BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước Việt Nam

29/11/2023 15:51

Sáng 29/11, tại Trung Quốc, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Học viện Quản lý cấp cao Đại Liên - Trung Quốc, Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội Vụ Việt Nam tổ chức khai giảng Khóa đào tạo cán bộ cấp cao doanh nghiệp nhà nước Việt Nam. Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Cảnh Toàn dự và phát biểu tại buổi lễ.

Các đại biểu là đại diện lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc tham dự Lễ khai giảng

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước yêu cầu thực hiện: “Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo và tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ doanh nghiệp nhà nước”, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội Vụ - Việt Nam phối hợp với Học viện Quản lý cấp cao Đại Liên - Trung Quốc, tổ chức khai giảng Khóa đào tạo cán bộ cấp cao doanh nghiệp nhà nước Việt Nam. Khóa đào tạo, bồi dưỡng là một phần trong các bước triển khai các đồng thuận quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc, và các yêu cầu liên quan tại chương trình đối thoại cấp Bộ trưởng giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam (CMSC) và Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc (SASAC). Mục đích của Khóa đào tạo là nâng cao năng lực lãnh đạo và tư duy chiến lược cho đội ngũ lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam; cập nhật kinh nghiệm cải cách và phát triển của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc; học hỏi tư duy chiến lược của doanh nghiệp trong thời đại mới; tọa đàm với các chuyên gia quốc tế về sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và trau dồi năng lực lãnh đạo; khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Tham dự Khóa đào tạo có 36 học viên là đại diện lãnh đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban, bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Cảng hàng không (ACV), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).

Phát biểu tại Lễ khai giảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Cảnh Toàn cho biết: Trong những năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và giữa các cơ quan, địa phương, giữa các doanh nghiệp của hai nước nói riêng đã không ngừng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Trong dòng chảy chung đó, mối quan hệ giao lưu và hợp tác giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam (CMSC) và Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc (SASAC) đã từng bước được xây dựng và phát triển với việc hai Ủy ban đã ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác, giao lưu nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11 năm 2022.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Cảnh Toàn, CMSC được thành lập từ năm 2018 với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty là doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam. Các doanh nghiệp này hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề then chốt của nền kinh tế Việt Nam như: Điện, dầu khí, khoáng sản, hóa chất, xăng dầu, viễn thông, lương thực, hạ tầng giao thông đường sắt, đường bộ, hàng hải, hàng không và đầu tư tài chính. Mặc dù chỉ chiếm 2% về số lượng các doanh nghiệp nhà nước nhưng 19 doanh nghiệp này chiếm 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản doanh nghiệp nhà nước. “Để hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty mà Đảng và Chính phủ giao phó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của Ủy ban và đội ngũ người quản lý doanh nghiệp. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nội dung then chốt, đặc biệt quan trọng” – Phó Chủ tịch Nguyễn Cảnh Toàn khẳng định.

Đây là Khóa đào tạo, bồi dưỡng đầu tiên, là minh chứng cụ thể cho các kết quả hợp tác tích cực giữa hai cơ quan. Lãnh đạo CMSC rất coi trọng và đánh giá cao Khóa học này và đã cử Đoàn cán bộ gồm đại diện lãnh đạo của các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc CMSC tham gia Khóa học. “Tôi đề nghị đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp trực thuộc CMSC tận dụng tốt cơ hội này để học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu, các nhà quản lý doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc. Đồng thời, tôi tin tưởng rằng Khóa học sẽ đặt nền móng vững chắc, thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên chúng ta ngày càng phát triển, bền chặt” – Phó Chủ tịch Nguyễn Cảnh Toàn nhấn mạnh.

Phát biểu tại Lễ khai giảng, ông Khâu Bảo Lâm – Bí thư Đảng ủy Học viện Quản lý Cấp cao Đại Liên cho biết: Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về chế độ chính trị, lý tưởng và con đường phát triển. Tháng 10 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 10 năm đề xuất sáng kiến "Vành đai và Con đường", Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã dẫn đoàn sang thăm Trung Quốc và gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác, hai bên đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng qua các cuộc hội đàm. “Khóa đào tạo cán bộ cấp cao doanh nghiệp nhà nước Việt Nam với mục đích hiện thực hóa nhận thức chung quan trọng mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam đạt được, triển khai quan hệ hợp tác bền chặt giữa SASAC và CMSC, cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước hai nước học hỏi lẫn nhau và hợp tác giao lưu trên lĩnh vực cải cách và phát triển” - ông Khâu Bảo Lâm nhấn mạnh.

Theo ông Khâu Bảo Lâm, Học viện Quản lý Cấp cao Đại Liên Trung Quốc là cơ sở giáo dục và đào tạo cán bộ quốc gia được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập. Học viện là cơ sở đào tạo hàng đầu cho nhân sự quản lý cấp cao của các doanh nghiệp Trung Quốc, một trung tâm nghiên cứu về con đường phát triển của các doanh nghiệp nhà nước cũng như các nhà quản lý của các doanh nghiệp nhà nước, một nền tảng hợp tác đào tạo quốc tế hàng đầu cho các doanh nhân Trung Quốc. Với tầm vóc quốc tế về cải cách mở cửa, và có sự hợp tác sâu rộng với cộng đồng giáo dục và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, đồng thời thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với gần 90 trường và tổ chức quốc tế tại hơn 20 quốc gia trên thế giới, Học viện Quản lý cấp cao Đại Liên là cơ sở đào tạo chuyên sâu về hợp tác đào tạo doanh nhân và giao lưu học tập theo tiêu chuẩn quốc tế.

“Về nội dung và phương pháp giảng dạy tại Khóa học này, các học viên là đại diện lãnh đạo CMSC và các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước Việt Nam sẽ được tổng hợp thông tin có hệ thống những kinh nghiệm cải cách và quản lý doanh nghiệp của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Chúng tôi đã đặt ra 4 nội dung giảng dạy chính là: Xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển và công cuộc cải cách tài sản nhà nước và doanh nghiệp nhà nước ổn định, bền vững; Đổi mới và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nhà nước; Nâng cao phẩm chất và năng lực lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước; Trao đổi thông tin, xây dựng mạng lưới hợp tác giữa doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và Việt Nam” – ông Khâu Bảo Lâm chia sẻ.

Các đại biểu tham dự Khóa học chụp hình lưu niệm tại Lễ khai giảng

 

Nguồn: msc.gov.vn
Tìm kiếm