BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hướng tới mô hình quản lý tinh gọn, hiệu quả

20/09/2013 15:55

Cùng với quá trình hội nhập và phát triển, đô thị hóa ở nước ta đang diễn ra nhanh chóng. Cải cách chính quyền đô thị là một đòi hỏi khách quan, cần thiết, nhằm tinh giảm, nâng cao năng lực bộ máy quản lý, giúp người dân bớt nhiều thủ tục rườm rà. Trước những vấn đề đang đặt ra, sáng 13-9 vừa qua, Báo Nhân Dân,Bộ Nội vụ, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo tổ chức chính quyền đô thị tại Việt Nam.


Người dân sử dụng hệ thống tin nhắn để đăng ký làm thủ tục tại UBND quận 1, TP Hồ Chí Minh - một phương thức cải cách hành chính hiệu quả. Ảnh:QUANG THẮNG

Từ góc nhìn lịch sử...

Tâm huyết và trách nhiệm, các đại biểu mang đến Hội thảo những tham luận giàu tính khoa học và thực tiễn. Đánh giá sự vận động của chính quyền đô thị Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945, PGS, TS Vũ Thị Phụng (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) nhấn mạnh: Dưới thời Lý - Trần, phường là đơn vị hành chính cơ sở có chức năng tổ chức và quản lý cư dân đô thị theo địa vực. Thời Nguyễn, do hoạt động giao thương không được mở rộng, nên thực tế các phường đã trở lại với những hoạt động nông nghiệp hoặc chỉ duy trì buôn bán nội vùng, nhiều đô thị sầm uất trước đây biến thành các thôn, trại. Vào thời Pháp thuộc, do nhu cầu khai thác, hệ thống đô thị được khôi phục và thiết lập mới, chính quyền thuộc địa lập ra cấp thành phố. Để giúp Đốc lý trong việc tổ chức, điều hành, thực dân Pháp cho thành lập Hội đồng thành phố (đối với thành phố cấp I) và Ủy ban thành phố (đối với thành phố cấp II). Hệ thống chính quyền này được quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ trong các văn bản pháp lý.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, chỉ vài tháng sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 63/SL ngày 22-11-1945, quy định về tổ chức các cấp chính quyền địa phương ở xã, huyện, tỉnh, kỳ. Nhưng do phân biệt quản lý và tổ chức ở đô thị khác với nông thôn, nên chỉ một tháng sau đó, ngày 21-12, Người đã ký ban hành tiếp Sắc lệnh 77/SL để quy định về tổ chức chính quyền ở thành phố, thị xã.

Là nhà nghiên cứu tâm huyết, PGS, TS Trương Đắc Linh đã chỉ ra tính ưu việt của hai sắc lệnh này: "Sắc lệnh 63 quy định các đơn vị gồm bốn cấp: cấp kỳ, cấp tỉnh, thành phố, cấp huyện, và cấp xã, nhưng chỉ có tỉnh, thành phố và xã được xác định là đơn vị hành chính cơ bản, tổ chức chính quyền hoàn chỉnh, có cả Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban hành chính (UBHC). Theo Sắc lệnh 77, thành phố chia ra làm các khu phố, nhưng chỉ thành phố có HĐND để đại diện cho nhân dân thành phố, và có quyền quyết nghị về tất cả các vấn đề thuộc phạm vi thành phố".

Từ phân tích trên, PGS, TS Trương Đắc Linh nêu rõ: Hiến pháp năm 1959, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp năm 1962 đến Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và các văn bản pháp luật ban hành trên cơ sở những bản Hiến pháp này đã không kế thừa mà đồng nhất cơ sở pháp lý cho các cấp chính quyền ở địa bàn nông thôn cũng như đô thị, dẫn đến thành phố trực thuộc Trung ương dù rất khác tỉnh về điều kiện kinh tế, địa lý, dân cư, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhưng đang phải mặc chung "chiếc áo pháp lý" của tỉnh quá chật hẹp. Do vậy, việc nghiên cứu ban hành chính sách trong việc tổ chức chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm đã có là việc làm cần thiết.

...đến những vấn đề của tình hình mới

Tốc độ đô thị ở nước ta nhanh và diễn ra trên phạm vi rộng. Tuy nhiên, mô hình tổ chức bộ máy chính quyền các cấp được duy trì trong thời gian dài, chưa thay đổi kịp theo thực tiễn, ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển chung. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1-8-2007 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), nêu rõ chủ trương Kế hoạch xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở một số địa phương, nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

Năm 2007 Bộ Chính trị cho phép TP Hồ Chí Minh (đô thị đặc biệt) xây dựng Đề án thí điểm chính quyền đô thị, thành phố đã được Trung ương cho thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên phạm vi toàn thành phố vào năm 2009. Ông Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu: "Mô hình tổ chức trên chỉ phát huy hiệu quả khi cơ chế phân cấp và ủy quyền được đổi mới và thực hiện triệt để theo hướng tăng cường và nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi thẩm quyền, nhiệm vụ được giao".

