Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
“Một đất nước có hàng nghìn năm văn hiến, với hơn 90 triệu dân thì Việt Nam không thể không có một bộ bách khoa toàn thư. Đây là một việc làm hệ trọng, một việc làm chúng ta mong muốn từ lâu...”. Đó là phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Lễ ra mắt Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, được tổ chức sáng 18-6, tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ ra mắt.
Đến dự lễ ra mắt còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành và các viện nghiên cứu, các trường đại học. Đặc biệt, có sự tham gia đầy đủ của các đồng chí là thành viên Hội đồng Chỉ đạo: Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên; Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức; Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú; Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Tất Giáp; Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hữu Đức; Phó giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Đạt.
Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam gồm 36 quyển, bao gồm đầy đủ các ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và kỹ thuật, khoa học quốc phòng, ngoại giao, an ninh... nhằm giới thiệu toàn diện, có hệ thống, chuẩn xác những tri thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử xã hội, văn hóa khoa học công nghệ Việt Nam xưa và nay; giới thiệu những tri thức văn hóa, khoa học kỹ thuật của thế giới và chú trọng những tri thức cần cho độc giả Việt Nam. Việc thực hiện được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2014 đến năm 2019 biên soạn theo phân quyển; giai đoạn 2 từ năm 2020 đến năm 2023 biên soạn 35 quyển theo vần ABC và một quyển sách dẫn.
Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đây là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các nước phát triển, các nước có nền văn hóa văn minh cao đều coi trọng việc biên soạn bách khoa toàn thư. Việt Nam là một nước mấy nghìn năm văn hiến, có một nền văn hóa văn minh phong phú lâu đời với bản sắc riêng và đang trong quá trình đổi mới. Do đó cần thiết và phải sớm biên soạn một bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam tổng hợp cỡ lớn cho mình.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Khi phê duyệt quyết định này, Phó thủ tướng luôn trăn trở để sao cho bộ Bách khoa toàn thư này phải là tri thức cơ bản cho mọi người Việt Nam. Đặc biệt, những nội dung ấy phải phản ánh quan điểm của Chủ nghĩa Mác- Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, hội đồng soạn thảo chọn ra 5 tiêu chí, đó là: Dân tộc, khoa học và hiện đại; hệ thống và chuẩn mực.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý tính dân tộc không chỉ thể hiện ở chỗ tri thức về dân tộc Việt Nam mà từ hình thức đến cách thức thể hiện, phải thể hiện đúng con người Việt Nam với giá trị mấy nghìn năm văn hiến. Bên cạnh tính khoa học, Phó thủ tướng nhấn mạnh và quan tâm nhiều hơn về tính đại chúng. Đó là bộ bách khoa không chỉ làm cho những nhà khoa học mà phải làm cho toàn dân; cung cấp những tri thức cơ bản cho mọi người dân nhưng không được để các nhà khoa học chuyên sâu thấy không hài lòng. Tính đại chúng còn thể hiện ở việc cập nhật bộ bách khoa trong xu thế khoa học công nghệ mới hiện nay.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định các nhà khoa học hoàn toàn có niềm tin để thực hiện việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam.
Xác định những thách thức sẽ gặp phải, đặc biệt bộ Bách khoa toàn thư được xây dựng khi mạng internet đang chiếm ưu thế và có xu hướng kết nối vạn vật, Phó thủ tướng cho rằng, so với bộ bách khoa toàn thư mở trên internet (wikipedia) với hơn 1 triệu bài viết và nửa triệu thành viên tham gia, con số gần 2.000 nhà khoa học thuộc tất cả các ngành khoa học nước nhà sẽ gặp không ít khó khăn. Do đó, các nhà khoa học, trong đó có những nhà khoa học và quản lý được giao trách nhiệm tham gia biên soạn bằng các quyết định của các cơ quan chức năng của Nhà nước, cần huy động sự kết nối và hòa vào nhau với một tinh thần dân tộc, tinh thần khoa học. Đây là vấn đề rất lớn, phải tính rất kỹ, rất sâu sắc khi bắt tay vào một việc trọng đại.
Phát biểu tại buổi lễ, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đánh giá khâu khó khăn nhất là khâu biên tập bởi nhiều ý kiến khác nhau, do đó phải có một hội đồng đánh giá thẩm định để danh mục từ đó có thể đúng trong bộ bách khoa toàn thư. Sớm nhất, năm 2016 mới có thể bắt tay khởi động vào những nội dung đầu tiên của từng quyển. Hội đồng khoa học tin tưởng với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mà trực tiếp là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, sự tham gia của các thành viên hội đồng chỉ đạo, của các nhà khoa học thì chúng ta hoàn toàn có niềm tin để thực hiện.