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, thể dục thể thao theo hướng tự chủ toàn diện, bớt bao cấp.
- Ba là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc phân cấp Trung ương - địa phương.
- Bốn là, đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình hiện đại hoá nền hành chính, trọng tâm là chương trình tin học hoá quản lý hành chính nhà nước.
III. VỀ SỰ HỖ TRỢ CỦA CỘNG ĐỒNG TÀI TRỢ QUỐC TẾ
Chính phủ Việt Nam ghi nhận sự quan tâm và hỗ trợ có hiệu quả của cộng đồng tài trợ giúp cho công cuộc đổi mới nói chung và cho cải cách hành chính nói riêng. Nhân dịp này, tôi xin được bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới các nước, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam trong cải cách hành chính thời gian qua. Có thể nói, các nước, các tổ chức quốc tế đã bám sát các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ, của các bộ và địa phương, đưa ra những đề xuất, dự án hỗ trợ cải cách có hiệu quả.
Theo chúng tôi, các nước, các tổ chức quốc tế nên nghiên cứu, tập trung sự hỗ trợ vào các lĩnh vực sau:
- Một là, xây dựng thể chế kinh tế và hành chính phù hợp với yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội, với yêu cầu hội nhập và mở cửa.
- Hai là, quá trình thực hiện phân cấp Trung ương - địa phương. Kinh nghiệm của các nước trong vấn đề này là rất cần thiết cho Việt Nam.
- Ba là, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức trong việc thực thi công vụ.
- Bốn là, đưa công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, hiện đại hoá nền hành chính nhà nước.
Để sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam, giữa Bộ Nội vụ và cộng đồng tài trợ quốc tế có hiệu quả, chúng ta cần tăng cường các cuộc giao lưu, tiếp xúc để thảo luận những vấn đề có liên quan. Về phía Bộ Nội vụ, chúng tôi sẵn sàng cùng các Quý vị tiến hành các hoạt động nhằm duy trì và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thông tin cho quý vị tình hình cải cách hành chính và những trọng tâm cải cách của Chính phủ trong từng thời kỳ.
Tôi xin dừng phần trình bày tại đây, xin chân thành cảm ơn Quý vị