Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cần công khai, minh bạch, Luật Thống kê phải quy định từ chỉ tiêu đến phương pháp tính rõ ràng, quy định rõ trách nhiệm, không thể giao hết cho Chính phủ quy định. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu như vậy khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Thống kê (sửa đổi), chiều 11-3.
 |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN |
Theo Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36, hệ thống thông tin thống kê chính thức gồm hệ thống thông tin thống kê quốc gia, hệ thống thông tin thống kê cấp bộ, hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh và hệ thống thông tin thống kê cấp huyện.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho hay, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế đều tán thành với quy định của dự thảo luật nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hoạt động thống kê chính thức, tránh mâu thuẫn, chồng chéo, góp phần nâng cao độ tin cậy, chính xác của thông tin thống kê.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến của một số ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự thảo luật chưa làm rõ được mối quan hệ và tính thống nhất trong hệ thống thông tin thống kê các cấp. Cụ thể, thời gian qua, số liệu tính tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) hằng năm của các địa phương cộng lại cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) chung của cả nước. Do vậy, những ý kiến này đề nghị quy định quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan thống kê Trung ương trong việc xử lý tình trạng không thống nhất về thông tin thống kê.
Tính dự báo, tính chính xác của thông tin thống kê cũng là vấn đề được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý quan tâm và đề nghị đại diện Chính phủ tham dự phiên họp giải thích thêm.
Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Phan Trung Lý, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói, Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) lần này sẽ khắc phục được tình trạng chênh lệch số liệu bằng cách giao cho Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chịu trách nhiệm về hệ thống chỉ tiêu quốc gia. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm khắc phục tình trạng số liệu chồng chéo nhau. GDP của Trung ương sẽ do Trung ương tính, còn các địa phương tính GRDP theo phương pháp tính do Trung ương quản lý để không có chênh lệch.
* Sáng 11-3, với 100% tổng số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết thông qua, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) sẽ trở thành thị xã Đông Triều, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) sẽ thành thị xã Điện Bàn, thị xã Bắc Kạn (Bắc Kạn) sẽ thành thành phố Bắc Kạn và tỉnh Kon Tum sẽ có thêm huyện mới là Ia H’Drai.
Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Hiến pháp năm 2013. Trước đó, thẩm quyền này thuộc về Chính phủ.
Nếu so sánh với bộ tiêu chuẩn thành lập thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo Nghị định 62/2011/NĐ-CP của Chính phủ và theo Quyết định số 64b/HĐBT ngày 12-9-1981 của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ, thì các đơn vị hành chính này còn chưa đạt một số tiêu chuẩn, như thiếu nhà tang lễ, mật độ dân số hay tổng số dân… Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc thành lập 4 đơn vị hành chính nêu trên là cần thiết nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là ở khu vực biên giới, vùng núi. Hơn nữa, các tiêu chuẩn hiện hành cũng có những điểm chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn mới, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành bộ tiêu chuẩn thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn và phù hợp với thẩm quyền được hiến định.
Cụ thể, theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tiêu chuẩn về mật độ dân số để thành lập thị xã, thành phố thuộc tỉnh là chưa phù hợp với yêu cầu hiện nay. Chẳng hạn, cần thành lập chuỗi thành phố vệ tinh để hút bớt dân cư ở thành phố lõi, nhưng vẫn cứng nhắc yêu cầu các thành phố vệ tinh phải đáp ứng tiêu chuẩn về mật độ dân cư là không phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai thì cho rằng, không nên áp dụng chung một bộ tiêu chuẩn cho tất cả các địa bàn, các vùng miền. Ví dụ được Chủ nhiệm Trương Thị Mai đưa ra là việc xây dựng nhà tang lễ chung như ở Hà Nội là rất phù hợp, nhưng ở Lâm Đồng lại không phù hợp, vì người dân Lâm Đồng quan niệm phải tổ chức tang lễ cho người thân ở gần nhà thì mới tình cảm…
Ngày 12-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc.