Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Chiều 16/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương về xử lý vướng mắc trong quá trình hướng dẫn thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tổng hợp nhu cầu kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) của các địa phương giai đoạn 2023-2025.
Đến nay, có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hầu hết báo cáo của các địa phương đều xin hỗ trợ một lần từ ngân sách Trung ương theo đúng định mức về hỗ trợ ĐVHC cấp huyện, cấp xã giảm sau sắp xếp theo quy định tại Khoản 2, Điều 22 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tổng kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương cần thiết để hỗ trợ thực hiện sắp xếp ĐVHC của các địa phương là 281,5 tỷ đồng cho 36 địa phương, trong đó kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện là 140 tỷ đồng, tương ứng với 7 ĐVHC cấp huyện giảm; kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã là 141,5 tỷ đồng, tương ứng với 283 ĐHVC cấp xã giảm.
Những khó khăn, vướng mắc của các địa phương hiện nay là nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các địa phương đã được phân bổ hết cho các nhiệm vụ, dự án cụ thể. Theo báo cáo của các địa phương, số vốn hỗ trợ chủ yếu là để cải tạo, sửa chữa hạ tầng, nâng cấp tài sản, trang thiết bị. Trường hợp bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 thì phải thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 chỉ còn hơn 1 năm, nếu thực hiện các thủ tục và giải ngân ngân sách Trung ương hỗ trợ sắp xếp ĐVHC theo quy trình Luật Đầu tư công thì rất khó khăn, không hoàn thành được mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 35.
Mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đối với mỗi ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo quy định tại Khoản 2, Điều 22 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 còn hạn chế, sẽ không đảm bảo so với nhu cầu chi thực tế. Hiện nay, sau khi sáp nhập các ĐVHC, nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn kinh phí để thực hiện cải tạo cơ sở hạ tầng, sửa chữa các trụ sở UBND cấp xã sau sắp xếp, cũng như xử lý vấn đề sắp xếp vị trí việc làm và chế độ, chính sách đối với số công chức dôi dư sau khi giảm số lượng ĐVHC cấp xã.
Một số địa phương (bao gồm địa phương tự chủ ngân sách, không thuộc đối tượng nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương) gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách, chủ yếu do điều kiện thu ngân sách còn khó khăn, trong đó đặc biệt khó khăn về nguồn thu sử dụng đất, dẫn đến thiếu kinh phí thực hiện lập và điều chỉnh quy hoạch chung của xã.
Các địa phương đề nghị hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương theo hình thức bổ sung dự toán chi thường xuyên, hoặc theo dự toán ngân sách Nhà nước, không giao vốn theo phương thức kế hoạch đầu tư công để thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC, đảm bảo phù hợp nội dung Khoản 2, Điều 22 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và nêu rõ tinh thần là chỉ hỗ trợ theo đúng định mức đã được quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã cho ý kiến và có các chỉ đạo cụ thể về từng nội dung, nhiệm vụ đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và một số bộ, ngành hữu quan trong tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn chi tiết các địa phương về trình tự, thủ tục, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện sắp xếp ĐVHC, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về ngân sách.