Đại biểu Quốc hội băn khoăn trước tình trạng cán bộ y tế thôi việc
Nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như giảm áp lực đối với ngân sách Nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP năm 2019 về thực hiện thí điểm tự chủ đối với 04 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bao gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K.
Tuy nhiên, trong quá trình tự chủ đến nay, một số bệnh viện tuyến đầu lại xin thôi không thực hiện thí điểm tự chủ nữa mà để quay về được hưởng bao cấp từ ngân sách Nhà nước.
Vấn đề tự chủ ở bệnh viện công lập lại một lần nữa làm "nóng" nghị trường Quốc hội khi sáng ngày 24/10, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Theo đó, tại Hội trường, có đại biểu băn khoăn vì trong thời gian gần đây, hàng chục ngàn cán bộ y tế xin nghỉ việc, rời bỏ các bệnh viện công, kể cả những bệnh viện lớn, nơi mà biết bao các y, bác sĩ mong muốn được làm việc ở đó.
Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K là những bệnh viện lớn, nơi có đầy đủ các điều kiện và thế mạnh để thực hiện tự chủ thì lại xin thôi thực hiện tự chủ để quay về được hưởng bao cấp từ ngân sách Nhà nước.
Việc các cán bộ y tế xin thôi việc việc tại các bệnh viện công, việc các bệnh viện lớn, có danh tiếng luôn luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ đã cho thấy cơ chế quản lý đối với các bệnh viện công lập cần phải điều chỉnh cho phù hợp.
Tự chủ không phải là 'khoán trắng' cho bệnh viện; tự chủ vẫn phải đảm bảo cho người nghèo
Nêu quan điểm về việc một số bệnh viên đang được thí điểm tự chủ toàn diện thì lại có đề xuất là không thực hiện tự chủ nữa, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng: Khi bệnh viện đã thực hiện tự chủ rồi nhưng lại xin không thực hiện tự chủ nữa, muốn quay về cơ chế bao cấp đã cho thấy, có sự phản ứng lại cơ chế chính sách.
Đại biểu lý giải, khi bệnh viện đồng thuận với việc tự chủ nghĩa là đơn vị đó đã cân nhắc các điều kiện về nguồn thu, đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất,...
Thế nhưng, trong quá trình thí điểm tự chủ, bệnh viện nào đó được giao tự chủ nhận thấy là việc thiếu hụt nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước không thể vận hành bệnh viện thông suốt được. Nguồn thu không đủ bù chi; không đủ nguồn lực, chế độ chính sách để thu hút đội ngũ y bác sĩ giỏi.
Tự chủ bệnh viện cần phải hiểu theo cách nào cho đúng? Nếu cơ quan quản lý Nhà nước cứ giao hết trách nhiệm tự chủ cho bệnh viện thì việc khám chữa bệnh cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn sẽ như thế nào, ai đảm nhận?
Đại biểu Nguyễn Chí Nghĩa cho rằng, khi giao quyền tự chủ cho bệnh viện thì thay vì giao toàn bộ ngân sách cho bệnh viện để vận hành việc khám chữa bệnh như mọi khi thì Nhà nước có thể đặt hàng cho bệnh viện trong việc nâng cấp cơ sở vật chất, khám chữa bệnh cho người nghèo hay môt số đối tượng khác.
Còn những khoản thu mà do bệnh viện thu được do các hoạt động xã hội hóa hay các hình thức khác thì nên được khuyến khích nhưng phải tuân theo định hướng, tôn chỉ mục đích.
Đạo lý của ngành y là phải phục vụ tất cả mọi người dân
Ngoài ra, những bệnh viện đầu ngành cần có giải pháp để thu hút đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn.
Như vậy, những bệnh nhân nghèo, thu nhập thấp ở những địa phương khó khăn mắc những bệnh hiểm nghèo mà ở bệnh viện tuyến dưới không thể chữa trị được vẫn có thể được các bác sĩ đầu ngành ở bệnh viện tuyến đầu khám, chữa bệnh cho.
