BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Khảo sát và trao đổi kinh nghiệm về công tác thi đua, khen thưởng tại Hungary

17/10/2023 15:53

Thực hiện Chương trình công tác, từ ngày 25/9/2023 đến ngày 30/9/2023, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức đoàn nghiên cứu, học tập, khảo sát và trao đổi kinh nghiệm về công tác thi đua, khen thưởng tại Hungary.

Đoàn gồm 5 thành viên do đồng chí Phó Trưởng ban Phạm Đức Toàn làm Trưởng đoàn, đồng chí Ngô Thị Việt Hà, Phó Trưởng Phòng II làm Phó Trưởng đoàn và 3 thành viên trong đoàn, gồm: Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Mai, chuyên viên chính Phòng III; Đỗ Phương Quý, chuyên viên chính Phòng Pháp chế - Thanh tra; Nguyễn Quang Nam, chuyên viên Văn phòng Ban.

Đoàn đã đến làm việc tại 5 cơ quan, đơn vị: Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary; các cơ quan cấp trung ương: Văn phòng Thủ tướng, Văn phòng Quốc hội, Bảo tàng quốc gia Hungary, nơi trưng bày các hiện vật khen thưởng của Nhà nước Hungary từ năm 1922 đến nay; cơ quan cấp địa phương: Ủy ban Quận IV thuộc thành phố Budapest.

Về nội dung, kết quả

1. Tại Đại sứ quán Việt Nam

Đón tiếp và làm việc với Đoàn có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam Nguyễn Thị Bích Thảo, ông Lê Trọng Hà, Tham tán và các cán bộ chủ chốt của Đại sứ quán. Tại đây, Đoàn được tìm hiểu về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Hungary, mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hungary. Theo đó, Đoàn đã nắm bắt thông tin tổng quan về đất nước Hungary.

Đoàn làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary
Đoàn làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary

2. Tại Văn phòng Thủ tướng

Tiếp và làm việc với Đoàn có: Bà Gabriella Bali, Phó Quốc vụ khanh (tương đương Thứ trưởng) cùng 2 Vụ trưởng là bà Tunde Folk, Vụ trưởng Vụ Khen thưởng và ông Vekony David, Vụ trưởng Vụ Pháp luật. Tại đây, Đoàn được nghiên cứu, tìm hiểu về đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ khen thưởng cấp Nhà nước của Hungary; cụ thể như sau:

Đoàn công tác làm việc tại Văn phòng Thủ tướng Hungary

a) Khái quát về khen thưởng của Hungary:

Hungary có Luật Khen thưởng từ năm 2011, sửa đổi bổ sung năm 2013 và 2022. Trước khi có Luật Khen thưởng, Hungary đã có nhiều hình thức khen thưởng cấp nhà nước. Cụ thể:

Năm 1922, Hungary có Huân chương Chữ thập, Huân chương Công đức với 5 hạng, từ hạng 1 đến hạng 5. Huân chương hạng Nhất được trao cho những người cấp cao, bộ trưởng, các tướng lĩnh và các chức sắc cao nhất giáo hội. Huân chương hạng Nhì tặng cho bộ trưởng, đại sứ, giám mục, tướng lĩnh, các thành viên cấp cao của chính quyền và tư pháp, các nhân vật nổi bật trong lĩnh vực văn hóa, khoa học. Huân chương hạng Ba để tặng cho các vận động viên có thành tích xuất sắc, các giáo sư, cố vấn, các thành viên giáo sĩ, tu viện trưởng, giám mục, giám đốc các công ty có tầm quan trọng quốc gia… Huân chương hạng Tư tặng cho các thư ký chính quyền địa phương, giáo viên, bác sĩ, giáo sĩ. Huân chương hạng Năm để tặng cho các hạ sĩ quan. Bên cạnh huân chương, Hungary còn có Huy chương Vàng, Huy chương Bạc và Huy chương Đồng để tặng cho những nhân viên có cấp bậc thấp hơn.

Năm 1939, Hungary có Huân chương Công đức Hungary với biểu tượng chữ thập lớn và vương miện thánh để dành tặng chủ yếu cho người nước ngoài như một nghi thức ngoại giao. Ngoài ra, còn có các Huân chương Thập tự sĩ quan Hungary, Huân chương Thập tự của Tư lệnh Hungary, Huân chương Hiệp sĩ Hungary, Huy chương dũng cảm để tặng cho các sĩ quan, tướng lĩnh.

