BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


‘Sao không ai đặt vấn đề tái cơ cấu bộ máy?’

02/11/2014 19:43

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) chất vấn: “Chúng ta có cần những công trình văn hóa 3.200 tỉ đồng mà bây giờ để cho thuê đám cưới hay biến thành phim trường kinh dị không?”.

 
“Trước khi đi họp Quốc hội (QH), có một doanh nghiệp (DN) nói với tôi thế này: Các ông đặt vấn đề tái cơ cấu DN, đầu tư công nhưng không thấy ai đặt vấn đề tái cơ cấu tổ chức bộ máy và tái cơ cấu chính các ông”. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) kể như thế trong phiên thảo luận tại hội trường QH (ngày 1-11) về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của QH về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2011-2015.

"DN là nạn nhân của tệ tham nhũng"
 
Theo ông Hiến, tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công hiện nay đang diễn ra rất nghiêm trọng. “Chúng ta có cần những công trình văn hóa 3.200 tỉ đồng mà bây giờ để cho thuê đám cưới không? Chúng ta có cần những làng văn hóa cũng đến 3.200 tỉ đồng nhưng bây giờ lại biến thành phim trường kinh dị không? Nhân dân không chấp nhận được chuyện đó”. Ông Hiến nói vậy và cho rằng chính tệ nạn tham nhũng đã dẫn đến một tâm lý nghi ngờ phổ biến trong nhân dân về động cơ thực sự của các dự án xây dựng.

Theo ông Hiến, vấn đề quan trọng bây giờ là làm sao để tái cơ cấu trách nhiệm, tái cơ cấu cán bộ để phục vụ dân, phục vụ DN tốt hơn. “Chúng ta cứ nói vì DN nhưng thực ra DN có được đối xử tốt không? Có tình trạng rất phổ biến là DN là nạn nhân của tệ nạn tham nhũng”.
 
 
Ông Nguyễn Văn Hiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phát biểu ý kiến trong buổi thảo luận ngày 1-11. Ảnh: TTXVN
 
 
Người tài đứng sau... hậu duệ, quan hệ, tiền tệ

Dẫn câu chuyện về hiền tài của đất nước, ông Hiến khẳng định không thiếu mà có rất nhiều người tâm huyết, tài năng. Thế nhưng họ không có điều kiện may mắn và không có vị trí xứng đáng. Họ chỉ đứng thứ tư sau hậu duệ, quan hệ, tiền tệ. “Để họ có thể giúp dân, giúp nước thì phải bằng cơ chế tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển bổ nhiệm công khai, minh bạch” - ông Hiến lưu ý.

Cùng chung một quan điểm về đổi mới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cũng khẳng định nếu không đổi mới được cán bộ thì không thể đổi mới được kinh tế. “Nếu đổi mới DN mà vẫn bố trí những cán bộ cũ, những người đã góp công xây dựng ra DN thì sẽ không thể đổi mới được, không thể làm gì được. Cái này là kinh nghiệm được đúc kết từ nhiều nước nên chúng ta phải đổi mới vấn đề này. Ngành tổ chức cán bộ cũng phải đổi mới đi. Chúng ta không thể thay đổi, đổi mới bằng lời nói mà phải thay đổi bằng luật pháp, bằng cơ chế rõ ràng” - ông Vinh đề nghị.

Trước đó, báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày trước QH cũng chỉ rõ công tác tái cơ cấu vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là thiếu các quy định cụ thể về phân cấp quản lý và gắn với trách nhiệm trong quản lý đầu tư; chưa đổi mới cơ chế, chính sách phân bổ và sử dụng vốn đầu tư...

Báo cáo giám sát cũng kiến nghị cần phải xây dựng cơ chế xác định rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm người đứng đầu các cấp, cá nhân và tổ chức nếu không làm đúng nhiệm vụ được giao và kết quả tổ chức thực hiện các đề án tái cơ cấu đã phê duyệt. Ngoài ra việc phân cấp, phân quyền phải trên cơ sở khoa học, thực tiễn, trách nhiệm rõ ràng, phù hợp với năng lực quản lý từng cấp, bảo đảm xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Theo http://plo.vn/
Tìm kiếm