 |
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Đây là nội dung được trao đổi tại buổi họp báo chuyên đề về Quản lý và sử dụng xe ô tô công do Bộ Tài chính tổ chức chiều 8/3.
Bước đầu nâng cao ý thức tiết kiệm
Theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, xe ô tô công có 3 loại gồm: Xe phục vụ chức danh được sử dụng phục vụ công tác của chức danh có hệ số phục cấp chức vụ từ 1,25 trở lên; xe phục vụ công tác chung được sử dụng để phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị có lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên khi đi công tác; xe ô tô chuyên dùng được sử dụng cho các nhiệm vụ chuyên dùng đặc thù.
Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, thực tế, thời gian qua, các đơn vị đã chấn chỉnh các vi phạm trong quản lý, sử dụng xe ô tô. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành định mức xe ô tô chuyên dùng, giảm số lượng xe phục vụ công tác chung.
Một số bộ ngành, địa phương đã và đang nghiên cứu áp dụng cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công như Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, thành phố Hà Nội…
Kết quả bước đầu cho thấy cơ chế khoán xe công góp phần tiết kiệm chi ngân sách, được dư luận, nhân dân đồng tình. Theo thống kê, tổng số xe công tính đến 31/12/2016 có khoảng hơn 34.000 chiếc. Trong đó: Xe chức danh có hơn 800 chiếc, xe chung hơn 17.000 chiếc, chuyên dùng hơn 16.000 chiếc.
Sau khi thực hiện Quyết định 32, đã thực hiện thanh lý 1.105 chiếc, số thanh lý đã báo cáo là 761 xe với số tiền thu được là 35,75 tỷ đồng. Một số đơn vị không phải báo cáo thì tự bổ sung vào quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị...
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nếu nhìn vào con số 320 triệu đồng/1 năm tiền chi phí cho một xe công gồm khấu hao, chi phí lái xe, xăng, bảo dưỡng sửa chữa... thì số tiền tiết kiệm được là tương đối lớn. Dù vậy, có một số ý kiến phản ánh việc bán xe công vẫn còn chưa chặt chẽ, một số đơn vị vẫn chưa bảo đảm minh bạch, công khai. Trong khi đó, một số đơn vị tự chịu trách nhiệm cũng không phải báo cáo lên Bộ Tài chính do chưa có quy định.
Hơn nữa, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tuy số lượng xe phục vụ công tác chung đã giảm, nhưng lượng xe chuyên dùng có xu hướng tăng. Nguyên nhân chủ yếu do việc quy định phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức xe chuyên dùng ở các nơi chưa thống nhất, nơi thừa, nơi thiếu. Việc khoán kinh phí sử dụng xe cho các chức danh có đủ tiêu chuẩn chưa thực sự tạo động lực khuyến khích việc thực hiện cơ chế khoán xe công.
Thực hiện theo lộ trình và quy định cần chặt chẽ hơn
Yêu cầu đặt ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý xe công. Cụ thể, tại Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 2/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện chính sách về tiêu chuẩn, định mức xe ô tô công theo hướng, phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 30%-50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương, trừ các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, xác định lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô áp dụng đối với chức danh thứ trưởng và tương đương, xe ô tô phục vụ công tác chung. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu trong Quý II/2017, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách nhân rộng khoán xe công.
Ông Trần Đức Thắng cho biết, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo, lấy ý kiến để trình Quyết định mới thay thế Quyết định 32. Điểm đáng chú ý trong dự thảo quy định mới chính là việc quản lý xe được thực hiện theo phương thức tập trung, giao cho một đơn vị quản lý để bố trí cho các chức danh có tiêu chuẩn, sử dụng chung. Trường hợp trụ sở của đơn vị đóng xa trụ sở của đơn vị quản lý xe tập trung thì sẽ để thủ trưởng cơ quan xem xét, quyết định giao cho đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng. Tuy chưa đưa ra con số nhưng đại diện Bộ Tài chính cho rằng việc này sẽ giúp tiết kiệm chi phí đáng kể.
Quy định mới thực hiện khoán bắt buộc kinh phí sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại với các chức danh có hệ số phụ cấp từ 1,25 đến thứ trưởng và tương đương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (chức danh quy định tại Điều 6 dự thảo Quyết định). Trường hợp đi công tác thì bố trí xe phục vụ công tác chung phục vụ công tác hoặc nhận khoán theo hình thức tự nguyện. Với chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 và các chức danh được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước thì thực hiện khoán kinh phí sử dụng phương tiện khi đi công tác hoặc bố trí xe phục vụ công tác chung (nếu có).
Một số ý kiến cho rằng, việc khoán như vậy vẫn là quá “dè dặt”, vì sự lãng phí xảy ra chủ yếu là để lợi dụng xe đi các công việc riêng khác, hay ở các địa phương sử dụng xe công đi liên tỉnh sai mục đích, chứ không phải ở việc đưa đón đến nơi làm việc. Về vấn đề này, ông Trần Đức Thắng cho rằng, các chức danh lãnh đạo, đặc biệt lãnh đạo một số địa phương đi công tác, họp hành ở xa tương đối nhiều. Do đó, việc khoán sẽ phải tính toán cẩn thận và thực hiện theo lộ trình. Vừa khoán, vừa “thăm dò”. Qua thực tế triển khai, cơ quan ban hành chính sách sẽ tiếp tục điều chỉnh chặt chẽ hơn, nhưng phải trên tinh thần trước tiên là không ảnh hưởng xấu đến công việc hiện tại. Ông Trần Đức Thắng cũng cho biết, các chế tài đối với vi phạm trong quy định quản lý tài sản cũng sẽ phải chỉ ra rõ ràng hơn, nếu không các quy định lại dừng lại ở mức khuyến khích.
Về xử lý xe dôi dư, ông Trần Đức Thắng cho biết, sẽ có nhiều hướng, đó là, bán xe chỉ định cho chức danh đang được trang bị xe (nếu có đề xuất), điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu xe so với tiêu chuẩn, định mức hay bán đấu giá nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.
“Các đơn vị sau khi thực hiện khoán phải có trách nhiệm bố trí, sắp xếp đội ngũ lái xe khi xử lý xe dôi dư theo quy định của pháp luật về lao động, cần có công việc khác”, ông Trần Đức Thắng lưu ý.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ tính toán ra con số chi phí tiết kiệm được khi thực hiện khoán theo quy định mới trước khi khi trình lãnh đạo Chính phủ xem xét.