Sau Thế chiến thứ hai, Hungary đã ban hành Đạo luật XXI quy định: Huân chương Công trạng Hungary và Huân chương Công trạng chữ thập để tặng cho các công dân, sĩ quan Hungary và người nước ngoài có những đóng góp xuất sắc trong việc thúc đẩy lợi ích của Hungary độc lập và dân chủ. Huân chương Công trạng Hungary được chia thành năm hạng (1, 2, 3, 4, 5) và Huân chương Công trạng chữ thập được chia thành 3 hạng (Vàng, Bạc, Đồng).

Năm 1991, Hungary ban hành đạo luật XXXI đổi tên Huân chương Công trạng thành Huân chương Thập tự giá của Hungary, quy định: Huân chương để ghi nhận những hoạt động xuất sắc và mẫu mực trong việc thúc đẩy lợi ích của đất nước và làm phong phú các giá trị nhân loại phổ quát.

Năm 2011, Luật Khen thưởng CCII của Hungary, bao gồm các quy định về việc sử dụng quốc huy, quốc kỳ, các biểu trưng quốc gia và khen thưởng cấp Nhà nước được ban hành.

b) Các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước của Hungary theo Luật Khen thưởng được ban hành CCII năm 2011 và Luật XLIX năm 2023 về Giải thưởng Corvin và Hội đồng xét Giải thưởng Corvin.

*Các hình thức khen thưởng

Huân chương Thánh Stephano: Là Huân chương cao quý nhất của Hungary, dành tặng cho các cá nhân có công lao đặc biệt to lớn đối với Hungary, những cá nhân có những đóng góp xuất sắc trong cuộc sống, mang lại những giá trị quan trọng trên trường quốc tế vì lợi ích của Hungary. Mỗi năm, Tổng thống Hungary trao tặng tối đa 3 Huân chương Thánh Stephano. Huân chương Thánh Stephano thường dành tặng cho Tổng thống, Thủ tướng Hungary hoặc gần đây trao tặng cho một số cá nhân có thành tích đặc biệt, đóng góp to lớn cho đất nước, có phạm vi ảnh hưởng toàn thế giới trong các lĩnh vực.
Giải thưởng Corvin: Là giải thưởng cao quý, dành tặng cho các cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật. Cùng 1 thời điểm, chỉ có 15 cá nhân được trao tặng Giải thưởng Corvin. 15 cá nhân này tạo thành một Hội đồng để tham mưu xét chọn những cá nhân được đề cử nhận giải thưởng Corvin. Mỗi cá nhân được trao Giải thưởng sẽ được khắc tên trên hiện vật của Giải thưởng. Khi Giải thưởng khắc đủ 4 tên người được nhận Giải thưởng lên hiện vật (chuỗi vòng Corvin) thì sẽ được bảo quản, lưu trữ vĩnh viễn. Khi một trong 15 cá nhân đã được trao tặng không còn thì mới trao tặng để bổ sung người mới từ trong danh sách đã được duyệt.

Huân chương Danh dự Hungary: Nhằm ghi nhận sự phục vụ xuất sắc của cá nhân hoặc những hành động anh hùng của cá nhân vì lợi ích của quốc gia Hungary. Hàng năm, Tổng thống Hungary trao tặng tối đa 15 Huân chương Danh dự Hungary.
Huân chương Công trạng Hungary: Gồm Huân chương Công trạng Thánh giá lớn; Huân chương Công trạng Thánh giá Tư lệnh, Huân chương Công trạng Thánh giá chỉ huy, Huân chương công trạng sĩ quan, Huân chương Công trạng hiệp sĩ. Chủ yếu dành cho lực lượng vũ trang. Hằng năm, Tổng thống Hungary trao tặng không quá 5 Huân chương Công trạng Thánh giá lớn, 20 Huân chương Công trạng Thánh giá Tư lệnh, 40 Huân chương Công trạng Thánh giá chỉ huy, 140 Huân chương Công trạng sĩ quan, 300 Huân chương Công trạng hiệp sĩ.

Huân chương Chữ thập Hungary: Gồm Huân chương Chữ thập Vàng, Huân chương Chữ thập Bạc, Huân chương Chữ thập Đồng. Huân chương Chữ thập Hungary tặng cho các cá nhân để ghi nhận những hoạt động xuất sắc, mẫu mực của cá nhân đó trong phục vụ đất nước góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước và các giá trị nhân loại. Hàng năm, Tổng thống Hungary trao tặng không quá 250 Huân chương Chữ thập Vàng, 250 Huân chương Chữ thập Bạc, 250 Huân chương Chữ thập Đồng.
*Nguyên tắc xét khen thưởng:
- Không khen thưởng cho tập thể, chỉ khen thưởng cho cá nhân
- Không truy tặng (chỉ khen thưởng đối với người còn sống)
- Mang tính chất tưởng thưởng, cá nhân được nhận hình thức khen thưởng không có tiền thưởng kèm theo (trừ Giải thưởng Corvin)
- Ai cũng có quyền đề cử người khác, nếu thấy xứng đáng; nhưng không được đề cử khen thưởng cho bản thân và người thân
- Cá nhân chỉ được nhận một mức hạng Huân chương một lần
- Cá nhân đã được nhận hình thức khen thưởng cấp nhà nước thì trong vòng 10 năm sau mới được đề cử hình thức khen thưởng nhà nước và phải chứng minh được thành tích nổi bật, vượt trội hơn thành tích đã được ghi nhận tại hình thức trước.
- Không tặng hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cho cá nhân đã bị kết án vì phạm tội, bất kể người đó có được miễn trừ hậu quả pháp lý hay không (trừ trường hợp đặc biệt xứng đáng được công nhận).
Trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong công tác khen thưởng
- Trách nhiệm của các cơ quan:
+ Ủy ban Khen thưởng Quốc gia: Có trách nhiệm tổng hợp và xét từng trường hợp đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước. Ủy ban gồm 1 Phó Thủ tướng là Chủ tịch Ủy ban và các ủy viên. Các ủy viên Ủy ban gồm các Bộ trưởng, 1 Vụ trưởng Vụ khen thưởng và 1 cá nhân đại diện Văn phòng Tổng thống.
+ Các bộ: Chịu trách nhiệm thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ qua Ủy ban Khen thưởng Quốc gia để xét, trình Tổng thống khen thưởng cấp nhà nước. Đây là bộ lọc về chuyên môn (các cá nhân, cơ quan, tổ chức đề cử đều phải thông qua bộ lọc này để xem xét, đánh giá uy tín và mức độ thành tích của cá nhân với hình thức khen thưởng đề nghị). Các bộ có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ nhằm mục đích chuẩn bị trao tặng và tránh trao tặng huân chương nhiều lần cho 1 cá nhân. Các bộ có bộ phận giúp việc cho Bộ trưởng về công tác khen thưởng.
+ Vụ Khen thưởng trực thuộc Văn phòng Thủ tướng: Có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ đề nghị khen thưởng; kiểm tra lý lịch tư pháp của các cá nhân được đề nghị khen thưởng cấp nhà nước, trực tiếp giúp việc cho Ủy ban Khen thưởng Quốc gia.
+ Bộ phận giúp việc tại Văn phòng Tổng thống: Có trách nhiệm đối chiếu những đề nghị khen thưởng của Thủ tướng với Luật Khen thưởng để tham mưu cho Tổng thống ban hành quyết định khen thưởng.
+ Hội đồng xét Giải thưởng Corvin: Có trách nhiệm tham gia ý kiến trong việc xem xét thành tích của các cá nhân được đề cử trước khi báo cáo lên Ủy ban Khen thưởng Quốc gia. Hội đồng gồm 15 người đã được trao tặng Giải thưởng Corvin. Người đứng đầu Hội đồng xét Giải thưởng Corvin do Tổng thống bổ nhiệm.
*Quyền và trách nhiệm của cá nhân được khen thưởng:
+ Quyền của cá nhân: Được giữ giải thưởng suốt đời (trừ Giải thưởng Corvin phải trả lại sau khi mất vì Giải thưởng Corvin được coi là tài sản quốc gia); được đeo giải thưởng vào các ngày lễ quốc gia và địa phương. Được tham gia các sự kiện cấp nhà nước trong các ngày lễ quốc gia và địa phương với tư cách khách mời.
+ Trách nhiệm: Cung cấp Sơ yếu lý lịch và thành tích xuất sắc được đề cử khen thưởng của cá nhân; cam kết đồng ý việc được đề cử và sẽ nhận hình thức khen thưởng cấp nhà nước nếu được duyệt; cho phép các cơ quan cập nhật vào cơ sở dữ liệu cá nhân để tìm hiểu thành tích và đồng ý chia sẻ thông tin cá nhân, những thành tích xuất sắc của cá nhân để tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng.
