BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Triển khai Hiến pháp sửa đổi vào cuộc sống: Cơ sở để xây dựng chính quyền đô thị

19/12/2013 19:31

Nhiều ý kiến của các trí thức, các nhà khoa học nhìn nhận: Hiến pháp sửa đổi lần này đã hiến định Chương "Chính quyền địa phương” tạo cơ sở luật hóa cho việc triển khai mô hình "chính quyền đô thị” được TP.HCM đề xuất.

 
TP.HCM đang chờ đợi động lực thúc đẩy triển khai mô hình 
chính quyền đô thị do thành phố đề xuất
 
Đó là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị Giới thiệu nội dung Hiến pháp do Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp tổ chức. GS.TS Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, GS.TS Mai Hồng Quỳ, thành viên Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM cho biết, chính quyền và nhân dân TP.HCM đang rất kỳ vọng vào việc phổ biến, triển khai đưa bản Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đi vào cuộc sống. Trong đó, chương về "chính quyền địa phương” có vai trò rất quan trọng để thành phố lấy làm căn cứ, cơ sở thực hiện mô hình "chính quyền đô thị” khi được Trung ương thống nhất.

Đánh giá về điểm mới trong Chương "Chính quyền địa phương” của Hiến pháp sửa đổi, PGS.TS Trương Đắc Linh, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, quy định mới tại Khoản 2 Điều 110: "Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định”. Theo PGS Trương Đắc Linh, đây là quy định đánh dấu sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Hiến pháp đã chính thức quy định việc lấy ý kiến người dân trong chia tách địa giới hành chính tỉnh/thành phố. "Trước đây, việc chia tách một số tỉnh/thành phố mang tính chất "tự quyết” của cơ quan chính quyền là chủ yếu, người dân lúc đó chưa có tiếng nói tham gia vào. Chính vì vậy, thực tế việc chia tách nhiều khi xảy ra các bất cập và lãng phí ngân sách. Tuy nhiên, từ nay vấn đề này đã được hiến định một cách hết sức cụ thể”, chuyên gia này bình luận. Tuy nhiên, PGS.TS Trương Đắc Linh cũng bày tỏ tiếc nuối. Việc tổng kết thực tiễn thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường theo NQ số 26/2008/QH12 của Quốc hội là hết sức cần thiết và hệ trọng, tuy nhiên khi Quốc hội đưa ra thảo luận, thì chưa có sự tổng kết về vấn đề nêu trên.

Chia sẻ ý kiến của PGS.TS Trương Đắc Linh, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học cho rằng, thực tế trình độ đô thị hóa, cũng như dân trí của các thành phố lớn đã đạt được nấc thang mới. Một số ý kiến đã chỉ ra tầm quan trọng, cũng như chờ đợi trung ương thống nhất cho TP.HCM triển khai Đề án "chính quyền đô thị” như một mô hình có tính mở đường cho đất nước tiến lên.

GS.TS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng cho rằng, việc Hiến định có tính chất định hướng trong Chương "Chính quyền địa phương” có ý nghĩa định hướng mở đường cho một số đề xuất thí điểm của một số đô thị, như TP.HCM và Đà Nẵng. Trong đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa qua đã xác định những nguyên tắc cơ bản về phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và địa phương sao cho phù hợp, đảm bảo quyền quản lý thống nhất của trung ương, vừa đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương. "Do đó, Hiến pháp đã quy định nguyên tắc để làm cơ sở cho luật định những công việc thuộc thẩm quyền của trung ương, do trung ương đảm nhiệm; đồng thời đã quy định những công việc thuộc thẩm quyền của địa phương và có cơ chế kiểm soát rõ ràng”, - Giáo sư Lý cho biết.

Trong buổi sáng 18-12, ngoài nội dung về chương "chính quyền địa phương” của Hiến pháp, các tham luận, cũng như phần thảo luận cũng đã giới thiệu, trao đổi các nội dung liên quan đến Quyền con người và Quyền Công dân; Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.

Theo http://daidoanket.vn/
Tìm kiếm