BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Trường nghề không tự chủ được thì giải thể

17/01/2017 13:46

Các trường nghề công lập phải tự chủ, các bộ ngành phải kiên quyết, ngân sách không thể bao cấp mãi - là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” do Bộ LĐTBXH tổ chức sáng 16.1 tại TPHCM.


Cơ hội cho người học nghề phải mở hơn trước


Ông Trần Công Chánh - Hiệu trưởng Trường CĐ kinh tế Bạc Liêu cho rằng, cần có cơ chế để các doanh nghiệp (DN) thu hút lực lượng lao động qua giáo dục đào tạo nghề. Hiện nay, các DN chê người học chất lượng kém nhưng không xông vào cùng đào tạo thì không công bằng. Bên cạnh đó, quy định chế độ tiền lương cho người lao động qua đào tạo nghề phải được nâng lương lên và nâng liên tục theo bậc nghề.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thừa nhận, thực tế, các DN không muốn tuyển dụng người qua đào tạo nghề vì sẽ phải trả lương cao, đóng các khoản BHXH, khó cho nghỉ, trong khi dùng người không có trình độ hoặc chưa qua đào tạo nghề thì ngược lại.

Ông Võ Quang Huệ - Tổng Giám đốc Cty TNHH Bosch Việt Nam cho rằng, trong xu thế toàn cầu hóa, nhiều ngành nghề được các trường đào tạo đã không còn phù hợp với nhu cầu DN, nhiều nghề sẽ chết, nhiều nghề mới được sinh ra. “Chính phủ thúc đẩy các chính sách, thúc đẩy các DN tham gia vào đào tạo nghề, để các trường liên kết với các DN đào tạo, vận động các chuyên gia là Việt kiều hỗ trợ cho công tác này” - ông Huệ nói.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay, chúng ta nói nhiều về tâm lý xã hội là “sính” đại học hơn học nghề, điều này sẽ cần có những điều chỉnh trong chính sách, pháp luật. Theo Phó Thủ tướng, sắp tới, cơ hội cho người học nghề nhất định phải cởi mở hơn trước, tăng cơ hội cho người học nghề được học liên thông lên đại học hoặc cao hơn, đặt ngang hàng thực hành và nghiên cứu, không coi trọng cái nào hơn!

Tự chủ không phải là cắt tiền ngay

Theo bà Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2 TPHCM, mỗi nhà trường cần xác định chất lượng đào tạo là thương hiệu và danh dự của nhà trường, làm sao để đào tạo sinh viên ra trường thì DN chỉ thèm muốn chứ không thể từ chối. Nhà trường phải tự chủ là quan trọng chứ không chờ cơ chế chính sách.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đổi mới công tác đào tạo nghề mục đích cuối cùng là thu hút người học, muốn thu hút người học thì các trường phải trả lời được hai ý: Người học học xong ra trường có việc không? Sau này có tiếp tục học liên thông lên được nữa không? Chìa khóa để đào tạo nghề thành công chính là gắn kết với DN và các trường phải tự chủ. Muốn tự chủ thành công thì tùy thuộc vào bản lĩnh và cách làm của người đứng đầu đơn vị đó. Hiện nay, hơn 15 trường đại học, 3 trường nghề đã tự chủ và đều tốt lên rất nhiều.

“Các trường nghề công lập xây cơ sở hoành tráng, mua thiết bị hoành tráng rồi tuyển sinh không được, đó chính là lãng phí, là có lỗi với nhân dân. Ta không thể duy trì mãi tình trạng, một trường hằng năm tuyển sinh hàng ngàn học sinh được cấp 10 tỉ đồng, trường tuyển sinh vài chục em vẫn được cấp 10 tỉ đồng, như thế là không công bằng. Về kinh phí, sẽ không cắt giảm ngay, mà sẽ phải thay đổi, làm sao để đào tạo nhiều nhận nhiều, ít nhận ít, không được thì triệt tiêu, không bao cấp mãi. Để cho các trường tự chủ, họ tự tìm thấy cách sắp xếp, tính toán quy hoạch lại hoặc hợp tác với nhau để phát triển, không được nữa thì giải thể” - Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, tự chủ là cho các trường toàn quyền tổ chức bộ máy, lập phòng ban nào, dùng người ra sao… Chứ tự chủ mà tất cả quyền do người khác quyết định thì tự chủ thế nào? Thực tế hiện nay, các trường ngoài công lập có được ưu đãi đâu mà vẫn sống được. Sắp tới đây, công tác này phải mạnh, các trường phải chấp nhận, bộ ngành phải kiên quyết, chúng ta không bao cấp mãi được.

Theo http://laodong.com.vn/
Tìm kiếm