Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến việc tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.
Tăng 20.000 dân thì có thêm 1 biên chếTheo quy định hiện hành, số biên chế công chức phường bình quân là 15 người, tính cho tổng số phường của mỗi quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố. Tình trạng dân số quá đông tại nhiều phường ở đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM nhưng chỉ được phân bổ biên chế như phường, xã 15.000 dân khiến cán bộ cơ sở làm không hết việc. Đây là bất cập đã được các địa phương phản ánh trong thời gian qua.
Theo số liệu báo cáo từ địa phương, tính đến ngày 31-12-2021, TP HCM có 90/249 phường có dân số từ 30.000 người trở lên, trong đó có 21 phường có dân số trên 50.000 người đến 75.000 người, 12 phường có dân số trên 75.000 người đến 100.000 người và 3 phường có dân số trên 100.000 người. Dân số trung bình của một phường tại TP HCM là hơn 28.000 người.
Trong khi đó, theo quy định tại Nghị quyết số 1211 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính thì tiêu chuẩn dân số của phường thuộc quận là 15.000 người. Vì vậy, thực tiễn bố trí số lượng công chức bình quân 15 biên chế/phường là không đủ để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc trên địa bàn, gây áp lực lớn đối với các phường có quy mô dân số đông.
Công việc quá tải với cán bộ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP HCM khi phải phục vụ gần 126.000 người dân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tại Hà Nội, phường ít dân nhất là hơn 5.000 người (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm), cao nhất gần 83.000 (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai). Tại TP Đà Nẵng, phường có dân số thấp nhất trên 7.500 (phường Nam Dương, quận Hải Châu) và cao nhất hơn 65.000 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Để khắc phục bất cập này, các địa phương đề nghị xác định số lượng biên chế công chức phường theo quy mô dân số để đáp ứng yêu cầu quản lý của những phường có dân số lớn.
Đây cũng là bất cập mà đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) đã chỉ ra. Theo đại biểu Nhân, việc các tỉnh, thành phố có kinh tế phát triển, việc phân giao biên chế không tính đến quy mô dân số, quy mô kinh tế, đã làm cho cán bộ công chức 3 năm chưa được nghỉ phép, không có ngày nghỉ như tâm sự của một lãnh đạo phường trên địa bàn TP HCM.
Từ những bất cập trong việc phân bổ biên chế, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi theo hướng số biên chế công chức phường của 3 địa phương trên xác định theo quy mô dân số. Cụ thể phường thuộc quận, thành phố thuộc thành phố, có từ 30.000 dân trở xuống thì được tính 15 biên chế công chức; trên 30.000 đến 50.000 dân thì có 16 biên chế; trên 50.000 đến 70.000 dân thì có 17 biên chế; trên 70.000 đến 90.000 dân thì có 18 biên chế..., trên 110.000 dân thì được tính 20 biên chế.
Các phường thuộc thị xã có từ 10.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; trên 10.000 đến 17.000 dân thì có 16 biên chế; trên 17.000 đến 24.000 dân thì có 17 biên chế; trên 24.000 đến 31.000 dân thì có 18 biên chế; trên 31.000 đến 38.000 dân thì có 19 biên chế; trên 38.000 dân được tính 20 biên chế.
Phù hợp thực tiễnTheo tính toán của Bộ Nội vụ, việc xác định biên chế theo quy mô dân số sẽ làm tổng biên chế công chức phường của Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM tăng 208 người so với hiện nay. Con số này không lớn so với số giảm biên chế khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 tại 3 địa phương này. Qua sắp xếp, 3 thành phố đã giảm khoảng 700 biên chế cán bộ, công chức phường do không còn 469 cán bộ phường là phó chủ tịch HĐND phường; giảm số chủ tịch HĐND phường trước đó đã được các thành phố bố trí hoạt động chuyên trách và giảm được khoảng 170 cán bộ, công chức cấp xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam Bộ Nội vụ, nhìn nhận đề xuất trên của Bộ Nội vụ rất hợp lý và phù hợp thực tiễn của địa phương. Nếu quy định này được ban hành sẽ tháo gỡ được vướng mắc rất lớn đã tồn tại lâu nay ở các "siêu" đô thị như Hà Nội, Đà Nẵng và nhất là TP HCM.
Đó là tình trạng cào bằng biên chế, địa phương dân số nhiều cũng bằng với địa phương dân số ít, dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức ở những địa phương đông dân bị quá tải công việc, rất nhiều trường hợp phải nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực. Bởi theo quy định hiện nay, số biên chế công chức phường bình quân là 15 người, tính cho tổng số phường của mỗi quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố. Quy định này dẫn đến 3 thành phố không chủ động điều chỉnh số biên chế giữa các quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, trong khi quy mô dân số của các phường chênh lệch rất lớn, khối lượng công việc không đồng đều.
Vấn đề tăng biên chế theo quy mô dân số đã được TP HCM nhiều lần kiến nghị lên trung ương. Mới đây nhất, vào tháng 8-2022, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết số 131/2020 của Quốc hội và Nghị định 33/2021 của Chính phủ về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố. Qua đó kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức làm việc tại phường quy định tại khoản 1 điều 29 Nghị định 33/2021 từ bình quân 15 người/phường thành 17 người đối với các phường có 30.000 dân trở xuống. Đối với phường có từ 30.000 dân trở lên, ngoài số lượng quy định, cứ tăng 15.000 dân được thêm 1 công chức.
Qua một năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại 249 phường, việc bố trí số lượng công chức làm việc tại phường theo quy định hiện nay chưa phù hợp với khối lượng công việc và quy mô dân số, đặc điểm của từng địa phương trên địa bàn. Dân số bình quân mỗi phường của TP HCM gấp 1,89 lần so với quy định tại Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Công việc nặng nềTheo báo cáo của UBND TP HCM, khối lượng giải quyết hồ sơ hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức trong ngày để phục vụ người dân, doanh nghiệp tại địa phương diễn ra sáng từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ. Tuy nhiên, có những nơi có dân số đông, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhiều... thì còn phải tổ chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ngoài giờ làm việc từ 17 giờ đến 19 giờ các ngày thứ ba, thứ năm trong tuần.
Ngoài ra, qua khảo sát thực tế tại phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) - là phường có dân số đông nhất trên địa bàn TP HCM, với 125.894 dân - ghi nhận trong năm 2021 đã ban hành 22.000 văn bản tham mưu về quản lý nhà nước, bình quân 1 cán bộ, công chức tham mưu 628 văn bản/năm; 52 văn bản/tháng. Tổng số hồ sơ giải quyết là 113.449 hồ sơ, bình quân 1 cán bộ, công chức giải quyết 3.241 hồ sơ/năm; 270 hồ sơ/tháng. Từ ngày 1-1-2020 đến 30-6-2022, TP HCM có tổng cộng 6.177 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc theo nguyện vọng, mà nguyên nhân chính là do chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc.
Bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụTheo ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến việc tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng được ban hành sẽ bổ sung kịp thời biên chế công chức phường, bớt kiêm nhiệm, giảm tải cho công chức phường. Việc này tạo điều kiện để các địa phương bố trí, sắp xếp công chức phường phù hợp với quy mô dân số, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội và thực tiễn quản lý của từng phường, đáp ứng được nhân lực bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Bố trí đủ nhân lực nhưng các địa phương cần tuyển chọn được người có năng lực, thực hiện tinh giản người không làm được việc, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin mới khắc phục căn bản áp lực công việc đối với công chức phường, nâng cao chất lượng phục vụ người dân; góp phần triển khai có hiệu quả chủ trương thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Nguồn: https://nld.com.vn