*Quy trình, thủ tục khen thưởng
- Quy trình, thủ tục khen thưởng đối với Huân chương Thánh Stephano, Huân chương Danh dự Hungary, Huân chương Công trạng Hungary và Huân chương Công trạng Chữ thập Hungary.
+ Bất cứ cá nhân, tổ chức nào của Hungary cũng có quyền được đề cử khen thưởng cấp Nhà nước cho các cá nhân mà họ thấy xứng đáng và gửi tới các Bộ trưởng phụ trách các ngành, lĩnh vực. Thủ tục gồm: Sơ yếu lý lịch và bản báo cáo thành tích của người được đề cử khen thưởng (báo cáo thành tích từ 3 - 4 trang)
+ Các bộ trưởng xem xét thành tích của các cá nhân được đề cử khen thưởng cấp Nhà nước, đối chiếu với các quy định của Luật khen thưởng. Nếu thấy xứng đáng thì gửi về Ủy ban Khen thưởng Quốc gia.
+ Ủy ban Khen thưởng Quốc gia: Thực hiện xét khen với từng trường hợp đề nghị khen thưởng và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét, trình Tổng thống khen thưởng cho các cá nhân.
+ Vụ Khen thưởng kiểm tra lý lịch tư pháp của các cá nhân được đề nghị khen thưởng cấp nhà nước.
+ Thủ tướng ký tờ trình trình Tổng thống khen thưởng
+ Tổng thống ban hành quyết định khen thưởng.
+ Văn phòng Tổng thống đăng công báo các trường hợp được khen thưởng.
- Quy trình, thủ tục khen thưởng đối với Giải thưởng Corvin:
+ Bất cứ cá nhân, tổ chức nào của Hungary cũng có quyền được đề cử Giải thưởng Corvin cho các cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật mà họ thấy xứng đáng và gửi tới Hội đồng xét Giải thưởng Corvin. Thủ tục gồm: Sơ yếu lý lịch và bản báo cáo thành tích của người được đề cử khen thưởng (báo cáo thành tích từ 3 - 4 trang)
+ Hội đồng xét Giải thưởng Corvin thực hiện xét với từng trường hợp. Với những cá nhân có thành tích xứng đáng thì Hội đồng gửi tới các Bộ trưởng phụ trách các ngành, lĩnh vực.
+ Các bộ trưởng xem xét thành tích của các cá nhân được đề cử giải thưởng Corvin. Nếu thấy xứng đáng thì gửi về Ủy ban Khen thưởng Quốc gia.
+ Ủy ban Khen thưởng Quốc gia: Thực hiện xét khen với từng trường hợp đề nghị khen thưởng và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét, trình Tổng thống khen thưởng cho các cá nhân.
+ Vụ Khen thưởng kiểm tra lý lịch tư pháp của các cá nhân được đề nghị khen thưởng cấp nhà nước.
+ Thủ tướng ký tờ trình trình Tổng thống khen thưởng
+ Tổng thống ban hành quyết định khen thưởng.
+ Văn phòng Tổng thống đăng công báo các trường hợp được khen thưởng.
Bên cạnh việc khen thưởng nêu trên còn có những quy định khác như: Không có quy định về việc hủy quyết định khen thưởng và thu hồi hiện vật khen thưởng (có thể kêu gọi tự nguyện trả lại hiện vật). Tổng thống chỉ quyết định khen thưởng những trường hợp do Thủ tướng trình. Quyết định khen thưởng có chữ ký của cả đại diện Văn phòng Thủ tướng để xác nhận việc trình. Văn phòng Tổng thống có thể trả lại Tờ trình không đảm bảo yêu cầu, nhưng thực tế chưa xảy ra. Số lượng khen thưởng cấp nhà nước rất ít, mang tính danh dự rất cao, không đi kèm tiền thưởng hay ưu đãi nào và được trao những dịp trang trọng. Số lượng người được tặng thưởng Giải thưởng Corvin không được quá 15 người cùng lúc. Giải thưởng Corvin chỉ được trao tặng khi có một người đã được nhận giải thưởng qua đời, bị cấm hành nghề hoặc từ chối Giải thưởng. Việc từ chối Giải thưởng thực hiện khi cá nhân đó có văn bản gửi tới Văn phòng xét Giải thưởng Corvin.
c) Trao tặng các hình thức khen thưởng
- Huân chương Thánh Stephano, Giải thưởng Corvin và Huân chương Danh dự Hungary: Được Tổng thống trao tặng vào 2 dịp trọng thể của đất nước: ngày 15/3 (ngày lễ quốc gia) và 20/8 (ngày Quốc khánh Hungary).
- Các hình thức khen thưởng còn lại: Tổng thống ủy quyền cho các Bộ hay các cơ quan liên quan tổ chức trao tặng.

