Chi bộ Liên đoàn Lao động TP Việt Trì (Phú Thọ) bàn giải pháp xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân.
Tinh gọn đầu mối, giảm thủ tục hành chính
Giống như một số huyện khác ở đồng bằng sông Hồng trước năm 2005, mỗi phòng, ban, đoàn thể của huyện Vũ Thư (Thái Bình) thành lập một chi bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy. Khi đó số lượng đầu mối cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy khá lớn, trong khi nhiều chi bộ rất ít đảng viên. Khi tổ chức các hoạt động, mỗi chi bộ có cách làm khác nhau, thời gian không thống nhất. Ðể khắc phục bất cập này, Huyện ủy Vũ Thư quyết định thành lập ba ÐBCS gồm khối các ban đảng, Văn phòng Huyện ủy và Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện; các phòng, đơn vị trực thuộc UBND huyện, HÐND huyện; MTTQ và các đoàn thể. Một số cơ quan, đơn vị tổ chức theo ngành dọc vẫn duy trì như trước đây là Công an huyện, Tòa án, Viện Kiểm sát, Kho bạc,... Qua đó đã giảm 18 đầu mối chi bộ trực thuộc Huyện ủy. Ðồng chí Ðinh Vĩnh Thụy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đồng thời là Bí thư Ðảng ủy Cơ quan Huyện ủy cho biết: Từ khi thành lập đến nay, nhìn chung ba ÐBCS nêu trên hoạt động thuận lợi. Nhiều hội nghị quán triệt nghị quyết, nói chuyện thời sự được triển khai tập trung đối với toàn thể đảng viên ba đảng bộ, tiết kiệm thời gian và chi phí. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện đạt sự thống nhất cao hơn do các nội dung được phổ biến trực tiếp đến từng đảng viên. Khi quy hoạch, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy đều trao đổi ý kiến với đảng ủy cơ sở. Do sinh hoạt chung trong một đảng bộ, các chi bộ có thể giám sát lẫn nhau, nhờ đó việc đánh giá cán bộ chặt chẽ và thực chất hơn.
Nhiều địa phương đã chủ động sắp xếp các chi bộ cơ sở cơ quan huyện, thành phố theo hướng các ÐBCS trước khi có Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW ngày 9-3-2010 của Ban Tổ chức T.Ư về xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng (TCCSÐ). Tuy nhiên, từ hàng chục năm trước, Thành ủy Việt Trì (Phú Thọ) đã thành lập ÐBCS cơ quan dân - đảng và ÐBCS cơ quan chính quyền thành phố. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, kiêm Bí thư Ðảng ủy cơ quan dân - đảng Trương Xuân Chí nhớ lại: "Tôi làm việc ở thành phố từ năm 1985 đã thấy có mô hình này rồi. Cho đến nay, mô hình hai ÐBCS chưa bộc lộ bất cập nào đáng kể". ÐBCS cơ quan dân - đảng gồm 12 chi bộ, hơn 70 đảng viên và ÐBCS cơ quan chính quyền có 20 chi bộ với hơn 100 đảng viên. Do hầu hết đảng viên cùng làm việc trong một trụ sở, cho nên có những hội nghị, hội thảo và hoạt động, cả hai đảng bộ cùng tham gia. Ðảng ủy được thực hiện quy hoạch cán bộ cấp trưởng, phó phòng và phó ban đảng. Các chức danh trưởng ban đảng, ủy viên ban thường vụ thành ủy do Thành ủy quy hoạch. Các đồng chí phó bí thư thường trực thành ủy và phó chủ tịch thường trực UBND thành phố được giới thiệu bầu giữ chức vụ bí thư đảng ủy. Các tổ công đoàn, chi đoàn thanh niên trong các phòng, ban cũng được sắp xếp cùng sinh hoạt trong công đoàn cơ sở, đoàn cơ sở để bảo đảm đồng bộ về tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho sự lãnh đạo của các đảng ủy.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, các đồng chí Bí thư: Thị ủy Cửa Lò (Nghệ An), Huyện ủy Triệu Sơn (Thanh Hóa), Huyện ủy Ðác Song (Ðác Nông), những nơi đã sắp xếp, kiện toàn tổ chức đảng các cơ quan huyện theo Hướng dẫn 38 của Ban Tổ chức T.Ư có nhận xét chung là hệ thống văn bản chỉ đạo giản tiện hơn, việc kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan tốt hơn. Công tác kết nạp đảng và bổ nhiệm cán bộ công khai, dân chủ hơn do người thuộc diện xem xét, bổ nhiệm nhận được sự tín nhiệm cao của các đảng viên trong đảng bộ.
