Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Bộ Nội vụ đã nỗ lực triển khai và hoàn thành khối lượng lớn công việc liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế
Bộ Nội vụ đã nỗ lực triển khai và hoàn thành khối lượng lớn công việc liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ sáng nay, 5/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Phiên chất vấn dành cho nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ đã có 31 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và 3 đại biểu tranh luận; còn 70 đại biểu đăng ký và 1 đại biểu đăng ký tranh luận sẽ tiếp tục gửi câu hỏi tới Bộ trưởng để trả lời bằng văn bản.
Cùng với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã tham gia trả lời, giải trình về những nội dung có liên quan.
Kết luận Phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần trách nhiệm và xây dựng cao. Các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, sâu sắc, bám sát thực tiễn các vấn đề cử tri, dư luận quan tâm và tích cực tranh luận để làm rõ nhiều nội dung.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng trả lời chất vấn kể từ khi nhận nhiệm vụ, nhưng theo ghi nhận của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, với kinh nghiệm thực tiễn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã nắm chắc tình hình, thực trạng công tác quản lý của ngành, chỉ rõ những vấn đề tồn tại, hạn chế, những vướng mắc, bất cập về thể chế trong quá trình tổ chức thực hiện, những thách thức để bảo đảm nguồn nhân lực cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước, những vấn đề còn gây bức xúc trong xã hội.
Bộ trưởng trả lời mạch lạc, rõ ràng, cầu thị, thẳng thắn nhận trách nhiệm; đồng thời có nhiều giải pháp, đề xuất với Quốc hội và Chính phủ.
"Ngành Nội vụ có vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; góp phần xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ.
Nội dung chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực hôm nay là những vấn đề luôn mang tính thời sự, thực tiễn đang có nhiều vướng mắc, được các đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm".
Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, trên cơ sở các Nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, dưới sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã nỗ lực triển khai và hoàn thành khối lượng lớn công việc liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; làm tốt nhiệm vụ quản lý ngành; đồng thời, cũng nhận diện rõ một số vấn đề vướng mắc, bất cập, hạn chế mà ngành Nội vụ cần tiếp tục quan tâm, nỗ lực hơn nữa để cải thiện, khắc phục trong thời gian tới.
Khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng
Để khắc phục những hạn chế, bất cập, điểm nghẽn, vượt qua thách thức, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đạ biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó, tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội.
Giai đoạn 2022-2026, phấn đấu tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
"Khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng, bảo đảm phù hợp với các loại hình, mô hình tổ chức trong bộ máy nhà nước.
Tiếp tục phối hợp hoàn thiện việc xây dựng danh mục vị trí việc làm, xây dựng bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ công, nhất là giáo dục, y tế
Hai là, ngay trong năm 2023, cần hoàn thiện các định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí để xây dựng đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, miền.
Khẩn trương phê duyệt và triển khai hiệu quả Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (đặc biệt là giáo dục, y tế) và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong việc thực hiện Đề án tự chủ theo quy định.
Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ công, nhất là lĩnh vực giáo dục, y tế.
Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý cấp phát ngân sách nhà nước theo dự toán sang thanh toán theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ gắn với sản phẩm, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.
Trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW
Ba là, trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền lộ trình triển khai thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương; xây dựng Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Bốn là, tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; hướng dẫn về cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp.
Khẩn trương ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức biên chế viên chức theo ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc điểm vùng, miền, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế; quy định về hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Khẩn trương có giải pháp khắc phục tình trạng giao biên chế viên chức tại một số cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước (như kiểm lâm, kiểm ngư, thanh tra giao thông…).
Đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức nhằm bảo đảm chất lượng ngay từ khi tuyển dụng; thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thành tích trong hoạt động nghề nghiệp.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Nghiên cứu xây dựng Đề án về nguồn nhân lực tham mưu, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm yêu cầu về chất lượng và số lượng.
Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn.
Hoàn thiện quy định về đánh giá CBCCVC theo định lượng dựa trên kết quả công việc
Năm là, tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo định lượng dựa trên kết quả công việc; sớm xây dựng bộ công cụ đánh giá bảo đảm khoa học, khách quan, công khai và minh bạch.
Rà soát, sửa đổi các quy định có liên quan về quy trình, thủ tục, thẩm quyền xử lý kỷ luật; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định về thời hiệu kỷ luật đảng.
Tham mưu cho Chính phủ đề xuất, thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Trong giai đoạn 2022 - 2026, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch để tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả số chỉ tiêu biên chế giáo viên được Bộ Chính trị giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại các cấp học do tăng quy mô học sinh và triển khai các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, bậc học, nhất là việc tăng cường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và các bộ môn chung phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
Xây dựng đề án liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện
Sáu là, sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Năm 2023, xây dựng Đề án liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện thể chế về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện quyết định số lượng cụ thể cán bộ, công chức ở từng đơn vị hành chính cấp xã ở địa phương, bảo đảm không vượt quá tổng số lượng theo quy định.
Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp quy định cụ thể số lượng và chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Nghiên cứu sửa đổi quy định về khoán kinh phí hoạt động cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Sớm ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Hướng dẫn giải quyết các vướng mắc, bất cập còn tồn tại của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và đề xuất các giải pháp thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2030./.
Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề Nội vụ. Đồ họa Quochoi.vn
Nguồn: baochinhphu.vn