BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Tọa đàm khoa học “Chiến lược phát triển ngành Nội vụ giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến năm 2035”

13/01/2017 16:35

Nhằm xác lập cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển ngành Nội vụ giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến năm 2035 theo Quyết định số 140/QĐ-BNV ngày 22/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sáng ngày 12/01/2017, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức buổi Tọa đàm khoa học với chủ đề “Chiến lược phát triển ngành Nội vụ giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến năm 2035” (Tọa đàm).

TS. Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì buổi tọa đàm.

Dự Tọa đàm có TS. Thang Văn Phúc, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; PGS.TS. Văn Tất Thu, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Ông Lương Văn Tự, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương; PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư; Lãnh đạo, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Ban Tổ chức Trung ương, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, chuyên viên một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, Quảng Ninh.

TS. Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, trong thời gian qua, thực hiện Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam, công tác quy hoạch phát triển nhân lực ngành Nội vụ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra rằng, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập đang đặt ra đối với các công tác của ngành Nội vụ hiện nay như: Trình độ nhân lực ngành Nội vụ chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của ngành; Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Nội vụ đã được chú trọng nhưng chưa hiệu quả. Trước yêu cầu đó, Bộ Nội vụ cần tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, có chính sách trọng dụng và thu hút nguồn nhân lực trẻ có trình độ cao cũng như đội ngũ chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội vụ; Tiến hành rà soát lại các thể chế đã ban hành, sửa đổi, bổ sung các điều còn thiếu và chưa phù hợp; Hoàn thiện chế độ tuyển dụng công chức, viên chức nhằm thu hút những người có tài vào làm việc trong cơ quan tổ chức.

Để thực hiện kế hoạch phát triển ngành Nội vụ ở giai đoạn trung hạn và dài hạn, Bộ Nội vụ đã triển khai nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Nội vụ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 với yêu cầu đặt ra là bảo đảm quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, hoạt động chuyên nghiệp, phục vụ Nhân dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Đề cương dự thảo Chiến lược phát triển ngành Nội vụ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 tập trung vào các nội dung chủ yếu sau: Sự cần thiết xây dựng Chiến lược phát triển ngành Nội vụ; Kinh nghiệm quốc tế; Quan điểm xây dựng Chiến lược; Mục tiêu, định hướng phát triển của ngành Nội vụ; Các giải pháp để thực hiện các mục tiêu và định hướng đã đề ra; Lộ trình và tổ chức thực hiện.

Buổi tọa đàm được tổ chức để xin ý kiến đóng góp của các đại biểu nhằm làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành Nội vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị, trong khuôn khổ Tọa đàm, các đại biểu cần nêu cao tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tập trung trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến để làm rõ một số nội dung chủ yếu sau: (1) Làm rõ vấn đề lý luận cơ bản về ngành và phát triển ngành Nội vụ. Đây là nội dung rất cơ bản, để định hướng cho sự phát triển của ngành Nội vụ trong thời gian tới; (2) Những yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển của ngành Nội vụ hiện nay và quan điểm, mục tiêu để phát triển ngành Nội vụ; (3) Vị trí của ngành Nội vụ trong hệ thống hành chính nhà nước và trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương; (4) Các giải pháp, đặc biệt là các giải pháp có tính đột phá để góp phần khắc phục những bất cập về công tác quy hoạch và xây dựng chiến lược trong giai đoạn hiện nay; (5) Đổi mới cơ chế, tăng cường nguồn lực đảm bảo cho sự phát triển của ngành Nội vụ.

TS. Thang Văn Phúc, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ trình bày tham luận tại buổi tọa đàm

PGS.TS. Văn Tất Thu, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại buổi tọa đàm

Trên cơ sở đề cương Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Nội vụ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, các đại biểu dự Tọa đàm đã trình bày tham luận, trao đổi nhiều ý kiến nhằm làm rõ hơn các vấn đề về lý luận, thực tiễn để xây dựng, bổ sung vào Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Nội vụ. Các tham luận, ý kiến của đại biểu tại Tọa đàm tập trung làm rõ các nội dung: Ngành Nội vụ - Quá trình hình thành và phát triển; Công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Nội vụ - Thực trạng và giải pháp; Quan điểm về ngành và ngành Nội vụ trong hệ thống hành chính nhà nước; Vị trí, vai trò của ngành Nội vụ trong hệ thống hành chính nhà nước; Yêu cầu cải cách hành chính đối với sự phát triển của ngành Nội vụ giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến năm 2035; Mục tiêu, quan điểm phát triển ngành Nội vụ giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến năm 2035; Giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức ngành Nội vụ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; Lộ trình phát triển ngành Nội vụ giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến năm 2035, nhiệm vụ đặt ra đối với mỗi giai đoạn và khâu đột phá chiến lược. Các tham luận, trao đổi, ý kiến đóng góp của đại biểu đều được chủ trì Tọa đàm tiếp thu, giải trình và ban tổ chức, các đơn vị chức năng ghi nhận một cách nghiêm túc, đầy đủ, chi tiết, àm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành Nội vụ giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cảm ơn và đánh giá cao các tham luận, ý kiến đóng góp của đại biểu tại buổi Tọa đàm đồng thời yêu cầu Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Vụ Tổng hợp (2 đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Chiến lược) ghi nhận đầy đủ, chi tiết để tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, xây dựng Chiến lược phát triển ngành Nội vụ giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhận định, các tham luận, ý kiến của đại biểu trao đổi tại Tọa đàm có hàm lượng khoa học cao, có giá trị tham khảo sâu sắc và đã làm rõ được cơ sở lý luận và thực tiễn của một số vấn đề quan trọng sau: (1) Xác định rõ ngành Nội vụ là ngành quản lý về lĩnh vực Nội vụ của Nhà nước; (2) Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của ngành Nội vụ trong hệ thống hành chính nhà nước; (3) Cùng với sự phát triển của đất nước, quy mô của ngành Nội vụ cũng mở rộng hơn, sự đầu tư của nhà nước cũng tăng lên và ngành Nội vụ cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vị trí, vai trò quan trọng của ngành Nội vụ được khẳng định; (4) Trong giai đoạn tới, để xây dựng ngành Nội vụ ngày càng vững mạnh, cần chú trọng phát triển theo hướng “Kiến tạo, liêm chính, hành động, sáng tạo và phục vụ nhân dân”; (5) Để xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược, cần tăng cường các điều kiện đảm bảo thực thi thông qua các nguồn lực tài chính, thực hiện cân đối ngân sách tích cực, đảm bảo tỉ lệ tích lũy hợp lý cho đầu tư phát triển. Buổi Tọa đàm khoa học lần này là cuộc thảo luận, trao đổi đầu tiên để xin ý kiến góp ý vào dự thảo Chiến lược phát triển của ngành Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa hy vọng rằng, tại những cuộc Hội thảo, Tọa đàm tiếp theo, các đại biểu sẽ tiếp tục có những tham luận, đóng góp có chất lượng để giúp Bộ Nội vụ xây dựng được Chiến lược phát triển ngành Nội vụ giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đủ tầm, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của hệ thống hành chính nhà nước, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới.

Toàn cảnh Tọa đàm

Tin, ảnh: Trần Hải
Tìm kiếm