3. Tại Văn phòng Quốc hội

Đoàn làm việc tại Văn phòng Quốc hội
Đoàn làm việc tại Văn phòng Quốc hội

Đoàn làm việc với bà Dukan Ildiko, Vụ trưởng Vụ Pháp luật thuộc Cục Xây dựng pháp luật, Văn phòng quốc hội Hungary và ông Vladár Zsolt, chuyên viên chính Vụ Pháp luật, Cục Xây dựng pháp luật Văn phòng Quốc hội Hungary. (Văn phòng Quốc hội có 4 Cục lớn, trong đó Cục Xây dựng pháp luật có Vụ Pháp luật).  Trong buổi làm việc, Đoàn được nghiên cứu, tìm hiểu về quy trình lập pháp nói chung và đặc biệt là quy trình các bước ban hành Chương trình xây dựng luật, quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật Khen thưởng, Luật Giải thưởng Corvin và các hình thức khen thưởng của Văn phòng Quốc hội; cụ thể như sau:

a) Quy trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật Khen thưởng và Luật Giải thưởng Corvin.
Công tác khen thưởng của Hungary được điều chỉnh bởi 2 luật: Luật Khen thưởng và Luật Giải thưởng Corvin.
Bất kỳ Nghị sĩ (đại biểu Quốc hội) nào cũng đều có quyền sáng kiến lập pháp, đưa ra đề nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung luật. Cũng như các luật khác, Luật Khen thưởng và Luật Giải thưởng Corvin được đưa vào Chương trình xây dựng và thông qua luật qua 4 giai đoạn:
- Bước 1: Thảo luận về sự cần thiết xây dựng, sửa đổi, bổ sung luật:
Sau khi có đề nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung luật, Ủy ban Tư pháp (trong trường hợp đối với Luật Khen thưởng) hoặc Ủy ban Văn hóa (đối với Luật Giải thưởng Corvin) lập hồ sơ xây dựng luật gồm: Giải trình sự cần thiết, kèm dự thảo luật. Khi có hồ sơ dự án luật, Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể và đề nghị các đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến vào dự thảo luật.
- Bước 2: Tiếp thu, chỉnh sửa.
Ủy ban Tư pháp (hoặc Ủy ban Văn hóa) tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội vào dự thảo luật, trình Quốc hội. Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định có nên xây dựng hay sửa đổi, bổ sung luật không.
- Bước 3: Thảo luận tại Ủy ban Xây dựng Pháp luật của Quốc hội.
- Bước 4: Phiên họp toàn thể Quốc hội, bỏ phiếu quyết định thông qua luật. Đối với Luật Khen thưởng, chỉ cần trên 50% Nghị sĩ biểu quyết đồng ý thông qua thì luật sẽ được ban hành. Tuy nhiên, Luật Giải thưởng Corvin được xác định là luật quan trọng, mang tính rường cột quốc gia nên phải có 2/3 Nghị sĩ biểu quyết đồng ý thì Luật Giải thưởng Corvin mới được ban hành.
Tại các giai đoạn xây dựng và thông qua luật của Quốc hội đều có sự tham gia của đại diện Chính phủ. Đặc biệt, tại bước 4, Phiên họp toàn thể của Quốc hội, các Bộ trưởng đều được tham dự.
Thể hiện xuyên suốt trong Luật Khen thưởng và Luật Giải thưởng Corvin là giá trị tinh thần (không kèm lợi ích vật chất hay đặc quyền ưu đãi nào). Tất cả các cá nhân có đóng góp lớn, thành tích xuất sắc thì đều được khen thưởng. Các bộ có trách nhiệm xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét và trình Tổng thống khen thưởng. Trong các quyết định khen thưởng cấp Nhà nước có chữ ký của Tổng thống và chữ ký xác nhận của đại diện Văn phòng Thủ tướng để thể hiện trách nhiệm của cơ quan trình khen thưởng.

