BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Khắc phục hạn chế trong thi tuyển công chức

09/06/2022 16:18

TPHCM đã tổ chức nhiều kỳ thi tuyển công chức để giải quyết nhu cầu nhân sự của các địa phương, đơn vị. Dù vậy, công tác này đang tồn tại một số bất cập cần tháo gỡ kịp thời như bổ sung hình thức phỏng vấn trực tiếp, nhằm tuyển chọn công chức có năng lực, năng động, sáng tạo.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển công chức khối Đảng, đoàn thể TPHCM năm 2022

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển công chức khối Đảng, đoàn thể TPHCM năm 2022


Bất cập trong quy định vị trí việc làm

Tại Hội thảo khoa học “Công tác tuyển dụng công chức của TPHCM” do Học viện Cán bộ và Sở Nội vụ TPHCM tổ chức chiều ngày 6-6, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Thái Thị Bích Liên thông tin, từ năm 2013 đến nay, thành phố đã tổ chức 4 kỳ thi tuyển công chức khối Đảng, đoàn thể và tuyển dụng hơn 1.400 công chức. Công tác tuyển dụng được thực hiện đúng quy định, yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu biên chế được giao; đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch. Song, qua các đợt thi tuyển cho thấy một số khó khăn, vướng mắc như văn bản quy định mang nội dung chung chung, thiếu định lượng; nội dung thi nặng lý thuyết, chưa có phần thi đánh giá kỹ năng chuyên biệt cho từng vị trí.

Là đơn vị tham gia thực hiện tuyển dụng công chức, ông Trần Đức Toàn, Trưởng phòng Tổ chức, Sở Tư pháp TPHCM nhận xét, việc đăng ký dự tuyển và xác định người trúng tuyển được thực hiện theo vị trí việc làm là chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn một số cơ quan, đơn vị. Chẳng hạn, tại Sở Tư pháp, hầu hết vị trí việc làm đều yêu cầu trình độ chuyên ngành đào tạo là Đại học Luật trở lên. Các thí sinh phải đăng ký thi tuyển theo từng vị trí việc làm và chỉ thí sinh đạt điểm cao nhất ở từng vị trí việc làm trúng tuyển. Thực tế là, nhiều trường hợp không trúng tuyển ở vị trí đăng ký, nhưng điểm lại cao hơn nhiều so với thí sinh trúng tuyển ở vị trí khác có cùng yêu cầu trình độ chuyên môn. 

Cùng băn khoăn về đề án vị trí việc làm trong công tác tuyển dụng, đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết, có tình trạng người chuyên môn thuộc khối xã hội và người có chuyên môn khối kỹ thuật cùng thi cạnh tranh như nhau. Mặt khác, công chức khối đoàn thể rất cần kinh nghiệm hoạt động phong trào, song, nhiều thí sinh không xuất phát từ phong trào lại trúng tuyển ở khối đoàn thể, gây khó cho công tác sau này. Do đó, các địa phương, đơn vị kiến nghị cần có cơ chế tuyển dụng chung đối với các vị trí việc làm có yêu cầu giống nhau về trình độ chuyên môn.

Bổ sung phỏng vấn trực tiếp?

Đại diện Sở Tư pháp TPHCM dẫn chứng, nhiều trường hợp được tuyển dụng, đến nhận việc nhưng lại xin thôi việc trong thời gian tập sự. Cụ thể, năm 2019, sở có 2 trường hợp như thế và phải chờ kỳ thi tuyển công chức tiếp theo để bổ sung nhân sự thay thế. Để khắc phục, Sở Tư pháp đề xuất cần bổ sung quy định cho phép người đứng đầu cơ quan có nhu cầu tuyển dụng xem xét quyết định việc trúng tuyển với người dự tuyển có kết quả tuyển dụng thấp hơn liền kề so người trúng tuyển chính thức.

Ngoài ra, lãnh đạo nhiều địa phương, đơn vị cho rằng hình thức thi hiện nay chưa đánh giá toàn diện thí sinh. TS Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM nhận xét, ngoài phẩm chất chính trị, yếu tố quan trọng nhất của công chức hiện nay là tư duy và kỹ năng, nghiệp vụ chỉ là một phần. “Phải đánh giá được khả năng tự học của thí sinh dự tuyển để lựa chọn. Bởi, khi học xong kiến thức có thể lạc hậu, buộc công chức phải trau dồi. Điều đó đòi hỏi công chức phải có tư duy cập nhật nhanh và phát huy được kiến thức mới, nhằm thích nghi yêu cầu công việc ngày càng cao và đòi hỏi đổi mới sáng tạo”, TS Nguyễn Việt Dũng phân tích. Cho nên, nội dung, phương thức trong tuyển dụng công chức cần được thay đổi, trong đó nên có thêm bước phỏng vấn trực tiếp để đánh giá sự năng động, sáng tạo của người dự tuyển.

Chia sẻ với các đề xuất trên, đồng chí Thái Thị Bích Liên cho biết, trong thi tuyển công chức khối Đảng, đoàn thể sau này, ngoài kiến nghị đổi mới về cách thức soạn đề thi, Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM sẽ nghiên cứu, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đổi mới hình thức phỏng vấn trong tuyển dụng. Cụ thể, khi thí sinh đã đạt kết quả vòng sơ tuyển và bài thi trắc nghiệm trên máy tính, thi viết, hội đồng tuyển dụng sẽ phỏng vấn đánh giá trực tiếp năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin, khả năng phân tích, diễn đạt và năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân bổ sung, để đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh tham dự các kỳ thi tuyển công chức, năm 2023 sẽ thi vấn đáp kết hợp thi viết. Theo đó, lãnh đạo các sở, ngành có nhu cầu tuyển dụng sẽ tham gia phỏng vấn thí sinh nhằm đánh giá tinh thần, thái độ, kỹ năng làm việc, kỹ năng sáng tạo của ứng viên.

Đối với việc tuyển dụng công chức cấp phường, xã, thị trấn (gọi chung là công chức cấp xã), hiện nhiều địa phương thực hiện theo Quyết định 23/2020 của UBND TPHCM. Trong đó, TPHCM ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện tuyển dụng. Tại huyện Củ Chi, năm 2021, huyện tuyển dụng được 19 công chức qua hình thức thi tuyển và bổ sung nhân sự các xã, thị trấn. Huyện Hóc Môn cũng tuyển dụng đủ 14/14 chỉ tiêu công chức cấp xã. Nhiều địa phương cho biết, Quyết định 23 đã hỗ trợ cơ sở rất nhiều trong việc kiện toàn nhân sự cấp xã nhưng hiện chưa có hướng dẫn về mức chi cho việc tổ chức kỳ thi tuyển công chức cấp xã, trong khi mức phí thu từ thí sinh dự tuyển không đủ bù chi. Các địa phương kiến nghị TPHCM có hướng dẫn cụ thể để địa phương dự toán chi đúng quy định, thuận lợi trong thanh quyết toán chi phí tổ chức thi tuyển.

https://www.sggp.org.vn/
Tìm kiếm