BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


UBTVQH thảo luận dự thảo Luật Tố tụng hành chính

14/10/2015 14:44

Sáng 14/10, tiếp tục phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận dự thảo Luật Tố tụng hành chính.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu trực tiếp điều hành phần thảo luận.

Về việc ủy quyền tham gia vụ án

Theo tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, có một số ý kiến cho rằng người bị kiện phải có trách nhiệm trực tiếp tham gia vụ án, không được uỷ quyền cho người khác.

Luật Tố tụng hành chính hiện hành cũng như dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) đều quy định người bị kiện phải có mặt theo giấy triệu tập của tòa án.

Pháp luật cũng cho phép đương sự có thể ủy quyền bằng văn bản cho luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết vụ án hành chính cho thấy nhiều trường hợp người bị kiện chỉ ủy quyền cho cán bộ tham mưu, giúp việc đại diện tham gia tố tụng nên mang tính hình thức, gây nhiều trở ngại cho việc giải quyết vụ án, vì người được ủy quyền không có đủ thẩm quyền quyết định về những vấn đề mới phát sinh tại tòa án. 

Để khắc phục được những hạn chế hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý tại khoản 3 Điều 62 dự thảo Luật theo hướng khi cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu bị kiện chỉ có thể ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện tham dự phiên tòa.

Cụ thể, dự thảo khoản 3 Điều 62 ghi rõ: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”.

Việc quy định như trên cũng phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tòa có quyền kiến nghị sửa văn bản sai

Trong thực tế xét xử các vụ kiện hành chính, nhiều trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, nhiều ý kiến thảo luận đề nghị bổ sung quy định tòa án có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện văn bản đó sai.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến này tại Điều 6 và Điều 113 của Dự thảo.

Cụ thể, tại Điều 6, dự thảo bổ sung quy định mới: “Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Toà án có quyền xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính đó và trả lời kết quả cho tòa án theo quy định của pháp luật”.

Tòa án có quyền kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện văn bản đó có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Luật.

Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời tòa án kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để tòa án giải quyết vụ án.

Điều 113 quy định cụ thể nội dung, hình thức của văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, tòa án ra văn bản kiến nghị ngoài việc tóm tắt nội dung vụ án và những vấn đề pháp lý đặt ra để giải quyết vụ án phải phân tích những quy định của văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu sai và kiến nghị nội dung, hình thức sửa đổi.

Được gửi đơn kiện qua mạng

Trong quá trình thảo luận trước đây, có ý kiến đề nghị không quy định việc nhận đơn trực tuyến, vì quy định này không phù hợp với thực tiễn và không đáp ứng điều kiện người khởi kiện phải ký tên (đóng dấu nếu có) vào đơn khởi kiện.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc gửi, nhận đơn khởi kiện qua thư điện tử, trực tuyến sẽ đơn giản hóa được các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, phù hợp với yêu cầu của Bộ Chính trị về tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng cho phép người dân gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ  kèm theo đến toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng hình thức trực tuyến trong trường hợp toà án áp dụng hình thức nhận đơn trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của tòa án.

Theo kế hoạch, Luật Tố tụng hành chính sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua trong kỳ họp sắp tới.

Theo http://baochinhphu.vn/
Tìm kiếm