Như vậy, tất cả người dân vẫn được thụ hưởng chính sách khám chữa bệnh tốt hơn và hệ thống chăm sóc bệnh nhân ở các bệnh viện sẽ được nâng cao hơn.
"Chúng ta phải giữ được phẩm chất của các bác sĩ giỏi như Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di đã làm là phục vụ cho tất cả các bệnh nhân.
Nếu nói rằng, bác sĩ chuyển từ bệnh viện công sang bệnh tư cũng được, miễn sao là phục vụ trong đất nước thì chỉ đúng một phần, chưa bao quát hết được đạo lý của ngành y là phục vụ tất cả người dân, kể cả người nghèo, vô gia cư hay mắc trạng thái tâm lý không bình thường được đưa vào bệnh viện", đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.
Tự chủ phải tạo mọi điều kiện để bệnh viện phát huy sáng tạo, tránh rủi ro, sai sót
Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, nói đến tự chủ bệnh viện, nhiều người nói nhiều đến tự chủ tài chính. Tuy nhiên, khi thực hiện tự chủ bệnh viện còn sự chi phối bởi nhiều luật khác như: Luật Công chức, viên chức; Luật Quản lý tài sản công...
Do vậy, việc tự chủ bệnh viện phải được hiểu là tạo mọi điều kiện để bệnh viện phát huy được sự sáng tạo trong điều kiện đặc thù để phục vụ người dân tốt hơn, có thêm nguồn thu tốt hơn, lành mạnh, đúng định hướng thì mới đáp ứng được đúng bản chất của việc tự chủ bệnh viện.
Còn nếu tự chủ bệnh viện là giao khoán, tự lo tài chính thì có thể đứng trước những sai sót.
"Tôi nghĩ là việc bệnh viện đề nghị không thực hiện thí điểm tự chủ nữa đúng là phần lớn do sợ rủi ro, sai sót mà trong quá trình thực hiện việc tăng nguồn thu sẽ mắc phải", đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nêu quan điểm.
Tự chủ bệnh viện: Thí điểm 1 bệnh viện 2 Giám đốc
Đại biểu cho rằng, để thực hiện tự chủ tốt và cũng tránh được rủi ro, sai sót cho các bệnh viện thì hệ thống pháp luật phải đồng bộ.
Theo đó, khi thực hiện tự chủ bệnh viện phải rà soát lại Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Công chức, viên chức.
Mặt khác, phải có những quy định rất rõ là đơn vị sự nghiệp công lập được làm gì, không được làm gì; người đứng đầu được quyết định những nội dung, vấn đề gì?
Ngoài ra, trong bệnh viện có thể thực hiện thí điểm về quản lý bệnh viện. Theo đó, người quản lý hành chính nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì có thể quản lý về mặt chuyên môn.
Còn trong điều kiện bệnh viện ưu tiên hoạt động chuyên môn, ưu tiên bác sĩ giỏi thì chúng ta có thể thực hiện thí điểm bệnh viện có giám đốc về chuyên môn, giám đốc quản lý về hành chính hoặc nơi nào đủ điều kiện thì 1 người đảm nhiệm quản lý cả 2 nhiệm vụ trên.
Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa: "Quốc hội có thể ra Nghị quyết thực hiện thí điểm như vậy xem các bệnh viện có tốt hơn không, sau 3 đến 5 năm thì nên có sự tổng kết lại".
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, những bệnh viện tuyến đầu ở Trung ương, hay ở cấp tỉnh trở lên có khối lượng công việc lớn với doanh thu lớn, số lượng hóa đơn chứng từ nhiều và cũng rất cần đông đảo đội ngũ bác sĩ hoạt động chuyên môn nên thực hiện thí điểm có 2 người quản lý về mặt chuyên môn và quản lý hành chính. Còn những bệnh viện cấp huyện thì có thể chia ra như vậy. Việc làm này cũng sẽ góp phần giảm tải sai sót, rủi ro cho bệnh viện và người đứng đầu bệnh viện./.