BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Khẳng định vị thế Việt Nam trong dòng chảy thời đại

02/01/2025 11:41

Năm 2024 ghi nhiều dấu ấn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, là năm có những chuyển động mạnh mẽ, tích cực, tạo ra luồng gió mới trong hầu hết các hoạt động của đời sống xã hội, tạo tiền đề quan trọng để cả nước bứt phá, tăng tốc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới ngay sau Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Nhân dịp đón Năm mới 2025, Chủ tịch nước Lương Cường đã dành thời gian trả lời phỏng vấn báo chí.

Chủ tịch nước Lương Cường - Ảnh: qdnd.vn

Phóng viên: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã triển khai thực hiện mạnh mẽ chủ trương cải cách tư pháp. Xin Chủ tịch nước cho biết những đóng góp của công tác cải cách tư pháp trong thành tựu phát triển kinh tế, xã hội chung của đất nước và những giải pháp để góp phần tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa?

Chủ tịch nước Lương Cường: Cải cách tư pháp là một nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng; là xu thế tất yếu, liên tục nhằm thích ứng với sự thay đổi của tình hình, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những năm qua, nền tư pháp nước ta đã có những bước phát triển tích cực, đạt kết quả quan trọng trên các mặt; đã thể chế hóa các chủ trương về đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt bằng tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm; áp dụng mức án nhẹ hơn đối với người chưa thành niên phạm tội; hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; khắc phục tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế và bỏ lọt tội phạm, người phạm tội; hoàn thiện các quy định về xóa án tích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án sớm tái hòa nhập cộng đồng. Việc hoàn thiện pháp luật dân sự đã góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng; tạo sự công bằng trong các quan hệ dân sự, kinh tế cũng như giải quyết vụ việc dân sự.

Pháp luật về tố tụng tư pháp được hoàn thiện theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi và tăng khả năng tiếp cận công lý của người dân, khắc phục tình trạng oan, sai trong hoạt động tố tụng. Mới đây, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự khi chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện; về nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục rút gọn, kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp. Quốc hội đã thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật thân thiện, bảo vệ trẻ em; việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án đã tạo một phương thức giải quyết tranh chấp mới nhưng không phải mở phiên tòa, góp phần giải quyết các xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ dân sự, hành chính một cách thân thiện, giữ gìn đoàn kết trong nhân dân; cùng với đó là các Nghị quyết về xét xử trực tuyến; về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự…

Tổ chức, hoạt động các cơ quan tư pháp không ngừng được đổi mới, hoàn thiện, hiệu lực, hiệu quả hơn; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được chú trọng, nâng cao. Công tác đặc xá được quan tâm thực hiện. Từ năm 2021 đến nay Chủ tịch nước đã đặc xá cho 9.236 phạm nhân, khẳng định chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước... Những kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Chủ tịch nước Lương Cường làm việc với Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương - Ảnh: TTXVN

Thời gian tới, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; phấn đấu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, công tác cải cách tư pháp phải tiếp tục được đẩy mạnh, hiệu quả hơn nữa để phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc; tiến hành đồng bộ với đổi mới công tác lập pháp, đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước và cải cách hành chính, trong đó:

- Hệ thống pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng theo hướng dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, bám sát thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; pháp luật về người chưa thành niên; tiến hành nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật và xem xét trách nhiệm ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng; về cơ chế khởi kiện vụ án hành chính để tòa án phán quyết trường hợp cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng pháp luật gây thiệt hại lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước; về rà soát, đánh giá pháp luật liên quan đến hình phạt tử hình và thi hành án tử hình để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp theo hướng nghiên cứu giảm bớt tội danh áp dụng hình phạt tử hình; nâng cao hơn nữa công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân, bảo đảm, bảo vệ tốt hơn quyền con người đối với người chấp hành án.

- Quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có công tác cải cách tư pháp, phải phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; xây dựng ý thức, lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong xã hội; thực hiện tốt nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, quyền công dân gắn liền với nghĩa vụ công dân; khắc phục triệt để tình trạng oan, sai trong tố tụng; bảo đảm an toàn, thông thoáng, công bằng trong các quan hệ dân sự, mở đường cho đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các cấp. Nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025, Đảng, Nhà nước sẽ tiến hành đặc xá các phạm nhân cải tạo tốt.

Đại diện Phái đoàn Việt Nam phát biểu tại sự kiện thông qua Công ước Hà Nội

Phóng viên: Trong năm 2024, chúng ta tiếp tục có những hoạt động đối ngoại quan trọng nâng cao vị thế của đất nước, đến nay Việt Nam đã có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 9 nước, trong đó có 4/5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Xin Chủ tịch nước chia sẻ những định hướng cho công tác đối ngoại năm 2025?

Chủ tịch nước Lương Cường: Nhìn lại những chuyển biến phức tạp, sâu rộng ở khu vực và trên thế giới trong năm 2024 mới thấy rằng nền đối ngoại - ngoại giao Việt Nam, trên cơ sở nguyên tắc kiên định sự lãnh đạo của Đảng, gắn kết chặt chẽ giữa ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân đã góp phần mở ra cục diện đối ngoại mới, rộng mở, thuận lợi chưa từng có cho Việt Nam. Đối ngoại - ngoại giao Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, góp phần tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; phục vụ đắc lực cho phát triển và nâng cao vị thế, uy tín và tầm vóc mới của đất nước. Trong quan hệ với bạn bè láng giềng, truyền thống, các đối tác chủ chốt, quan trọng, cả ở bình diện song phương và đa phương, tiếp nối kinh nghiệm, thành quả của các thế hệ đi trước, “câu chuyện Việt Nam” ngày càng được thế giới quan tâm, được đón nhận với sự ngưỡng mộ, khâm phục và thiện cảm của bạn bè quốc tế. Sự kiện Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24/12/2024 đồng thuận thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về chống tội phạm mạng với tên gọi “Công ước Hà Nội” - một vấn đề thời sự của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, sẽ được mở ký tại Hà Nội trong năm 2025, một lần nữa khẳng định vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, cũng như sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và thực chất của chúng ta trước những vấn đề toàn cầu. Cùng với đó, ngoại giao kinh tế, kinh tế đối ngoại phát triển mạnh mẽ, góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, cũng như thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, thông tin đối ngoại… đã làm đậm nét và lan tỏa thêm hình ảnh một Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới. Đối ngoại - ngoại giao Việt Nam với tâm thế mới, diện mạo mới và tư duy mới, tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trước những biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, nhiệm vụ của đối ngoại trong năm 2025 cũng như thời gian tới là tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, định vị Việt Nam trong dòng chảy của thời đại, thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi cho rằng đối ngoại - ngoại giao Việt Nam trong năm nay cần:

Một là, phát huy vai trò trọng yếu, thường xuyên cùng các lực lượng khác giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; chủ động, tích cực ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Để làm được điều này, đối ngoại - ngoại giao Việt Nam cần bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, thấm nhuần và vận dụng sáng tạo phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” và nghệ thuật ngoại giao tâm công của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “thuyết phục người, chinh phục người, tranh thủ người” bằng lẽ phải và đạo lý.

Hai là, tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong việc kết hợp chặt chẽ đối ngoại với quốc phòng, an ninh để “giữ nước từ xa, giữ nước từ khi nước còn chưa nguy”, không để bị động, bất ngờ theo phương châm “quốc phú, binh cường, nội yên, ngoại tĩnh”, “trong ấm, ngoài êm”, một bản sắc độc đáo mà ít dân tộc nào có được.

