BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Không có chỗ cho dĩ hòa vi quý

26/11/2014 16:55

Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức (CBCC) với mong muốn tạo được một hành lang pháp lý để góp phần tìm ra những công chức  "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”- đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn với Đại Đoàn Kết.

 
Ông Trần Anh Tuấn
 
Lý giải vì sao lại phải có một Nghị định riêng về vấn đề này trong khi Luật đã quy định rõ căn cứ, nội dung đánh giá CBCC và giao thẩm quyền cho người đứng đầu thực hiện, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, do thời gian vừa qua, việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ CBCC, chưa phân biệt được rõ người tận tụy trách nhiệm với người lười biếng, vô cảm, không chịu làm việc. Bên cạnh đó việc đánh giá chưa thể hiện được hết trách nhiệm người đứng đầu. 

PV: Như vậy có nghĩa, Nghị định sẽ quy định nhiều điểm rất mới tạo cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương trong việc đánh giá cán bộ?

Ông Trần Anh Tuấn: Đúng vậy! Chẳng hạn, đối với cán bộ do cấp có thẩm quyền đánh giá, còn đối với công chức, viên chức do người đứng đầu trực tiếp sử dụng đánh giá. Cụ thể là, đối với công chức, viên chức thì người đứng đầu sẽ đánh giá cấp phó và những người thuộc quyền quản lý, sử dụng. Đối với người đứng đầu tổ chức, đơn vị thì việc đánh giá sẽ do cấp trên trực tiếp phụ trách đánh giá. Tóm lại, đánh giá CBCC sẽ thực hiện theo nguyên tắc, cấp trên đánh giá cấp dưới, người nào giao việc thì người ấy đánh giá. Không thực hiện việc bỏ phiếu trong đánh giá, thực tế việc đánh giá thông qua lấy phiếu đã bộc lộ nhiều hạn chế, bởi sẽ dẫn đến sự nể nang, cả nể, dĩ hòa vi quý. 

Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ, cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền đánh giá. Đặc biệt là các tiêu chí phải đạt được đối với mỗi mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Trên cơ sở người đứng đầu phải phân công rõ ràng, ai làm việc gì, thời gian hoàn thành, mức độ hoàn thành công việc ra sao? Chẳng hạn, đối với mức hoàn thành xuất sắc hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực đều phải đạt được những tiêu chí cụ thể thế nào. Riêng với những người không hoàn thành nhiệm vụ, đã có quy định khung các tiêu chí. Nếu ai rơi vào một trong những tiêu chí đó đều sẽ phải được đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ. Những tiêu chí này sẽ là thước đo giúp người đứng đầu thực hiện tốt thẩm quyền của mình trong đánh giá, đồng thời hạn chế các thắc mắc, khiếu nại làm mất thời gian. Khi đã có tiêu chí đánh giá thì với CBCC trong đơn vị ai ở mức gì cũng đều có thể đối chiếu để đánh giá, người không hoàn thành nhiệm vụ cũng phải tâm phục khẩu phục. Tất nhiên là phải căn cứ vào bản phân công nhiệm vụ của người đứng đầu cho từng thành viên.

Một điểm mới nữa trong Dự thảo Nghị định đó là việc đánh giá phân loại CBCC phải tiến hành trên cơ sở xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ từng đơn vị trong năm. Đây là cơ sở, để tránh chuyện một đơn vị chỉ hoàn thành nhiệm vụ nhưng lại có rất nhiều người hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ của  mỗi cơ quan, đơn vị sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị. Nếu đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ, thì người đứng đầu cũng sẽ nhận mức không hoàn thành nhiệm vụ. Thế nên vai trò của người đứng đầu rất quan trọng không chỉ đánh giá đúng kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mà còn đánh giá đúng sự đóng góp của từng thành viên trong đơn vị. 
 
Năm 2013, có tới 7 bộ, ngành địa phương không có viên chức không hoàn thành nhiệm vụ
 
Kết quả tổng hợp các báo cáo đánh giá CBCC năm 2013 của các Bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Nội vụ cơ bản đều là hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc và tốt. Hơn thế, đối với khối công chức có tới 23 bộ, ngành, địa phương không có công chức nào bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Đối với khối sự nghiệp có tới 7 bộ, ngành, địa phương không có viên chức nào bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Rõ ràng kết quả này thiếu tính thuyết phục trong khi chất lượng hoạt động, phục vụ của CBCC không phải hoàn toàn chỉ là xuất sắc hoặc là tốt như đánh giá. Vì vậy, Bộ Nội vụ xây dựng Nghị định này trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.  
 
Riêng ở Bộ Nội vụ, năm 2013, chúng tôi đã mất 8 tháng để phân loại đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng công chức, viên chức. Cái gốc là mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị và trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ, không thể có cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được và bản thân người đứng đầu cũng sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Theo đó, trong năm 2013 tại Bộ Nội vụ đã có người đứng đầu một số Vụ, Cục bị phân loại ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực
 
(Thứ trưởng Bộ Nội vụ  Trần Anh Tuấn)
 
Quy trách nhiệm đánh giá cho người đứng đầu liệu có đảm bảo sự công bằng, khách quan hay không thưa ông, nếu người đứng đầu vẫn thích đánh giá tốt cho những người cùng ê kíp, làm thế nào để giám sát việc đánh giá này?

- Trong quá trình triển khai công việc người đứng đầu phải có kế hoạch công tác cụ thể và phân công cho từng thành viên trong đơn vị. Giao kế hoạch công tác sẽ là cơ sở đánh giá CBCC xem trong một thời gian nhất định anh đã hoàn thành công việc đến đâu, mức độ nào. Tất nhiên, giao trách nhiệm đánh giá cho người đứng đầu đi kèm đó phải có cơ chế giám sát đảm bảo sự công bằng, khách quan trong đánh giá. Theo đó, sự kiểm tra, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự giám sát của các tổ chức chính trị xã hội trong đơn vị như Công đoàn, Đoàn thanh niên không thể bỏ qua.  

Vậy nếu người đứng đầu đánh giá vì tình chứ không vì lý sẽ xử lý ra sao, thưa ông?

- Tùy mức độ sai phạm để có hình thức xử lý. Tuy nhiên, sẽ áp đúng theo quy định trong Luật Cán bộ, công chức. Nếu người đứng đầu không làm đúng chức trách, thẩm quyền, vi phạm nguyên tắc khách quan, công bằng, hoặc trù úm, định kiến, sẽ bị nhắc nhở, phê bình, thậm chí là xem xét xử lý kỷ luật…Để đánh giá kết quả quá trình đánh giá cùa đơn vị thì cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả này có vai trò rất quan trọng. Nếu cấp có thẩm quyền thấy kết quả đánh giá không đúng thực chất thì phải yêu cầu đơn vị đánh giá lại. 

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo http://daidoanket.vn/
Tìm kiếm