Thứ trưởng Lê Hồng Sơn nói, thực hiện quyết tâm ấy cũng là thực hiện lời hứa với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc của ngành tư pháp nói chung và các cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính nói riêng.
Thứ trưởng Lê Hồng Sơn chia sẻ, qua kinh nghiệm làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính, ông thấy rằng đây là việc khó, cho nên đòi hỏi cán bộ làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính phải có quyết tâm, tâm huyết, ngoài giỏi nghiệp vụ phải có kinh nghiệm thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực.
Một khó khăn khác được Thứ trưởng Lê Hồng Sơn nhắc tới là hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính “không dễ tạo được sự đồng thuận ngay của các ngành có liên quan”. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn vẫn bày tỏ tin tưởng rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm và sự tâm huyết, “chúng ta cơ bản sẽ hoàn thành nhiệm vụ đặt ra”.
 |
Hồi tháng 7, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan ngại khi nói rằng “cải cách hành chính đang có dấu hiệu “chùng” xuống ở một số bộ, ngành, cơ quan”.
|
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan nhấn mạnh: “Chúng ta phải xem xét đơn giản hóa, loại bỏ những thủ tục hành chính không hợp lý, không hợp pháp và đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước”.
Cục trưởng Ngô Hải Phan cho rằng, qua hoạt động kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính, phần lớn trong số đó được ban hành hợp pháp về trình tự, thủ tục ban hành và thể thức văn bản. Tuy nhiên, nhiều văn bản hợp pháp ấy lại chứa đựng nội dung không hợp lý, trở thành yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, việc sửa đổi, thay thế những văn bản này rất phiền toái vì cơ quan nào cũng muốn bảo vệ văn bản, thủ tục mà mình xây dựng.
Cục trưởng Ngô Hải Phan nêu ví dụ, khi giao cho các bộ, ngành tự thực hiện việc kiểm soát thủ tục hành chính đang lưu hành trong lĩnh vực do bộ, ngành mình quản lý thì hầu hết đều khẳng định, bộ thủ tục hành chính của mình là phù hợp. Tuy nhiên, khi tập hợp các bộ, ngành cùng ngồi lại làm việc với nhau thì lại phát hiện ra nhiều thủ tục không phù hợp, cần phải sửa đổi, thay thế.
Ngoài ra, Cục trưởng Ngô Hải Phan cũng nhắc tới thực trạng một số cơ quan chậm cập nhật những thay đổi trong thủ tục hành chính, dẫn tới việc người dân vẫn phải thực hiện những thủ tục hành chính đã được cải tiến, sửa đổi, không được hưởng thành quả của công tác cải cách thủ tục hành chính.
“Chẳng hạn, thủ tục hành chính thường xuyên thay đổi, nhưng nhiều cơ quan lại mang đi ép plastic rồi treo lên. Ép plastic thủ tục hành chính treo lên chỉ cho đẹp, để thể hiện rằng chúng ta đã công khai, minh bạch. Nhưng thực tế, những thủ tục hành chính ấy đã được thay đổi, cho nên người dân không được hưởng thành quả của công tác cải cách thủ tục hành chính”, Cục trưởng Ngô Hải Phan nói.
Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã từng nói: “Thể chế có chất lượng cao với thủ tục hành chính đơn giản, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đầy đủ sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, góp phần quan trọng nâng cao sức cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế”.
Cách đây không lâu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tỏ ra sốt ruột khi nói rằng việc cải cách thủ tục hành chính ở một số cơ quan, bộ phận đang có biểu hiện “chùng” xuống.
Bởi vậy, quyết tâm cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cần thiết phải được nhắc lại với cả hệ thống cơ quan Nhà nước. Thực hiện tốt việc này không chỉ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chỉ số cạnh tranh quốc gia, nâng cao thứ bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong cộng đồng quốc tế, mà còn góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh, thứ bậc tín nhiệm của chính từng cơ quan, địa phương. Bởi vì thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi, minh bạch là một trong những cơ sở quan trọng để nhà đầu tư trong và ngoài nước quyết định sẽ đầu tư vào lĩnh vực nào, địa phương nào.