BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Xử lý trách nhiệm cán bộ nghỉ hưu như thế nào?

17/03/2017 17:09

Cán bộ nghỉ hưu không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các quy định khác có liên quan, vì vậy, cán bộ nghỉ hưu nếu không bị xử lý hình sự thì cũng không thể bị xử lý trách nhiệm hành chính hoặc bị kỷ luật. Và tất nhiên cán bộ về hưu vẫn có thể “hạ cánh an toàn” do không cơ chế ràng buộc trách nhiệm. Làm thế nào để khắc phục được những vấn đề này?


Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) tiếp tục kế thừa nguyên tắc xác định thẩm quyền trong Luật Tố cáo năm 2011, ngoài ra còn bổ sung thêm một số nguyên tắc để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn giải quyết tố cáo hiện nay, cụ thể đã bổ sung nội dung:Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu do người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi cán bộ, công chức, viên chức trước khi nghỉ hưu công tác giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đã nghỉ hưu do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp trước đó công tác giải quyết” (khoản 4 Điều 12 dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).

Đây là nội dung bổ sung rất quan trọng và kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là cán bộ) đã nghỉ hưu, khi mà đương chức họ có hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; đồng thời sẽ lấp những “khoảng trống” của pháp luật mà thực tiễn đã phát sinh những vướng mắc, bất cập. Bên cạnh đó, sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao, nhất là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sắp nghỉ hưu trong các cơ quan nhà nước.

Nhưng vấn đề đặt ra là xác định trách nhiệm của cán bộ về hưu như thế nào thì cần phải có hướng dẫn cụ thể chi tiết để thực hiện. Bởi vì, thời gian qua, việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ về hưu còn nhiều lúng túng do chưa có quy định cụ thể. Một số hình thức đưa ra để xử lý trách nhiệm của cán bộ về hưu như phê bình, xóa tư cách của cán bộ khi đương chức… nhưng tất cả các hình thức xử lý đó vẫn chưa thỏa đáng. Lý do, cán bộ nghỉ hưu không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các quy định khác có liên quan, vì vậy, cán bộ nghỉ hưu nếu không bị xử lý hình sự thì cũng không thể bị xử lý trách nhiệm hành chính hoặc bị kỷ luật. Và tất nhiên cán bộ về hưu vẫn có thể “hạ cánh an toàn” do không cơ chế ràng buộc trách nhiệm.

Cán bộ được nhà nước giao quyền thực thi công vụ, khi có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước, tổ chức và cá nhân thì sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Đồng thời, những thiệt hại do cán bộ gây ra, trước hết phải do nhà nước gánh chịu, sau đó tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền sẽ xử lý trách nhiệm đối với cán bộ vi phạm như bị kỷ luật cảnh cáo, cách chức, giáng chức…; đồng thời, xác định trách nhiệm bồi hoàn đối với cán bộ gây thiệt hại theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Tuy nhiên, đối với cán bộ nghỉ hưu bị tố cáo có hành vi vi phạm lúc đương chức, quá trình giải quyết tố cáo cơ quan có thẩm quyền đã kết luận, xác định rõ những sai phạm, thiệt hại và cần khắc phục thì cơ quan, người có thẩm quyền nơi cán bộ trước khi nghỉ hưu phải tổ chức khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, để truy trách nhiệm đối với cán bộ nghỉ hưu thì chưa có quy định và các chế tài cụ thể để xử lý, trừ trường hợp cán bộ nghỉ hưu bị xử lý hình sự. Do đó, rất nhiều trường hợp, khi cán bộ sắp nghỉ hưu thường có các hành vi như bổ nhiệm hàng loạt cán bộ không đúng quy trình, không đủ tiêu chuẩn; tranh thủ “vơ vét” hoặc có ý làm trái để vụ lợi… mà không sợ bị xử lý; khi vụ việc bị phát giác thì đã “hạ cánh an toàn”.

Do đó, dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) lần này đã bổ sung quy định về xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cán bộ nghỉ hưu, nhưng đồng thời với đó cũng cần phải xây dựng các quy định cụ thể để xử lý trách nhiệm như buộc cán bộ nghỉ hưu phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự; bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý các hình thức kỷ luật Đảng; tịch thu các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng được Nhà nước trao tặng; tịch thu sổ hưu trí… Có như vậy, sẽ không có tình trạng lúng túng khi xử lý trách nhiệm đối với cán bộ nghỉ hưu, mặt khác sẽ có tác dụng răn đe, giáo dục đối với cán bộ đương chức.

Theo http://laodong.com.vn
Tìm kiếm