b) Về khen thưởng của Quốc hội

Cũng như các cơ quan, tổ chức khác, Quốc hội Hungary có hình thức khen thưởng trong nội bộ (không phải khen thưởng cấp nhà nước) để tặng cho công chức và nhân viên của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Hungary tặng thưởng Giải thưởng Lajos Nasvay và Giải thưởng Károly Hajnik.
- Giải thưởng Lajos Nasvay để vinh danh các công chức và nhân viên của Quốc hội có thời gian công tác từ 15 năm trở lên, có thành tích xuất sắc làm việc tại Văn phòng Quốc hội và hỗ trợ hoạt động của các Nghị sĩ quốc hội. Hằng năm, Chủ tịch Quốc hội tặng 1 Giải thưởng Lajos Nasvay cho công chức, nhân viên xuất sắc nhất.
- Giải thưởng Károly Hajnik để vinh danh các công chức và nhân viên của Quốc hội có thời gian công tác từ 5 năm trở lên, có thành tích xuất sắc làm việc tại Văn phòng Quốc hội và hỗ trợ hoạt động của các Nghị sĩ quốc hội. Hằng năm, Chủ tịch Quốc hội tặng tối đa 8 Giải thưởng Károly Hajnik.
Giải thưởng sẽ được Chủ tịch Quốc hội trao hàng năm vào ngày diễn ra phiên họp đầu tiên của Quốc hội (ngày 8/10). Cá nhân khi được trao Giải thưởng sẽ được nhận một Bằng giải thưởng, 1 Giấy chứng nhận và mức thưởng gấp 3 lần mức lương theo quy định.

4. Tại Ủy ban Quận IV, thành phố Budapest

Tiếp và làm việc với Đoàn là ông Czigler László, Phó Chủ tịch Quận. Trong buổi làm việc, Đoàn công tác được nghiên cứu, tìm hiểu về đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ khen thưởng khen thưởng của cấp địa phương nói chung và của Quận IV nói riêng; cụ thể như sau:

Đoàn làm việc tại Văn phòng Quốc hội
Đoàn làm việc tại Văn phòng Quốc hội

a) Các hình thức khen thưởng ở Quận IV

Cũng như các địa phương khác, Quận IV có hình thức khen thưởng cấp địa phương (không phải khen thưởng cấp nhà nước). Gồm 3 hình thức:
- Công dân danh dự: Một năm Quận trao 1-2 danh hiệu Công dân danh dự
- Giải thưởng của Quận: Một năm Quận trao 3-4 Giải thưởng
- Bằng khen của Quận: Một năm Quận trao 5-6 Bằng khen

b) Về quy trình đề cử và xét khen thưởng

- Bất cứ cá nhân, tổ chức nào của Quận IV cũng có quyền được đề cử khen thưởng cấp Quận cho các cá nhân mà họ thấy xứng đáng và gửi tới Quận. Thủ tục gồm: Sơ yếu lý lịch và bản báo cáo thành tích của người được đề cử khen thưởng (báo cáo thành tích từ 3 - 4 trang).
- Chủ tịch Quận IV sẽ xem xét thành tích của các cá nhân được đề cử khen thưởng, đối chiếu với các quy định khen thưởng của Quận. (có bộ phận chuyên môn tham mưu về công tác khen thưởng)
- Nếu thấy xứng đáng thì Chủ tịch Quận trình Hội đồng Quận xem xét, khen thưởng
- Hội đồng Quận xem xét, với sự giúp việc của Ban khen thưởng. Ban khen thưởng gồm các thành viên là thành viên Hội đồng, các chuyên gia ở các chuyên ngành khác nhau để xem xét, tham mưu quyết định.
- Hội đồng Quận ban hành quyết định khen thưởng. 

c) Nguyên tắc khen thưởng

- Không khen cho tập thể, chỉ khen cho cá nhân
- Không thu hồi hiện vật khen thưởng
- Không có tiền thưởng
- Không nhất thiết khen ở cấp dưới mới khen ở cấp trên; trong một số trường hợp, thành phố Budapest đã khen nhưng Quận IV thấy thành tích xứng đáng vẫn có thể khen với cùng thành tích đó.
- Đối với công chức, nhân viên thuộc các đơn vị trực thuộc Quận có thể nhận khen thưởng Giấy khen của Quận để biểu dương những thành tích, đóng góp của cá nhân trong công tác (thực hiện theo quy trình trong nội bộ của cơ quan, đơn vị).
- Việc trao thưởng diễn ra kết hợp với những sự kiện quan trọng, sự kiện văn hóa lớn của thành phố, của quận, ngày truyền thống…

5. Tại Bảo tàng quốc gia Hungary

Tại Bảo tàng Quốc gia Hungary, Đoàn được nghe giới thiệu và nghiên cứu, tìm hiểu thông tin, hình ảnh, hiện vật tại phòng trưng bày các hiện vật khen thưởng của Nhà nước Hungary từ năm 1922 đến nay.

Nguồn: banthiduakhenthuongtw.gov.vn
Tìm kiếm