Thủ tướng cũng yêu cầu, công tác phòng chống dịch phải kết hợp hài hòa giữa tổng thể và cụ thể, giữa phổ biến và đặc thù, chính sách chung nhưng tổ chức thực hiện phải linh hoạt, phù hợp đặc thù từng nơi, phải có trọng tâm, trọng điểm...
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Vaccine vẫn còn khan hiếm cả trên thế giới và trong nước cho nên cách sử dụng phải thông minh hơn nữa, bảo đảm các địa bàn, đối tượng được ưu tiên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng ngày 23/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo.
Tham dự cuộc họp có các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các thành viên Ban Chỉ đạo: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; lãnh đạo một số bộ, ngành có liên quan.
Cuộc họp tập trung đánh giá tình hình, kết quả triển khai các công việc vừa qua, triển khai nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới và nhất là các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, có kiểm soát với dịch bệnh. Thời gian qua, Thủ tướng đã có nhiều cuộc làm việc, lắng nghe góp ý của các nhà khoa học về nội dung này.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo đã trình bày 3 báo cáo về tình hình và công tác phòng chống dịch bệnh, báo cáo về việc thực hiện chiến lược vaccine và báo cáo về dự thảo hướng dẫn thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương cơ bản thống nhất với các báo cáo, góp nhiều ý kiến xác đáng, sát thực tế vào dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổiKết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trên phạm vi cả nước, về cơ bản tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 2 tuần gần đây, số ca tử vong và mắc trong cộng đồng liên tiếp giảm. Nhiều tỉnh chuyển trạng thái theo các tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, tình hình dịch tại TP. Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp, dù một số chỉ số chuyển biến tích cực như số ca tử vong giảm. Việc tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch vẫn là khâu yếu cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, khắc phục. Tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan ở một số địa phương. Công tác hỗ trợ an sinh xã hội cơ bản tốt nhưng có nơi vẫn chưa bao quát hết toàn bộ các đối tượng cần hỗ trợ. Cần nghiên cứu thêm về việc hỗ trợ của các cấp, cấp trên phải hỗ trợ cấp dưới về “4 tại chỗ”, an sinh xã hội, phòng chống dịch, thực hiện các chức năng nhiệm vụ được phân công.
Có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với diễn biến dịch bệnh, nhất là tại một số địa phương bắt đầu nới lỏng sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người dân còn chủ quan trong việc ra đường, tụ tập đông người, khiến dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Các biện pháp công nghệ vẫn chưa hoàn thiện, công tác truyền thông vẫn chưa chủ động.
Thủ tướng yêu cầu, cùng với việc phòng chống dịch và khôi phục phát triển kinh tế-xã hội, phải đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng chống dịch, nhất là mua sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nêu rõ, qua gần 2 năm phòng chống dịch, chúng ta đã hiểu rõ hơn về virus và dịch bệnh, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Chúng ta chống dịch trong điều kiện bị động; hầu như toàn bộ trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vaccine và thuốc chữa bệnh đều phải nhập khẩu; nền kinh tế còn khó khăn; các biện pháp công nghệ cũng chưa bảo đảm; việc phân cấp, phân quyền còn không ít bất cập. Các ý kiến tại cuộc họp đều đánh giá, các giải pháp phòng, chống dịch cơ bản là đúng hướng, phù hợp, hiệu quả trong điều kiện Việt Nam.
Các biện pháp về cách ly, xét nghiệm, điều trị, vaccine, an sinh xã hội về cơ bản phù hợp, vấn đề là phải tiếp tục điều chỉnh để lãnh đạo chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu, có tính hệ thống; tổ chức thực hiện quyết liệt hiệu quả ở các cấp, nhất là cấp cơ sở, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương nhưng linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, đơn vị. Trong lãnh đạo chỉ đạo phải định hướng cho phù hợp, tăng cường giám sát, kiểm tra để phát hiện, điều chỉnh ngay những gì chưa phù hợp.
“Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải thay đổi. Đạt “zero COVID” sẽ là một điều rất khó khăn vì ngay tại những nước phát triển có tỉ lệ tiêm vaccine đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể. Chúng ta đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, Thủ tướng nêu rõ.
Qua thực tiễn chống dịch gần 2 năm qua, từ kinh nghiệm quốc tế và phân tích của các chuyên gia, những tuần qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã chỉ đạo Tiểu ban Y tế xây dựng hướng dẫn để phòng chống dịch có hiệu quả và nhanh chóng khôi phục phát kinh tế xã hội, với tinh thần nâng cao tính tự quản và trách nhiệm của tổ chức và cá nhân. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham gia ý kiến, Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn này.
