BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước khu vực phía Nam

21/04/2025 12:43

Sáng ngày 21/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). (Ảnh: Báo Dân trí)

Chương trình gặp mặt do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. 

Tham dự Chương trình có: nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, gia đình chính sách tiêu biểu...

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Chương trình gặp mặt.

Tại Chương trình gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ với các đại biểu tham dự về tình hình đất nước hiện nay với nhiều mục tiêu cần tập trung. Trong đó, có chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy; sáp nhập tỉnh; sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.

"Mục tiêu bao trùm của chủ trương về tinh gọn bộ máy, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính là làm sao nhanh chóng mang lại cuộc sống thật sự ấm no, đất nước Việt Nam ngày càng tham gia mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế, chính trị trên toàn thế giới", Tổng Bí thư chia sẻ.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã đánh giá rất kỹ, cân nhắc nhiều mặt, thống nhất cao để thực hiện chủ trương và cơ bản nhận được sự đồng tình từ Nhân dân cả nước. Sau sắp xếp, sáp nhập, các tỉnh Nam bộ từ Bình Thuận trở vào, tính cả Lâm Đồng và Đăk Nông, từ 22 tỉnh, thành phố giảm xuống còn 9 tỉnh.

Việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính sẽ tạo không gian phát triển đa dạng, cả về tự nhiên, kinh tế, văn hóa. Đặc biệt là tận dụng tối đa hình thái không gian biển để kích hoạt miền núi, đồng bằng, biển đảo nhằm bổ sung, tương tác hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đồng thời giúp giữ gìn được bản sắc văn hóa vùng miền, địa phương, tạo động lực mới để một số tỉnh có thể trở thành thành phố trực thuộc trung ương, hình thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước trong tương lai gần.

Việc sáp nhập tỉnh nhằm tạo ra những động năng mới, tiềm năng mới, không gian mới cho phát triển chứ không chỉ đơn giản là ở con số 2+2 bằng 4... Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long trở thành hai tỉnh mới là TP Cần Thơ và Vĩnh Long sẽ có thế kiềng ba chân, vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng, giàu có. Sức mạnh mới chắc chắn sẽ nhân lên nhiều lần.

Cùng tham dự có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, gia đình chính sách tiêu biểu. (Ảnh: Báo Dân trí)

Cũng theo Tổng Bí thư Tô Lâm, tất cả việc sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy và đơn vị hành chính đều được tính toán kĩ lưỡng. Nhân dân các tỉnh Bình Dương, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang mới sẽ trở thành người dân có biển, có núi, có rừng; Tây Ninh có cửa sông lớn nối ra biển; các tỉnh vùng cao như Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, … cũng trở thành tỉnh có biển.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố đã giải phóng tròn 50 năm và có những thành tựu rất đáng ghi nhận, có nhiều thay đổi tích cực, hiện đại hơn, văn minh hơn, giàu mạnh hơn. Tuy nhiên, để Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng thì Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân cần nỗ lực nhiều, nhanh hơn nữa, quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa.

Tổng Bí thư Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Chương trình.

Cũng theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Thành phố Hồ Chí Minh nên phát huy vai trò trở thành động lực phát triển chính của vùng và của cả nước, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo. Thành phố cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng, văn minh, hiện đại với vai trò là đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn hơn cho khu vực và cả nước.

Sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy và đơn vị hành chính, trong không gian phát triển mới, các địa phương sẽ bổ sung, hỗ trợ, liên kết để cùng tiến bước và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở rộng ra Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, gắn bó sâu sắc hơn với toàn bộ tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long… nhằm huy động tối đa lợi thế riêng biệt của từng địa phương để tái thiết kế chiến lược phát triển vùng, tạo tổng thể mới vượt trội hơn.

TP.HCM mới sẽ là đầu tàu, động lực lan tỏa để phát triển mạnh mẽ của toàn vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Đây cũng đồng thời chính là sự tham gia, bổ sung nguồn lực của các tỉnh, thành phía Nam với thế mạnh về đất đai, lao động, công nghiệp, nông nghiệp, logistic, du lịch, văn hóa cũng sẽ là nguồn lực thiết yếu để tạo nên sức bật, nâng tầm vóc TP.HCM mới.

Nguồn: Tổng hợp.

Tìm kiếm