
Dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Các Ủy viên Trung ương Đảng: Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; PGS.TS Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang; Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; Huỳnh Đức Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; GS.TS Đào Nhất Đào, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đặc khu kinh tế Trung Quốc, Đại học Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo sở, ban, ngành, địa phương tỉnh Quảng Ninh. Tham dự hội thảo còn có hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, các diễn giả có kinh nghiệm và uy tín hàng đầu thế giới về đặc khu kinh tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định ý nghĩa của việc tổ chức hội thảo, thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ngành trong cả nước đối với việc xây dựng mô hình ĐKKT, góp phần thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước ta về 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tái cấu trúc nền kinh tế; góp phần hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, học giả, nhà quản lý, giới trí thức, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước cùng chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu liên quan đến quá trình hình thành, phát triển mô hình ĐKKT trên thế giới trong hơn 3 thập kỷ qua; đồng thời đề xuất các chính sách, giải pháp xây dựng và phát triển mô hình này tại Việt Nam.

Hội thảo lần này cũng sẽ là cơ hội để Quảng Ninh gửi thông điệp thiết tha đầy khát vọng về một vùng đất được ví như là ”Việt Nam thu nhỏ”, giàu tiềm năng, nhiều cơ hội nhưng thiếu cơ chế chính sách đột phá và có huyện đảo Vân Đồn hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng ĐKKT nhưng chưa thực hiện được.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sáng kiến và sự chuẩn bị của tỉnh Quảng Ninh và trường Đại học Thâm Quyến. Phó chủ tịch Quốc hội khẳng định vấn đề xây dựng ĐKKT đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam coi trọng và đưa vào các văn kiện của Đảng, Nhà nước, Quốc hội từ hơn 20 năm trước, thể hiện trong Hiến pháp năm 1992 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khoá VII năm 1994.
Trong bối cảnh hiện nay, đứng trước những cơ hội và khó khăn thách thức thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững; trong đó đã chỉ đạo xây dựng 3 ĐKKT tại ba địa phương có tiềm năng là Vân Đồn - Quảng Ninh; Vân Phong - Khánh Hòa và Phú Quốc - Kiên Giang nhằm tạo động lực phát triển cho từng vùng và cả nước.
Mô hình ĐKKT đã được xây dựng và phát triển thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới từ hơn 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, đối với Việt Nam đây là một mô hình mới. Trong quá trình triển khai thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng. Do đó, những bài học kinh nghiệm, những ý kiến tư vấn của các đại biểu tại hội thảo thực sự rất hữu ích.
Đó là các vấn đề liên quan đến việc lựa chọn địa điểm thuận lợi; định hướng phát triển ngành nghề phù hợp; cách thức vận hành, thể chế hành chính tinh gọn hiệu quả, sự phân cấp và thẩm quyền của người đứng đầu đặc khu như thế nào để đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm...
Tham luận tại hội thảo, GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ươg khẳng định: Các khu kinh tế tự do (đặc khu kinh tế) trên thế giới là một vấn đề có tính phổ biến, là kết quả cụ thể của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Mục đích của việc xây dựng các ĐKKT là nhằm thu hút các nguồn lực (công nghệ hiện đại, nguồn vốn, nhân tài, ý tưởng phát triển...) từ bên ngoài nhằm tạo ra những cực tăng trưởng, kích hoạt các vùng kinh tế, nền kinh tế phát triển. Đồng thời, ĐKKT cũng là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế mới trước khi trở thành thể chế, chính sách của cả nước.
Việt Nam là nước có lợi thế lớn về kinh tế biển, đảo với hơn 50 cảng biển, 40 vũng, vịnh, 3.000 hòn đảo lớn nhỏ; là một trong 10 nước trên thế giới, có 3.260 km chiều dài bờ biển. Vì thế, việc xây dựng một số ĐKKT để tạo các cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Tại Hội nghị Trung ương 4 khoá VIII (1997), ý tưởng xây dựng các khu kinh tế đã được đề xuất. Tuy nhiên, đến năm 2002, chủ trương xây dựng thí điểm mô hình khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) mới được quyết định và đến nay đã có 18 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích khoảng 54.000ha.
Những khu kinh tế này đã đạt được các kết quả nhất định xét về các mặt thu hút đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết công việc làm ăn cho hàng vạn lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương...
Tuy nhiên, thể chế ở các khu kinh tế này tuy có vượt trội so với các khu công nghiệp, nhưng chỉ tập trung vào các ưu đãi về thuế, về tiền thu đất... nên so với các khu kinh tế tự do trong khu vực và trên thế giới còn nhiều bất cập, không đủ sức cạnh tranh. Vì vậy rất cần sớm triển khai thực hiện một số đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt".
Ba khu kinh tế tiêu biểu đầu tiên gồm Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đã được lựa chọn.
Ngoài 3 khu vực nói trên, những địa điểm có thể được lựa chọn là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (tuyến phát triển ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam); Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh (tuyến phát triển phía Bắc); các tỉnh ven biển miền Trung (Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định...).
Hội thảo đã nghe một số tham luận của các chuyên gia kinh tế thế giới tập trung trao đổi và thảo luận về kinh nghiệm của quốc tế đối với phát triển các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do, Thể chế, cơ chế chính sách, nền hành chính; Lợi ích và những khó khăn, thách thức...

Từ những kinh nghiệm áp dụng vào tình hình thực tế để phát triển Đặc khu kinh tế tại Việt Nam và Đặc khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.