Thủ tướng nhấn mạnh 6 nguyên tắc phải quán triệt để xây dựng hướng dẫn: (1) Y tế là trụ cột, là trung tâm; (2) Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; (3) Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; (4) Ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên; (5) Vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; (6) An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.
Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; hoàn thiện và khẩn trương ban hành hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em. Thủ tục mua vaccine phải nhanh; đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế…. Đặc biệt, Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ cơ chế chính sách để huy động nguồn lực y tế ngoài công lập vào phòng, chống dịch. Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc đi học rất linh hoạt, những nơi an toàn, đã chuyển sang vùng xanh có thể đi học bình thường và có giải pháp phù hợp.
Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ căn cứ yêu cầu của các địa phương (nhất là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai) đáp ứng yêu cầu hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, nhất là kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức an sinh xã hội, thực hiện các biện pháp y tế, khẩn trương rà soát, không để sót, lọt đối tượng, địa bàn cần hỗ trợ về an sinh xã hội.
Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải phối hợp chặt chẽ để vừa phòng chống dịch tốt, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới lỏng và tập trung phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Công tác phòng chống dịch đòi hỏi phối hợp chặt chẽ, hiệu quả mới thành công vì liên quan đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, giao thương hàng hoá, đời sống nhân dân… trên cả nước.
Tiếp tục truyền thông tốt hơn, chủ động hơn theo phương châm “dân biết - dân hiểu - dân tin - dân theo - dân làm” để nhân dân đề cao cảnh giác, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, tiêm vaccine và tự giác tuân thủ các biện pháp, yêu cầu phòng, chống dịch. Khẩn trương thống nhất các ứng dụng (app) phục vụ phòng chống dịch thành 1 app thống nhất, tránh phiền hà cho người dân.
Bộ Tài chính căn cứ quy định, phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan của Quốc hội để tiến hành hỗ trợ kịp thời vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền. Các địa phương cần phải thành lập ngay Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp như mô hình Chính phủ đã làm.
Các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia hiện hoạt động đã đi vào nền nếp, cần tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ theo phân công; thực hiện chế độ báo cáo hằng tuần và báo cáo đột xuất.
Cùng với việc phòng chống dịch và khôi phục phát triển kinh tế-xã hội, phải đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng chống dịch, nhất là mua sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc. Đồng thời, cũng phải phòng chống việc xuyên tạc, đưa tin giả, tin xấu, thông tin võ đoán, gây nghi ngờ, mất đoàn kết, nhất là gây hoang mang, nhụt chí trong lực lượng tuyến đầu. Các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm, xử lý ngay các vi phạm này nếu có căn cứ.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì cùng Bộ Nội vụ và các cơ quan, các lực lượng tuyến đầu đề xuất khen thưởng với các tổ chức, cá nhân làm tốt; nghiên cứu, đề xuất chính sách hậu phương cho những người tham gia tuyến đầu, nhất là những người đã hy sinh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các địa bàn, đối tượng tiềm ẩn rủi ro caoCũng tại cuộc họp, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích một số đặc điểm của đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Theo đó, đối tượng rủi ro nhất là những người trên 50 tuổi vì 85% số ca tử vong thuộc đối tượng này. Địa bàn rủi ro nhất là những thành phố lớn, các khu công nghiệp, những khu vực tập trung đông người.
Do đó, Thủ tướng lưu ý trong phòng chống dịch phải kết hợp hài hòa giữa tổng thể và cụ thể, giữa phổ biến và đặc thù, chính sách chung nhưng tổ chức thực hiện phải linh hoạt, phù hợp đặc thù từng nơi. Trong điều kiện khó khăn, nguồn lực có hạn thì không có cách nào khác phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Thủ tướng nêu ví dụ về một số quốc gia diện tích nhỏ, dân số ít, thu nhập cao nhưng vẫn phải tập trung nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm trong phòng chống dịch.
Thủ tướng cũng nhắc tới một số bài học kinh nghiệm vừa qua như tập trung lực lượng để phòng chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang; huy động các nguồn lực để xét nghiệm thần tốc tại Hà Nội; hiện đang tiếp tục dồn lực kiểm soát dịch tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh. Ông nhấn mạnh, nếu kiểm soát tốt dịch tại hai trung tâm lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì cũng sẽ kiểm soát nhanh dịch tại các địa phương khác. Ngược lại, nếu hai thành phố này bùng phát dịch thì các địa phương khác cũng có nguy cơ rất cao.
