Giai đoạn 2021 - 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10 % biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đó là nội dung đáng chú ý tại Kết luận số 40 của Bộ Chính trị vừa ban hành về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của toàn hệ thống.
Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ).
Ông Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ)
Phóng viên: Theo ông, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phải là một cú huých cho công cuộc tinh giản biên chế vừa qua hay không?
Ông Đinh Duy Hòa: Tôi nghĩ nhận định này là đúng. Nếu không có Nghị quyết 39 thì chắc là không có kết quả như vậy.
Với Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị vào năm 2015 xác định rõ đây là việc cần thiết phải làm, định rõ các chỉ tiêu phải thực hiện cũng như cách làm. Sau Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, chúng ta có Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) năm 2017 tiếp tục chủ trương này.
Như vậy, không chỉ cơ quan hành chính giảm biên chế mà còn có các đơn vị sự nghiệp công lập. Đánh giá lại để thấy vai trò hết sức quan trọng của Nghị quyết 39 trong công cuộc tinh giản biên chế hiện nay.
Phóng viên: Mặc dù các bộ, ban ngành, địa phương đã tích cực thực hiện tinh giản biên chế, trong đó có việc sáp nhập các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, ở một số nơi việc tinh giản vẫn mang tính cơ học. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Đinh Duy Hòa: Nhìn vào kết quả đạt được, chúng ta thấy rõ đây mới thuần túy là triển khai tinh giản về mặt cơ học. Tinh giản biên chế là gì? Tinh giản biên chế là trong đó vừa có câu chuyện giảm người nhưng đồng thời làm cho đội ngũ còn lại phải chất lượng hơn.
Vừa rồi, chúng ta mới chỉ đạt được con số thuần túy, có nghĩa là giảm bao nhiêu người theo chỉ tiêu của Bộ Chính trị quy định. Còn câu chuyện giữa các đơn vị trong một bộ, trong một sở, giữa các sở thuộc UBND cấp tỉnh thì việc cào bằng thể hiện rất rõ, chưa rà soát đội ngũ cán bộ, công chức để xem người nào không đáp ứng được nữa.
Việc tinh giản vừa qua mới mang tính chất cơ học, giảm chủ yếu là đối tượng nghỉ hưu, tự nguyện thôi việc, chuyển sang đơn vị tư nhân. Một số đơn vị sự nghiệp công lập, theo quy định sau khi sắp xếp, có đơn vị thôi hẳn, giải tán nên lượng người giảm đi, hoặc chuyển đổi sang lĩnh vực khác.
Vì vậy, việc tinh giản cơ học thể hiện rất rõ trong thời gian qua, chưa nói lên nhiều về câu chuyện rà soát, đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từ đó xem những vị trí nào, những con người nào không đáp ứng để đưa ra khỏi bộ máy.
Phóng viên: Những tồn tại đã được nhận diện, những nguyên nhân khiến công tác tinh giản biên chế vẫn còn hình thức đã được chỉ ra và nói đến nhiều lần. Do đó, việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 tiếp tục được Bộ Chính trị đặt ra với những chỉ tiêu rất cụ thể, rõ ràng. Đó là toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5 % biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10 % biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ông có bình luận gì về những con số cứng đã được đưa ra?
Ông Đinh Duy Hòa: Những con số này là tạm thời chấp nhận. Chúng ta vẫn dùng cách thức cũ là áp đặt chỉ tiêu phải giảm từng này %. Đến năm 2026, cả nước có hơn 2,2 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Rất mong các nhà nghiên cứu hãy thử so sánh con số này với người làm việc trong khu vực công của một số nước. Dân số Việt Nam đến thời điểm hiện tại là cỡ 93 triệu người, đến năm 2026 dân số sẽ còn tăng thêm nữa, trong khi số cán bộ, công chức, viên chức là hơn 2,2 triệu người. Ở Đức có 82 triệu dân, người làm việc trong khu vực nhà nước là 5 triệu người; Pháp có khoảng 62 triệu dân, người làm việc trong khu vực nhà nước là trên 5 triệu người.
Với xu thế này, cào bằng, đồng đều giảm đi thì có lẽ sau năm 2020 số cán bộ, công chức, viên chức còn 2 triệu người. Tôi rất lo ngại câu chuyện đơn vị sự nghiệp công lập, bản chất của Nhà nước XHCN là đảm bảo dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, người phải đủ để làm việc. Nói câu chuyện này, liên hệ tới TP.HCM cho thấy thành phố được Bộ Nội vụ liệt vào các đơn vị hành chính cấp tỉnh duy nhất không thực hiện được chỉ tiêu Bộ Chính trị giao. Song lập luận của thành phố cũng có cái lý của họ.
Với khối lượng việc quản lý cùng với số lượng người dân như vậy, thì với con số 5.700 biên chế để dư của TP.HCM thì đây không phải là con số dôi dư theo quan niệm của địa phương này mà đây là số người dôi dư theo quan niệm của Trung ương. Còn thành phố thực sự cần số người này thì mới làm được việc.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng, số chỉ tiêu trên tạm thời chấp nhận trong giai đoạn hiện nay chưa làm rành mạch, khoa học vị trí việc làm thì tạm coi đây là đích phấn đấu. Còn về lâu dài, theo quan điểm cá nhân tôi, không nên làm theo kiểu như vậy.
