Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh nhiều vấn đề tại buổi làm việc với Bộ LĐ-TB&XH
 
Phó Thủ tướng đã nghe đại diện Bộ LĐ-TB&XH báo cáo hoạt động trong 10 tháng qua. Theo đó, về công tác dạy nghề, hơn 620 nghìn người được tuyển sinh học nghề trong 8 tháng đầu năm. Đến hết tháng 9, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 11,2 triệu người, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái,… Ngoài ra, đã có hơn 401 nghìn người đăng ký thất nghiệp. Tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 383 nghìn người.

Về lĩnh vực việc làm, Phó Thủ tướng đánh giá các lĩnh vực quản lý của Bộ LĐ-TB&XH rất rộng và được xã hội quan tâm. Phó Thủ tướng cho rằng: “Lĩnh vực lao động việc làm của Bộ LĐ-TB&XH thể hiện tương đối rõ qua công tác xuất khẩu lao động. Bộ LĐ-TB&XH đã làm tốt phương án đưa lao động từ Lybia về nước an toàn, tìm giải pháp nhằm giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc…”.

Ông nhận định: “Hiện nay, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động qua mạng ngày càng tăng, Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu về ứng dụng công nghệ thông tin, giúp người lao động có công cụ hữu hiệu để tìm việc làm thuận tiện và hiệu quả hơn. Bộ LĐ-TB&XH cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc phối hợp cùng các bộ ngành liên quan trong việc giải quyết việc làm trong nước cho người lao động”.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc cải cách thủ tục hành chính cần được Bộ LĐ-TB&XH đổi mới để việc chi trả, thanh toán lương, chế độ chính sách và phụ cấp cho các đối tượng thuộc lĩnh vực, ngành quản lý được thuận tiện.

Về lĩnh vực dạy nghề, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Theo phương án trình Quốc hội là tới đây, Bộ LĐ- TB&XH sẽ quản lý thêm phần cao đẳng sư phạm nghề. Vậy, vấn đề quản lý sẽ như thế nào? hướng tới cơ cấu toàn bộ hệ thống dạy nghề ra sao? Riêng các trường nghề hiện theo dõi trên 1.000 trường, thêm các trường cao đẳng nữa sẽ như thế nào? Trong đó có những việc xã hội bức xúc như dạy nghề cho lao động nông thôn. Có tỉnh làm tốt và ngược lại. Nhưng cái khó nhất là toàn bộ hệ thống dạy nghề của tới đây phải như thế nào”.

Đặc biệt, muốn có bước chuyển thực sự về chất lượng trong công tác dạy nghề, ngành LĐTB&XH phải đặt kế hoạch đổi mới căn bản, toàn diện, dũng cảm nhìn vào bất cập để trả lời những câu hỏi: Tại sao người học nghề ít; tại sao sát nhập 3 trung tâm dạy nghề ở cấp huyện mà trước đây chúng ta đã phải đầu tư trong khi ngân sách còn nghèo; có cần thiết rải đều trung tâm dạy nghề ở các tỉnh hay không? 

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu Bộ LĐTB&XH phải xác định rõ trách nhiệm của mình, rà soát 9 lĩnh vực quản lý, những gì đã làm tốt thì tiếp tục cải thiện, phát huy hơn nữa nhưng cũng có những điểm cần cập nhật, đổi mới căn bản.

Theo Phó Thủ tướng, muốn có bước chuyển thực sự về chất lượng trong công tác dạy nghề, ngành LĐ-TB&XH phải đặt kế hoạch đổi mới căn bản, toàn diện.