Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.
Phóng viên: Thưa ông, mục tiêu tinh giản biên chế trong giai đoạn 2015 - 2021 đã đạt yêu cầu đề ra nhưng tổ chức bộ máy chưa khắc phục việc chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Đúng là mặc dù tinh giản biên chế lần đầu tiên vượt chỉ tiêu song vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bộ máy vẫn còn cồng kềnh. Đội ngũ cán bộ giảm về số lượng song vẫn chưa “tinh giản”. Nghĩa là giảm nhưng chưa gắn liền với nâng cao chất lượng bộ máy. Thủ tục hành chính vẫn còn những rào cản, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức cần tiếp tục được nâng cao hơn nữa.
Nhưng tôi nghĩ thời gian tới chắc chắn tình hình sẽ khác. Bộ Nội vụ đang tham mưu, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bên trong các bộ, các cơ quan ngang bộ. Lúc đó các bộ, ngành sẽ giảm Tổng cục, Cục, Vụ cũng sẽ giảm đi. Như thế sẽ đỡ chồng chéo, và một việc chỉ có một bộ, ngành chịu trách nhiệm chính.
Và chính quyền địa phương cũng vậy. Vì theo Kết luận 16 vừa được Bộ Chính trị ban hành cuối tháng 7, trong đó giao Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình địa phương và yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chủ động quyết định thực hiện một số mô hình như: Hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện. Do vậy thời gian tới bộ máy sẽ tiếp tục được tinh giản.
Phóng viên: Đạt được kết quả đó, theo ông cần rút ra bài học kinh nghiệm gì cho thực hiện tinh giản biên chế trong giai đoạn hiện nay?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong đó ngoài thể chế ra thì cơ cấu tổ chức bộ máy phải tinh giản, nâng cao chất lượng gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Nhất là tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ công chức. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo. Quan trọng nhất là người dân hài lòng với hoạt động của bộ máy đó. Điều đó nằm ở việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Phóng viên: Mục tiêu đề ra cho việc tinh giản biên chế trong giai đoạn tới đối với công chức là 5%, còn viên chức là 10%. Ông nghĩ sao về con số này?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Bây giờ tinh giản và xác định theo vị trí việc làm thì đội ngũ của chúng ta sẽ đáp ứng mục tiêu đề ra. Bộ máy tại các đơn vị sự nghiệp đang rất lớn, bây giờ sắp xếp lại theo hướng nhập lại và tự chủ. Nên mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là công chức giảm 5%, còn viên chức giảm 10%. Như thế, mỗi năm công chức giảm 1%, còn viên chức giảm 2%.
Tinh giản nhưng không phải là giảm đều. Mục tiêu đề ra là “tinh giản”, nghĩa là tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chứ không phải “tinh giảm”. Vì chỗ thừa phải giảm, còn chỗ thiếu thì phải tăng. Phải xác định theo vị trí việc làm và khối lượng công việc. Chứ không thể giảm một cách máy móc là giảm hết, vì có chỗ vẫn cần phải tăng bổ sung.
Phóng viên: Lâu nay chúng ta hay nói câu chuyện “nặng về bằng cấp”. Vừa qua đã bỏ một số chứng chỉ và đã được dư luận xã hội tán thành. Vậy có thể đánh giá cán bộ theo năng lực thay vì bằng cấp?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Đúng vậy. Tuyển dụng theo vị trí việc làm, thì sử dụng cũng phải theo vị trí việc làm. Và cần xây dựng khung năng lực của mỗi vị trí việc làm, căn cứ vào khung năng lực đó để tuyển dụng, bố trí, sử dụng cho phù hợp. Nghĩa là không nặng về bằng cấp. Tuy nhiên một số loại bằng cấp vẫn phải duy trì, không bỏ được. Ví như vẫn cần phải quy định, ở vị trí này thì anh phải tốt nghiệp Đại học chứ không nhất thiết phải Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Vừa qua chúng ta yêu cầu chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học nhiều khi lại trở thành hình thức, vì có việc “chạy” chứng chỉ. Giờ không cần chứng chỉ nữa nhưng vẫn phải thi đầu vào tùy theo vị trí việc làm. Ví dụ vị trí việc làm cần về ngoại ngữ, hay tin học thì buộc phải thi.
Phóng viên: Thực tế có người được đào tạo ở lĩnh vực này nhưng lại giỏi chuyên môn ở lĩnh vực khác. Vậy có nên yêu cầu bằng cấp được đào tạo phải đúng ngành nghề, và làm sao đánh giá được đúng năng lực của cán bộ, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Thi chính là cách để đánh giá đúng năng lực. Có những việc không cần phải đúng ngành nghề đào tạo, nhưng có những việc phải đúng ngành nghề. Cho nên cần căn cứ tùy vào vị trí việc làm. Ví như anh tốt nghiệp Đại học Luật thì anh có thể vào nhiều vị trí việc làm hơn như bên tư pháp, nội vụ, hay pháp chế của các bộ, ngành. Còn những vị trí chuyên môn sâu như bác sĩ, dược, hay kỹ thuật xây dựng, giao thông thì sao anh có thể làm được.
Cho nên cần đi sâu vào vị trí việc làm, và có khung đánh giá năng lực gắn với vị trí việc làm. Có người tốt nghiệp 1 bằng có thể làm được nhiều vị trí việc làm, nhưng có người tốt nghiệp 1 bằng chỉ làm được một vị trí việc làm. Năng lực “cốt lõi” như: Tin học, đạo đức công vụ, biết làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp là năng lực chung cần đảm bảo. Còn chuyên môn sâu là tùy theo từng lĩnh vực. Riêng năng lực quản lý Nhà nước là dành cho lãnh đạo quản lý. Thiếu kỹ năng về quản lý Nhà nước thì có thể cho đi bồi dưỡng, còn chuyên viên chỉ cần năng lực chung chuyên môn nghiệp vụ là được.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
“Tinh giản nhưng không phải là giảm đều. Mục tiêu đề ra là “tinh giản”, nghĩa là tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chứ không phải “tinh giảm”. Vì chỗ thừa phải giảm, còn chỗ thiếu thì phải tăng” - ông Nguyễn Tiến Dĩnh.
Nguồn: daidoanket.vn