Phóng viên:Tại hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng vào tháng 7 vừa qua, Trưởng ban tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, đến năm 2026 sẽ cố gắng chuyển thêm một bước là biên chế được quyết định hoàn toàn dựa trên vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan; việc tinh giản sẽ được thực hiện đồng thời với cơ cấu lại đội ngũ vì nếu chỉ tinh giản mà không cơ cấu thì chỉ giảm mà không mạnh cũng là máy móc. Ông có bình luận gì về quan điểm này?
Ông Đinh Duy Hòa: Quan điểm này hoàn toàn đúng. Muốn tinh giản biên chế phải từ những cái cơ bản nhất, từ xác định vị trí việc làm ra biên chế, ra cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức và trên cơ sở đó làm chuẩn việc tuyển dụng, chuẩn việc đánh giá cán bộ, công chức chủ yếu dựa trên đánh giá kết quả làm việc. Làm được như vậy thì mới rõ ai là người không đáp ứng để tính câu chuyện giảm.
Tôi cho rằng, giai đoạn 2015-2025 là giai đoạn tạo đà với cú huých là Nghị quyết 39, nhưng sau năm 2025, việc quyết tổng biên chế toàn hệ thống nên làm theo cách phù hợp với Nhà nước pháp quyền, Quốc hội quyết và giám sát việc thực hiện.
Quốc hội muốn quyết được thì các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nội vụ phải phối hợp chặt chẽ với Quốc hội trong quá trình chuẩn bị trình ra cái gọi là tiền về nhân sự, gắn với tiền là người. Phần lớn các nước đều như thế. Quốc hội thông qua tiền ngân sách là trong đó có tiền cho nhân sự.
Phóng viên: Cơ chế tự chủ tài chính có góp phần giảm biên chế thành công không, thưa ông?
Ông Đinh Duy Hòa: Về lâu dài, đây không phải là giải pháp chính, giải pháp chủ yếu. Tôi tán thành quan điểm trong Nghị quyết Trung ương 6 (khóa 12) về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu làm đúng chủ trương này thì một số đơn vị sự nghiệp công lập không cần thiết nữa, nếu bỏ chỗ này thì biên chế sự nghiệp sẽ giảm. Những đơn vị sự nghiệp nào còn tồn tại thì Nhà nước thừa nhận vai trò của nó trong cung cấp dịch vụ công, dịch vụ liên quan đến quản lý Nhà nước. Và đây là người của Nhà nước.
Vừa qua, chúng ta sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo quan điểm Nghị quyết Trung ương 6 khóa 12 là hoàn toàn đúng. Nhưng bây giờ khẳng định những đơn vị đang tồn tại như vậy đã chuẩn chưa, chuẩn rồi thì đừng bảo họ chuyển sang cơ chế tự chủ về tài chính. Thực chất, chỉ một số rất ít đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu cực lớn thì mới tự chủ được, còn phần lớn là dựa vào ngân sách Nhà nước. Về mặt nguyên lý, đã là đơn vị sự nghiệp công lập thì ngân sách Nhà nước chi.
Vì vậy, giải pháp này về lâu dài phải tính, nếu không các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có vấn đề trong hoạt động và rất có thể dẫn đến những sai phạm trong hoạt động.
Phóng viên: Theo ông, để tinh giản biên chế thực chất, cần phải làm gì?
Ông Đinh Duy Hòa: Để làm thực chất, cần phải quay lại những vấn đề cơ bản. Ví dụ, tôi là thủ trưởng một cơ quan hành chính, bây giờ yêu cầu phải giảm bớt người, vậy ai xác định chuẩn cơ quan tôi có bao nhiêu người và việc xác định như vậy có chuẩn hay không? Vì vậy, cần phải xác định chuẩn biên chế của từng cơ quan hành chính. Muốn làm được việc này thì phải làm chuẩn vị trí việc làm.
Muốn làm chuẩn bị vị trí việc làm thì phải từ chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan hành chính, rà soát lại xem có chồng chéo không, có bỏ sót việc không, thừa việc này, việc kia không.
Xác định vị trí việc làm là vấn đề khó. Do khó làm, chưa có cơ sở, chưa có hướng dẫn đúng, chuẩn cho nên trên thực tế, các bộ, địa phương làm việc này chủ yếu là hình thức, chưa chuẩn.
Gắn với câu chuyện này là rà soát lại đội ngũ. Muốn giảm biên chế thì phải xem công chức này, công chức kia có đáp ứng hay không và có lọt vào diện dôi dư hay không.
Bên cạnh đó, muốn làm thực chất thì thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan phải quyết tâm làm. Tôi có cảm giác các thủ trưởng cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp công lập đang có tâm lý ngại va chạm, tốt nhất là cơ quan cứ bình ổn mà làm. Chứ bây giờ nói “2-3 người thuộc diện dôi dư, bỏ ra ngoài" phải giải quyết thì có khi rất phức tạp. Để tinh giản biên chế thực chất là không đơn giản, đòi hỏi nhiều vấn đề phải giải quyết.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: vov.vn