Ðảng ủy cơ sở có phải là "cấp trung gian"?
Theo Hướng dẫn của Ban Tổ chức T.Ư, các địa phương có thể sắp xếp theo mô hình hai đảng bộ: ÐBCS cơ quan đảng, đoàn thể và ÐBCS cơ quan chính quyền; hoặc ba đảng bộ: ÐBCS cơ quan đảng, ÐBCS cơ quan chính quyền, ÐBCS cơ quan đoàn thể cấp huyện.
Nêu lên những khó khăn khi thực hiện mô hình ÐBCS, đồng chí Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Yên (Yên Bái) cho biết: Năm 2012, Huyện ủy thành lập ÐBCS cơ quan Ðảng - đoàn thể từ năm chi bộ cơ sở; ÐBCS cơ quan chính quyền được thành lập từ 12 chi bộ cơ sở. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo bộc lộ một số vấn đề như: khó phân công bí thư đảng ủy, vì trưởng các phòng, ban có vị trí như nhau, do đó Huyện ủy phải phân công đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy và đồng chí ủy viên ban thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện làm bí thư của các đảng ủy. Tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên không tương ứng với tổ chức đảng cùng cấp, cho nên các đảng ủy khó chỉ đạo các tổ chức này một cách sâu sát. Thường trực Huyện ủy Lục Yên đề nghị giữ nguyên như mô hình trước đây, nghĩa là mỗi phòng, ban, đoàn thể là một chi bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy. Công văn, giấy tờ sẽ không phải qua "cấp trung gian" là đảng ủy cơ sở, mà chuyển thẳng đến các chi bộ cơ sở. Tính chủ động của các chi bộ cao hơn. Các vấn đề của chi bộ sẽ được báo cáo trực tiếp với Thường trực Huyện ủy chứ không phải qua ÐBCS.
Thành ủy Cần Thơ chọn quận Ninh Kiều và Thốt Nốt để thực hiện thí điểm thành lập ÐBCS cơ quan Ðảng - đoàn thể và ÐBCS cơ quan chính quyền quận. Quận ủy Ninh Kiều giảm được 37 TCCSÐ trực thuộc, Quận ủy Thốt Nốt giảm được 19 TCCSÐ trực thuộc. Tuy giảm được đầu mối TCCSÐ, nhưng các quận ủy nhận thấy có khó khăn trong việc giải quyết thủ tục hành chính và lưu trữ hồ sơ do không có cán bộ chuyên trách, các ÐBCS thiếu nguồn kinh phí hoạt động. Trước đây, bí thư chi bộ cơ sở được hưởng phụ cấp trách nhiệm, sau khi sắp xếp, vì là bí thư chi bộ dưới cơ sở cho nên không có chế độ phụ cấp như trước. Các đảng ủy cơ sở không thực hiện được công tác quy hoạch cán bộ các phòng, ban, ngành, đoàn thể quận và không thực hiện được thi hành kỷ luật đảng viên. Số đảng phí mà các đảng ủy được trích giữ lại không đủ chi cho hoạt động chung. Hoạt động của ban thường vụ, ban chấp hành các ÐBCS dễ rơi vào hình thức vì mọi công việc đã được quyết định ở chi bộ, nếu có đưa ra đảng ủy xin ý kiến thì đảng ủy cũng khó có ý kiến khác, do mỗi phòng, ban, đoàn thể hoạt động độc lập theo chuyên môn riêng. Công đoàn, đoàn thanh niên của các phòng, ban, đoàn thể là tổ chức cơ sở trực thuộc liên đoàn lao động quận và quận đoàn, do đó, đảng ủy chỉ lãnh đạo mang tính định hướng. Thành ủy Cần Thơ chủ trương tiếp tục thí điểm và rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng mô hình ra toàn thành phố.