Chủ tịch nước Lương Cường dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31. Ảnh: TTXVN

Ba là, trong một thế giới mà sự phát triển của mỗi quốc gia không thể tách rời khỏi môi trường bên ngoài, đối ngoại còn có nhiệm vụ kiến tạo cơ hội, thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước. Theo đó, cần đẩy mạnh ngoại giao kinh tế và kinh tế đối ngoại trong giai đoạn tăng tốc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 với các hướng đi mới, cách làm mới đột phá. Kịp thời nhận diện và tranh thủ những động lực phát triển mới có tính dẫn dắt, những xu hướng đang định hình thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; các lĩnh vực tạo đột phá như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng xanh…; hợp tác với các trung tâm đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới đổi mới sáng tạo và chuỗi sản xuất toàn cầu…

Bốn là, với thế và lực mới, đất nước ta có điều kiện để nâng tầm đóng góp, khẳng định vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với việc tổ chức thành công các sự kiện quốc tế mà Việt Nam đăng cai, đối ngoại - ngoại giao cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, trách nhiệm quốc tế, đóng góp thiết thực, có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới. Chúng ta không chỉ chủ động, tham gia xây dựng quy định và luật lệ trong quản trị toàn cầu mà cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong những vấn đề và cơ chế quan trọng mang tầm chiến lược, phù hợp với lợi ích của ta cũng như đóng góp tích cực vào việc xây dựng trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế.

Năm là, cần phát huy hơn nữa “sức mạnh mềm” của dân tộc để lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh một đất nước đang vươn mình; không chỉ huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước mà cao hơn là kết nối Việt Nam với thế giới, vun đắp tình hữu nghị với các dân tộc khác, gia tăng vị thế, ảnh hưởng của đất nước, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề của khu vực và toàn cầu. Tiếp tục thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước ta với đồng bào ta ở nước ngoài, củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động nguồn lực, tri thức cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Cuối cùng, trong cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang diễn ra trên cả nước, đối ngoại phải xây dựng được tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp; đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực và bản lĩnh chính trị, góp phần xây dựng nền đối ngoại - ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới, tương xứng với tầm vóc của đất nước.

Chủ tịch nước Lương Cường dự Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2024. Ảnh: TTXVN

Phóng viên: Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm quốc phòng, an ninh hết sức quan trọng. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, xin Chủ tịch nước cho biết các nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới?

Chủ tịch nước Lương Cường: Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị, là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, chúng ta cần kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không ngừng gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống; trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là:

Trước hết, vấn đề then chốt, có ý nghĩa quyết định nhất là phải làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; gắn xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, với tinh gọn bộ máy bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; giữ gìn, bồi đắp mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thứ ba, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, toàn diện, bền vững. Triển khai hiệu quả các đề án, dự án về tăng cường quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trên các hướng chiến lược, địa bàn trọng điểm. Đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ; xây dựng nền công nghiệp quốc gia tự chủ, hiện đại, vững mạnh, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ tư, xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, niềm tin, ý thức trách nhiệm trong nhân dân phát triển đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ gia đình Việt Nam thời kỳ mới.

Thứ năm, tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Thứ sáu, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả. Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy” bằng biện pháp hòa bình.

Phóng viên: Nhân dịp Năm mới 2025, Chủ tịch nước có thông điệp gì gửi đến nhân dân cả nước và đồng bào ở nước ngoài?

Chủ tịch nước Lương Cường: Năm 2025 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của Đảng và dân tộc ta, nhất là kỷ niệm tròn 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và tròn 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; năm tăng tốc hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, tạo tiền đề vững chắc để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tôi mong toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu; tích cực đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, quyết tâm cao của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, sự ủng hộ, hợp tác quý báu của bạn bè quốc tế, tôi tin tưởng rằng năm 2025 sẽ tiếp tục đạt nhiều thành tựu mới to lớn hơn nữa, mở ra triển vọng tươi sáng cho tương lai đất nước.

Xuân mới 2025 sắp tới, với niềm tin và khí thế mới, tôi thân ái gửi tới mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế những tình cảm thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất - Năm mới, thắng lợi mới!

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn Chủ tịch nước!

Nguồn: ttxvn
Tìm kiếm