Ở cấp tỉnh, có 17 cơ quan được tổ chức thống nhất và một số cơ quan được thành lập theo đặc thù riêng. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước nhìn chung vẫn còn cồng kềnh.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã trình Trung ương Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức viên chức.
"Tổng số cán bộ cấp Thứ trưởng cơ bản không tăng so với đầu nhiệm kỳ; một số cơ quan vượt so với quy định do sắp xếp tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ.
Gần đây Bộ Chính trị điều động một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng về các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Số lượng cấp phó ở các Bộ, ngành và địa phương dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong quá trình triển khai thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương", Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.
Theo báo cáo, tính đến tháng 9.2015, có 123 thứ trưởng và tương đương, tăng 1 so với đầu nhiệm kỳ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng các báo cáo của chính phủ hơi rối rắm và mờ nhạt về đánh giá đội ngũ cán bộ. Trong khi thực chất các báo cáo phải rút ra được các vấn đề về cán bộ, như cán bộ về tổ chức chực hiện chính sách pháp luật, hoạch định chính sách, năng lực ra sao, có đáp ứng được quá trình đổi mới, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, năng lực điều hành như thế nào?
"Chúng ta đang đứng trước thách thức lớn về cải cách hành chính, tư pháp, đổi mới tổ chức hoạt động Quốc hội nhưng đội ngũ cán bộ năng lực thế nào, đổi mới như thế nào thì chưa rõ", ông Quyền nói.
 |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền (Ảnh: Xuân Hải) |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn chứng các dự án luật trình quốc hội có những dự án viết lại từ điều đầu tiên, có những luật dài hàng trăm trang phải viết lại trong thời gian ngắn.
Qua tổng kết thực tiễn, mặc dù các cơ quan của bộ máy nhà nước dù nhiều cố gắng nhưng không thiếu những quy định còn chưa phù hợp, tính khả thi thấp. Dù các chuyên viên được đào tạo cơ bản nhưng năng lực trong hoạch định chính sách chưa ổn.
Về việc tổ chức thực hiện thể hiện rõ nhất ở phương diện đơn thư khiếu nại tố cáo trên các lĩnh vực, không giảm mà chỉ tăng. Điều này phản ánh năng lực, trách nhiệm có vấn đề.
Vì vậy, cần đánh giá nguyên nhân về đào tạo, giáo dục, rèn luyện, tuyển chọn, bổ nhiệm... của đội ngũ cán bộ này.
Qua giám sát chuyên đề và chất vấn thì rút ra gì về chế độ trách nhiệm công vụ trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Chúng ta có luật công chức, viên chức, luật chuyên ngành tuy nhiên khi có vụ việc gì bất cập xảy ra thì việc xác định trách nhiệm không rõ.
“Qua giám sát phải làm rõ cơ chế xác định trách nhiệm, chỉ khi nào pháp luật vận hành tới trách nhiệm của từng cá nhân thì khi đó chắc chắn chế độ trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả sẽ được tăng cường” – ông Quyền nói.