BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


“Lương hưu TGĐ cao hơn của Chủ tịch Quốc hội”

24/10/2014 08:43

Đó là ý kiến của đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa) tại buổi thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chiều 23/10.

 
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: TTBC)
 
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Đoàn Phú Yên) đề nghị cần làm rõ chi phí quản lý bảo hiểm xã hội 3% sinh lời từ tổng quỹ như vậy có minh bạch không. Cần xác định loại hình bảo hiểm xã hội là cơ quan loại gì, hiện nay thì không thuộc loại hình nào, qui định là cơ quan hành chính, nhưng nguồn thu lại như một doanh nghiệp.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi đề nghị với việc mở rộng đối tượng đóng BHXH bắt buộc với lao động thời vụ từ 1-3 tháng. Về mở rộng đối tượng với các cán bộ bán chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn, bà Chi cũng đề nghị phải đưa đối tượng này tham gia đóng BHXH bắt buộc vì đây là lực lượng còn đóng góp nhiều hơn so với lao động mùa vụ như giúp việc, tạp vụ.

Theo bà Chi, hiện nay có nhiều cán bộ không chuyên trách cấp xã có quá trình làm việc lâu dài, nhưng đến tuổi nghỉ hưu lại không có chế độ gì nên đã dẫn đến tâm lý không an tâm công tác.
 
 
Đại biểu tham gia thảo luận tại hội trường (Ảnh: TTBC)
 
Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng mà luật cần hướng tới và các đối tượng mở rộng đưa ra như thế là hợp lý. Cần phải có bổ sung thêm quy định, sau khi hợp đồng từ 1 đến 3 tháng mà tiếp tục hợp đồng thì sau đó mới phải tham gia đóng BHXH bắt buộc.

Ông Phương cho rằng, nếu chúng ta chỉ quy định hợp đồng từ 1 đến 3 tháng mới đóng bảo hiểm thì không khả thi vì từ lúc lập danh sách, làm thủ tục rồi tìm cơ quan bảo hiểm đã hết thời gian. Nhưng bản chất của vấn đề này là luật ta lại quy định hợp đồng trên 3 tháng thì mới đóng bảo hiểm, nên các cơ quan sử dụng lao động hoặc cơ quan Nhà nước lại lách luật là chỉ ký hợp đồng có 3 tháng. Chính vì thế trong quy định lần này chúng ta nên có là hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng, sau khi chấm dứt hợp đồng và hợp đồng tiếp thì phải tham gia đóng bảo hiểm, như thế mới thực thi khi luật ban hành và đi vào cuộc sống.

Ông Phương cho hay, có thể từ tháng 1 đến tháng 3 không đóng bảo hiểm vì đây là thời gian thử việc giữa người sử dụng lao động và người lao động nhưng tiếp đó chúng ta phải quy định đóng bảo hiểm để tránh lách luật, như luật cũ hiện nay là chưa hợp lý.

Ông Phương nói: Đây là nguyện vọng tha thiết mà nhiều lần tiếp xúc cử tri, tiếp dân, giám sát các đối tượng này đã đề xuất, kiến nghị. Đây cũng chính là sự ghi nhận đóng góp của các cán bộ cấp xã phường hiện nay trong điều kiện kinh phí của quốc gia thì ngân sách tiền lương cũng chưa đủ trả nên mở rộng đối tượng này.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề của Quốc hội cho ý kiến, trước hết, việc sửa luật là xuất phát từ hai yêu cầu. Đó là từ quy định “Điều 34 – công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” và “Điều 59 – Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội cho công dân”. Và Nghị quyết 21 Bộ Chính trị yêu cầu mở rộng đối tượng để năm 2020, có 50% tương đương 25 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội và chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng. Chính sách hiện hành có vấn đề, Nhà nước bao cấp nhiều.

Về vấn đề thứ nhất, mở rộng đối tượng, nhóm người lao động làm việc theo mùa vụ nhưng không có hợp đồng, làm việc từ 1 – 3 tháng. Hiện có 9,4 triệu người đang làm việc như vậy ở cơ sở sản xuất và đó là quan hệ lao động. Nếu không đưa vào diện bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì chủ lao động sẽ không đóng bảo hiểm cho người lao động.

Còn vấn đề thứ hai là đối với cán bộ không chuyên trách, cả 2 phương án, thực chất người lao động chỉ hưởng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, nếu bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội thì nhà nước hỗ trợ 14%, nếu tự nguyện tối đa là 10%. Nếu đặt cả 14% hỗ trợ thì có công bằng với đối tượng trong biên chế ở cấp xã không, điều này phải tính toán thêm. Luật quy định đối tượng này đóng trên mức lương cơ bản là 1.150.000 đồng hiện nay, và quy định lương hưu của người nghỉ hưu không thấp hơn mức lương cơ bản.

“Ngân sách thấp nhưng tiền lương tăng nhanh, do đó cần có lộ trình để giảm bao cấp của nhà nước, hiện đóng bảo hiểm thì thấp chỉ 7% trên tiền lương thực tế nhưng khi về hưu thì hưởng lương thì rất cao, đến 75% của mức lương từ 5 – 10 năm cuối trước khi về hưu. Ví dụ như Nguyễn Minh, nguyên Tổng giám đốc nhà máy bia Huda hưởng lương hưu 65 triệu đồng/tháng, cao hơn rất nhiều lương của Chủ tịch Quốc hội. Bên cạnh đó cần khắc phục tình trạng về hưu sớm, hiện nay trung bình độ tuổi về hưu là 54 tuổi”, ông Lợi nói.

Theo Báo Gia Đình Việt Nam
Tìm kiếm