TP Đà Nẵng cũng được chọn làm thí điểm (đối với đô thị loại 1). Theo kết quả khảo sát, có đến 68,8% ý kiến cho rằng việc không tổ chức HĐND tại cấp huyện, quận, phường như thí điểm không ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của người dân. Tại Hội thảo, đại diện TP Đà Nẵng đã nêu ra dẫn chứng cho thấy "Cải cách chính quyền đô thị là khách quan, đúng đắn. Hiện Đà Nẵng đang từng bước triển khai một cách hiệu quả".

Như vậy, Đề án thí điểm chính quyền đô thị đang mở ra những hy vọng mới. Cùng đó, trong quá trình thực hiện, có nhiều ý kiến trái chiều, tỏ rõ sự băn khoăn. Thí dụ: "Có sự xung đột lợi ích giữa thành phố và Trung ương, do thẩm quyền của thành phố tăng lên, thẩm quyền của một số Bộ, ban, ngành Trung ương có bị thu hẹp không?"; "Cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát, chịu trách nhiệm của từng cấp, cá nhân, nhất là đối với nơi không tổ chức HĐND?"; "Có thể định lượng được chi phí thực hiện thí điểm và hiệu quả?"; "Sự tham gia của người dân như thế nào và những lợi ích của họ từ mô hình này?"; "Ảnh hưởng như thế nào đối với người dân và doanh nghiệp khi phân bổ lại địa giới hành chính đi kèm theo đó là các điều chỉnh về quy hoạch?".

Hay việc không tổ chức (bỏ) HĐND huyện, quận, phường đặt ra vấn đề phải xây dựng lại cách thức thành lập đối với UBND, rồi công tác giám sát, kiểm tra, lấy phiếu tím nhiệm, bãi nhiệm... đối với các chức danh UBND huyện, quận, phường trong điều kiện đó sẽ như thế nào, để bảo đảm cơ quan hành chính tại địa phương thể hiện bản chất dân chủ, chịu sự kiểm soát của nhân dân?

Về vấn đề này, PGS, TS Vũ Thư (Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: "Đề án chính quyền đô thị của TP Hồ Chí Minh tuy có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng về hướng cải cách là đúng. Nó nhằm khắc phục tình trạng quản lý cắt khúc, thể hiện được tinh thần đối với một đô thị, vấn đề chủ yếu là quản lý hành chính hiệu quả, chứ không phải là có nhiều cấp chính quyền. Điều đó là có lợi cho người dân, vì lợi ích của họ được thực hiện không bị chia cắt bởi quản lý, cung ứng dịch vụ công theo các đơn vị hành chính - lãnh thổ trong cùng một đô thị".

Chính quyền vì dân

Tổ chức bộ máy nhà nước nói chung, chính quyền địa phương nói riêng ở nước ta luôn quán triệt nguyên tắc: Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Điều đó cho thấy, mối quan tâm trước hết chính là cần thay đổi tư duy, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ. Làm sao để đội ngũ cán bộ có được nhận thức và trách nhiệm mới, đủ sức quán xuyến công việc trong chính quyền đô thị mới, cùng đồng lòng làm bật dậy động lực, đưa đô thị phát triển.

Mặt khác, nhịp sống ở đô thị đòi hỏi cao về quản lý nhanh chóng, hiệu quả với lối sống công nghiệp; dân cư đô thị ngày càng quan tâm đến dân chủ, minh bạch... Thực tế đó đòi hỏi cách quản lý phải linh hoạt, ứng phó kịp thời với nhiều tình huống. Và trên hết, chính quyền đô thị phải là động lực thúc đẩy đất nước phát triển, đáp ứng nguyện vọng và lắng nghe tiếng nói của nhân dân, giúp người dân được hưởng phúc lợi tốt hơn, cuộc sống ấm no hơn, chứ không chỉ đơn thuần là việc chuyển đổi một bộ máy từ cũ sang mới.

Hội thảo khép lại với niềm tin tưởng vào sự thành công bước đầu của Đề án thí điểm chính quyền đô thị, đúng như đánh giá của đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân : Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều cho rằng, cần thiết phải tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam, đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm xây dựng tổ chức chính quyền đô thị phù hợp những chế định về chính quyền địa phương trong bản Hiến pháp đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính quyền, bảo đảm dân chủ, vì lợi ích của nhân dân và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần hoàn thiện bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả.


 

Theo http://www.nhandan.org.vn
Tìm kiếm