Cần tiếp tục rút kinh nghiệm tổ chức
Bốn năm qua có thể gọi là thời gian thí điểm đối với mô hình ÐBCS các cơ quan huyện. Nhiều địa phương đã sắp xếp lại TCCSÐ phát hiện thấy những yếu tố bất hợp lý. So với cách tổ chức trước đây thì cách tổ chức sau này thêm một cấp chỉ đạo là đảng ủy các cơ quan huyện, nhưng đảng ủy khó chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị. Bên cạnh đó, các đảng ủy cũng khó quy hoạch cán bộ do các chức danh lãnh đạo phòng, ban thuộc thẩm quyền của cấp ủy cấp huyện. Các đoàn thể hoạt động theo điều lệ riêng, được chỉ đạo theo ngành dọc, cơ cấu nhân sự theo nhiệm kỳ đại hội..., do đó, các đảng ủy cơ quan huyện rất khó chỉ đạo. Trong trường hợp có cán bộ, đảng viên vi phạm thì do ủy ban kiểm tra huyện ủy xử lý, không thể giao cho ủy ban kiểm tra của đảng ủy, nếu không sẽ chồng chéo. Việc giải quyết chế độ phụ cấp cấp ủy cũng không thực hiện được. Chính vì lẽ đó, hoạt động của các đảng ủy cơ quan huyện dễ rơi vào tình trạng chung chung, công tác kiểm tra, quy hoạch cán bộ mang tính hình thức hoặc không thực hiện được. Một số hoạt động đảng vụ có thể thực hiện, nhưng cần thêm nhân sự, bộ phận quản lý hồ sơ. Hằng năm, phải bổ sung kinh phí hoạt động cho các ÐBCS, nếu giữ mô hình chi bộ cơ sở thì không cần bổ sung khoản kinh phí này.
Hiện nay, nhiều tỉnh ủy, thành ủy đang tìm giải pháp để thống nhất mô hình trong toàn tỉnh, thành phố về chức vụ bí thư đảng ủy các cơ quan huyện, công tác kiểm tra, đảng vụ, kế toán kiêm nhiệm và kinh phí hoạt động của các đảng ủy. Không ít địa phương đã thành lập ÐBCS, đang cân nhắc quay lại mô hình trước đây. Có địa phương đã quyết định giải thể ÐBCS cơ quan Ðảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và ÐBCS cơ quan chính quyền huyện sau hai năm thành lập, tái lập chi bộ cơ sở trực thuộc huyện ủy như Huyện ủy Phước Sơn (Quảng Nam).
Do việc sắp xếp lại các tổ chức cơ sở đảng chỉ nhằm giảm số đầu mối, không tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng của đảng viên, cơ sở đảng; ÐBCS chủ yếu làm công tác đảng vụ, cho nên theo chúng tôi ở những nơi ÐBCS cơ quan huyện hoạt động tốt thì nên duy trì. Những nơi hoạt động không tốt thì cấp ủy cấp huyện xin ý kiến cấp ủy cấp tỉnh cho phép dừng hoạt động của các đảng ủy cơ quan huyện, sắp xếp lại thành các chi bộ cơ sở. Những địa phương chưa thành lập ÐBCS cơ quan huyện thì có thể giữ nguyên mô hình chi bộ cơ sở, nếu mô hình này hoạt động hiệu quả.
Nếu tiếp tục thực hiện mô hình ÐBCS cơ quan huyện, Ban Tổ chức T.Ư cần cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của loại hình ÐBCS, hướng dẫn phân bổ nguồn kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho các đảng bộ hoạt động. Bí thư đảng ủy nên là các đồng chí phó bí thư thường trực cấp ủy huyện, đồng chí phó chủ tịch HÐND hoặc UBND huyện, để có thể chỉ đạo bao quát nhiều lĩnh vực công tác. Nguồn kinh phí cho các ÐBCS hoạt động cần tổng hợp chung trong dự toán ngân sách đảng huyện. Cần quy định cụ thể về vai trò, nhiệm vụ của ban thường vụ đảng ủy, ban chấp hành đảng bộ, nhất là vai trò của đảng ủy trong công tác quy hoạch cán bộ và kiểm tra, kỷ luật cán bộ. Trung ương cần sơ kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình để thống nhất về số lượng, thành phần và tên gọi của các ÐBCS. Bên cạnh đó, cần sắp xếp lại các tổ chức đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên để bảo đảm đồng bộ về tổ chức. Dù theo mô hình nào, điều quan trọng nhất vẫn là các TCCSÐ phải phát huy được vai trò của đảng viên, tạo thuận lợi cho hoạt động Ðảng, chính quyền và đoàn thể.