BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Khó nhận diện công chức “cắp ô”

26/11/2014 15:03

Góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức viên chức (CBCC), nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho rằng: Dù Nghị định quy định khá chi tiết quy trình đánh giá cán bộ nhưng rất khó để tìm ra công chức "sáng cắp ô đi tối cắp ô về” trong nền công vụ.

 

 
Ông Vũ Mão nhấn mạnh với Đại Đoàn Kết: "Tôi cho rằng, Bộ Nội vụ đã rất công phu trong việc soạn thảo Nghị định với mong muốn cải thiện chất lượng đánh giá CBCC. Đây là việc làm có trách nhiệm, nhưng tôi chưa thật tin tưởng việc ban hành Nghị định này sẽ có hiệu quả thiết thực”.

PV: Vì sao ông lại nghĩ như vậy, thưa ông?
 
Ông VŨ MÃO: Chúng ta đang hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, có nghĩa là hệ thống pháp luật của chúng ta phải hoàn thiện, hoàn chỉnh. Lâu nay chúng ta thường phê phán rằng rất nhiều luật được ban hành chỉ là luật khung, luật ống, phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn thì luật mới thi hành được. Đấy là điều rất không hay. Luật CBCC đã qua nhiều lần sửa đổi nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống, trong đó có cả phần đánh giá CBCC. Vậy thì, ta phải tìm rõ lý do tại sao luật không vào cuộc sống. Phải tìm ra bệnh mới chữa được bệnh. 

Thời gian qua, nhiều người nhận định rằng công chức "cắp ô” chiếm trên 30% nhưng tổng kết việc đánh giá thì chưa tới 1%. Vậy, phải truy xét đến cùng 2 con số này con số nào đúng mới tìm ra giải pháp đúng và trúng. 

Không chỉ yếu ở khâu đánh giá CBCC, mà đối với công tác cán bộ nói chung tôi cho rằng còn rất nhiều khâu yếu. Việc thi tuyển đầu vào có đúng không, lại có chuyện tiến sĩ du học ở Pháp về thông thạo mấy thứ tiếng mà vẫn trượt công chức. Rõ ràng, quy định về tiêu chí lựa chọn cán bộ vẫn trọng bằng cấp coi nhẹ hiệu quả công việc. Hay như tình hình biên chế cũng vậy, bao nhiêu năm rồi quyết tâm tinh giản nhưng rút cục biên chế lại phình to. Phải tìm ra lý do tại sao bộ máy lại phình to khiến chi thường xuyên tăng chóng mặt như vậy. Tất nhiên, trước những thực trạng đó, cần phải tìm ra giải pháp nhưng không vì sốt ruột mà cắt khúc ra, chỉ xem xét vấn đề đánh giá CBCC trong một Nghị định thì sẽ khó đem lại hiệu quả. Rõ ràng, để xử lý những vấn đề liên quan đến công tác cán bộ phải thực hiện ở tầm lớn hơn. 

Ông có thể nói rõ hơn việc đánh giá cán bộ, công chức ở tầm lớn hơn là như thế nào?

- Có mấy vấn đề cần giải quyết: Một là, Đảng có vai trò quyết định trong công tác cán bộ. Vì thế cần bổ sung những quy định về mối quan hệ giữa tổ chức Đảng với tổ chức chính quyền tương ứng trong việc đánh giá cán bộ, công chức. 

Hai là, Luật CBCC cần được tổng kết, trên cơ sở đó sửa đổi và bổ sung để cho luật hoàn chỉnh hơn, đặc biệt trong đó vấn đề đánh giá CBCC. Như thế, không nhất thiết phải có Nghị định về vấn đề này mà mọi việc sẽ được triển khai theo Luật CBCC.

Nói về lý do ban hành Nghị định này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn có đề cập đến chuyện đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Ý kiến của ông về quy định này?

-Việc đánh giá không thực chất cũng có lý do là chưa quy trách nhiệm cho người đứng đầu nhưng để giao toàn quyền đánh giá cho thủ trưởng liệu có ổn không, có lo ngại mất tính dân chủ không. Trong khi đó những lo ngại về lợi ích nhóm, tư duy duy tình của người Việt vẫn hiện hữu trong nhiều loại đánh giá. Cá nhân tôi cho rằng, đánh giá cán bộ phải thể hiện được tính dân chủ và tập trung. Có nghĩa là, cá nhân tự nhận xét, tập thể cho ý kiến, người đứng đầu là người đưa ra ý kiến kết luận. Tuy nhiên, dù có Nghị định hay không thì vấn đề quan trọng là thủ trưởng phải là tấm gương về đạo đức, tài năng, về sự công tâm và trách nhiệm với công việc sẽ đưa ra nhận xét đúng đắn nhất với từng cán bộ, công chức trong đơn vị của mình. 

Thưa ông, làm thế nào để tránh bệnh duy tình trong đánh giá cán bộ?

- Ở đây phải coi trọng vấn đề kỷ cương phép nước. Điều này ta phải học hỏi một số nước trên thế giới để từng bước xóa căn bệnh duy tình. Muốn làm được điều này thì các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành phải quy định rõ hơn, cụ thể hơn. Theo cá nhân tôi, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng nên dù sửa luật hay không sửa luật mà người đứng đầu vô cảm, vô trách nhiệm, không đi đến cùng thì việc đánh giá sẽ không tránh được bệnh hình thức. 

Nếu những cố gắng của chúng ta vượt lên trên tầm suy nghĩ hiện thời (về việc chỉ ra một Nghị định về đánh giá cán bộ, công chức) thì có thể đạt tới niềm tin rằng, sẽ khắc phục được hiện tượng đánh giá như lâu nay là không thực chất, CBCC làm việc kếm hiệu quả nhưng kết quả đánh giá cuối năm rất khó tìm được ai trong đơn vị là công chức "cắp ô” cả.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo http://daidoanket.vn/
Tìm kiếm