Thủ tướng lưu ý, vaccine vẫn còn khan hiếm cả trên thế giới và trong nước nên cách sử dụng phải thông minh hơn nữa, bảo đảm các địa bàn, đối tượng được ưu tiên, đặc biệt chú ý đối tượng trên 50 tuổi, các lực lượng tuyến đầu, công nhân trong các khu công nghiệp… Vaccine cần tiếp cận công bằng nhưng có trọng tâm, trọng điểm, quan trọng là công khai, minh bạch, không để tiêu cực.
Rút kinh nghiệm từ những bài học xương máuMột lần nữa nhấn mạnh người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân, Thủ tướng nhắc lại những bài học kinh nghiệm như đợt dịch bùng phát hồi đầu năm, việc không thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đã tạo ra đợt dịch lần thứ 4. Do đó, khi độ bao phủ vaccine chưa nhiều, phải kêu gọi nhân dân vào cuộc, chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch, tăng cường sự giám sát của các cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể.
“Sự vào cuộc của nhân dân là rất quan trọng để thực hiện các biện pháp giãn cách, cách ly, không tập trung đông người. Chúng ta đã có những bài học xương máu. Vừa qua, ở một số địa phương, đêm Trung thu, người dân đổ ra đường quá đông, nguy cơ lây nhiễm cao. Thực hiện Chỉ thị 15 như thế là không đúng, cần rút kinh nghiệm vấn đề này. Chúng ta phải luôn nhắc nhở vì vẫn còn tình trạng chủ quan khi chưa có dịch bùng phát”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, vừa qua lãnh đạo Hà Nam có báo cáo là tỉnh an toàn, song ông yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, phải xét nghiệm tầm soát ở những nơi có nguy cơ cao. Kết quả, Hà Nam phát hiện ngay các ca mắc mới trong cộng đồng.
“Muốn đánh địch thì phải tìm địch. Với virus, chúng ta không nhìn thấy, không nghe thấy, không sờ thấy, không ngửi thấy, khám lâm sàng cũng không khẳng định được, vậy thì cách duy nhất để tìm ra là xét nghiệm, nhưng phải xét nghiệm thần tốc, xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan thì mới ngăn chặn được dịch”, Thủ tướng nêu rõ.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, 7 ngày qua ghi nhận 73.253 trường hợp mắc mới, giảm 10,6% so với tuần trước đó. Trong đợt dịch thứ 4 đến 22/9/2021, đã có 484.000 người đã khỏi bệnh, chiếm 68% tổng số ca nhiễm.
Số tử vong trong tuần giảm 15,8 % so với tuần trước đó; riêng TP. Hồ Chí Minh giảm 18,4%, Bình Dương giảm 3%, Đồng Nai giảm 6,4%, Long An giảm 10%. Nhóm tuổi 0-17 chiếm 0,4% số tử vong, nhóm tuổi 18-49 chiếm 13,8%; nhóm tuổi 50 -64 chiếm 35,4%; nhóm trên 65 tuổi chiếm 50,4%.
Tại 23 địa phương thực hiện giãn cách, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số ca mắc trong 7 ngày gần đây giảm 10,7% so với 7 ngày trước (trong đó có Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Long An). Trong tuần, ghi nhận 41.840 ca mắc trong cộng đồng (chiếm 57,1% tổng số mắc), giảm 9,4% so với tuần trước. Tại các địa phương khác, tình hình cơ bản vẫn đang được kiểm soát.
Đánh giá chung, Bộ Y tế nhận định trên phạm vi cả nước tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực; trong 2 tuần gần đây, số ca mắc trong cộng đồng và tử vong liên tiếp giảm. Hai tỉnh An Giang, Kiên Giang vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch mới. Một số tỉnh nới lỏng giãn cách có hiện tượng tập trung đông người gia tăng mạnh do đó nguy cơ dịch có thể bùng phát trong những ngày tới, đòi hỏi cần tiếp tục tăng cường giám sát để xử lý kịp thời, với tinh thần không được chủ quan, lơ là.
Theo các đại biểu tại cuộc họp, mặc dù biến chủng Delta lây nhanh, kéo dài (18 ngày thay vì 13 ngày như chủng trước), nồng độ virus đậm đặc, tải lượng virus cao hơn 1.000 lần so với chủng alpha, người mắc bệnh ít có triệu chứng, chuyển bệnh nhanh nhưng nhờ việc triển khai kịp thời hệ thống y tế từ cơ sở, người dân được tiếp cận y tế từ sớm từ xa nên đã giảm quá tải cho tuyến trên. Đồng thời, việc tăng cường năng lực cấp cứu và thần tốc xét nghiệm, phân loại F0 để chăm sóc, điều trị kịp thời, phù hợp đã giúp dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát.Nguồn: baochinhphu.vn