Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Ngày 14/11, tại Hà Nội, trong chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 31 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Bộ Nội vụ đã báo cáo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh; đề án thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang; đề án thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; đề án thành lập thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; đề án thành lập thị trấn Vĩnh Thạnh Trung thuộc huyện Châu Phú, thị trấn Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn và thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Tại Phiên họp, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh; Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Vĩnh Thạnh Trung thuộc huyện Châu Phú, thị trấn Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn và thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Thẩm tra các đề án, ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật về việc thành lập các đơn vị hành chính mới tại 5 địa phương cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản thống nhất với nội dung của các đề án, tuy nhiên đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ làm rõ thêm thông tin về một số nội dung liên quan đến hồ sơ đề nghị thành lập các đơn vị hành chính mới. Thảo luận tại Phiên họp, một số ủy viên UBPL đề nghị làm rõ một số thông tin liên quan, như: cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý để thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập thành phố Thủ Đức; chính sách đặc thù cho thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh; tiêu chuẩn, điều kiện thành lập phường; khoảng cách giữa các phường thuộc thành phố thuộc tỉnh; tỷ lệ đất nông nghiệp tại các phường đề nghị được thành lập mới; việc bảo vệ diện tích đất rừng sau khi thành lập thành phố Phú Quốc; phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ sau khi thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa.
Tại Phiên họp, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã báo cáo, giải trình các nội dung liên quan đến cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý của việc thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định, việc thành lập thành phố Phú Quốc và việc thành lập thành phố Thủ Đức có đầy đủ cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và chính quyền các địa phương, hồ sơ thành lập các đơn vị hành chính mới đã được tổ chức lấy ý Nhân dân theo đúng quy định của pháp luật. Các ý kiến báo cáo giải trình của Thứ trưởng Trần Anh Tuấn được chủ trì Phiên họp đánh giá cao.
Để làm rõ thêm một số nội dung theo yêu cầu của các ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong và đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Kiên Giang, tỉnh An Giang, tỉnh Bình Dương và thành phố Thanh Hóa đã phát biểu giải trình tại Phiên họp, cung cấp thêm thông tin về thực tế tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương nơi đề nghị thành lập đơn vị hành chính mới trong 10 năm gần đây, cũng như một số thông tin về: yếu tố lịch sử khi sáp nhập; cơ sở lựa chọn tên gọi của đơn vị hành chính mới; tiêu chuẩn, điều kiện thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; tiêu chuẩn thành lập thị trấn, phường; về quy mô dân số và tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp; phương án bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư theo đề nghị của các ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Kết luận nội dung thảo luận, chủ trì Phiên họp đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ có giải trình bổ sung về một số nội dung được các đại biểu đặt ra tại Phiên họp, hoàn thiện hồ sơ đề án, đồng thời Thường trực Ủy ban Pháp luật hoàn thiện báo cáo thẩm tra, để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp vào tháng 12/2020.
Thuận Nghiên