BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Trách nhiệm người đứng đầu

12/11/2014 08:45

Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu là "chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý", như Nghị định số 157/2007/NÐ-CP của Chính phủ nêu. Tuy nhiên, tình trạng quan liêu, xa dân ở nhiều nơi chưa được khắc phục, người đứng đầu vẫn tìm cách lẩn tránh trách nhiệm mỗi khi đơn vị có sai phạm.

Cuộc sống sôi động có biết bao vấn đề, vụ việc xảy ra hằng ngày, hằng giờ trên khắp các lĩnh vực, ở mọi vùng miền của đất nước cần đến người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu. Ðể hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu phải bám sát thực tế cuộc sống, có mặt ở những nơi đang nảy sinh vấn đề bức xúc nhất. Nếu cho rằng, vì bận họp nên không có mặt (mà yêu cầu thực tế phải có mặt) ở nơi đang có vụ việc phức tạp xảy ra, thì người đứng đầu chưa làm tròn trách nhiệm, thậm chí có trường hợp bị cho là vô cảm. Nhưng, "một cây có làm nên non", người đứng đầu có đủ sức đi đến tất cả các vùng, miền, các nơi phức tạp, để chỉ đạo giải quyết? Chắc hẳn là khó! Thế mới cần một tổ chức, bộ máy đồng bộ, nhịp nhàng, có sự phân cấp, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng và người đứng đầu là nhạc trưởng chỉ huy "dàn nhạc" đó. Có việc người đứng đầu phải cầm quân, trực tiếp ra tay; có việc giao cho cấp phó chịu trách nhiệm. Ðó cũng là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức, điều hành bộ máy do mình quản lý; là nghệ thuật cầm quân, điều quân và tổng chỉ huy, chứ không chỉ có biết "cầm súng". Việc gì người đứng đầu, nhất là các ngành, các lĩnh vực "nóng", cũng xông vào, cũng "cầm tay chỉ việc" cho cấp dưới thì còn thời gian đâu tập trung nghiên cứu, đề xuất những vấn đề chiến lược; thời gian đâu chỉ đạo trăm công, nghìn việc khác đang diễn ra của ngành. Ấy là chưa kể đến việc làm cho cán bộ cấp dưới bị động, mất niềm tin và thậm chí có cớ ỷ lại cho cấp trên. Khi lãnh đạo cấp trên "rút khỏi hiện trường" thì mọi việc đâu lại vào đấy.

Trách nhiệm đứng đầu rất lớn, rất nặng. Tinh thần bám sát sơ cở, thực địa; nhiệt huyết lao vào từng việc là rất quý. Càng quý hơn khi đã phát hiện ách tắc, yếu kém, trì trệ thì ra lệnh sửa ngay, thay người làm kém ngay, và chịu trách nhiệm về quyết định đó.

Trách nhiệm cá nhân vô cùng quan trọng. Song để cá nhân không "cô đơn", cần xây dựng tổ chức, bộ máy chất lượng và người đứng đầu phải biết phát huy cao độ hoạt động hiệu quả của tổ chức bộ máy đó, cùng chịu, cùng chia sẻ trách nhiệm. Như thế vai trò, vị thế của người đứng đầu càng được khẳng định; người đứng đầu mới có thời gian bao quát, tư duy những vấn đề mang tầm chiến lược.

Theo http://www.nhandan.org.vn/
Tìm kiếm