BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Kết quả công tác cải cách hành chính Quý I năm 2023

20/04/2023 16:14

Trong Quý I năm 2023, các Bộ, thành viên Ban Chỉ đạo đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó, có nhiều nội dung chỉ đạo liên quan đến cải cách hành chính. 

Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã thường xuyên theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính; kịp thời tổng hợp các kiến nghị, đề xuất và trực tiếp giải quyết hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết các nội dung liên quan đến cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Quý I năm 2023, Bộ Nội vụ cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan có liên quan để triển khai các hoạt động thẩm định, đánh giá xác định kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 (PAR Index) của các Bộ, các tỉnh; triển khai các hoạt động khảo sát người dân, tổ chức để xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 (SIPAS). Trên cơ sở kết quả tự chấm của các Bộ, các tỉnh, Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan có liên quan để triển khai hoạt động thẩm định, đánh giá xác định kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các Bộ, các tỉnh, bảo đảm chính xác, khách quan và công bằng trong đánh giá, xếp hạng.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đã triển khai khảo sát khoảng 50.000 phiếu dành cho đối tượng lãnh đạo, quản lý các cấp theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước để lấy ý kiến đánh giá kết quả cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan, địa phương. Bộ Nội vụ đã phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện khảo sát trên 37.000 người dân để phục vụ xác định Chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2022.

Trong Quý I năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CTTTg ngày 21/3/2023 về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, đây là một những nội dung quan trọng, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cải cách hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương.

Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ định kỳ hàng tuần phát hành Bản tin điện tử cải cách hành chính, gửi đến hộp thư điện tử và triển khai thử nghiệm gửi bản tin qua tài khoản Zalo của hơn 5.000 lãnh đạo, quản lý các cấp từ Trung ương đến địa phương để cung cấp thông tin, tuyên truyền về những kết quả, giải pháp, kinh nghiệm, sáng kiến cải cách hành chính hay đang được áp dụng, triển khai có hiệu quả tại Bộ, ngành, địa phương…

Theo dự thảo Báo cáo công tác cải cách hành chính Quý I và phương hướng, nhiệm vụ Quý II năm 2023 (Báo cáo) của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, kết quả công tác cải cách hành chính trong Quý I/2023 được thể hiện đầy đủ trên 6 nội dung: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Cụ thể:

Thứ nhất, cải cách thể chế

Về công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, trong Quý I/2023, các Bộ, ngành đã ban hành 116 thông tư và tham mưu, trình Chính phủ 26 nghị định để điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế - xã hội mới phát sinh, trong số đó, có nhiều văn bản liên quan đến cải cách hành chính. Về xây dựng văn bản quy định chi tiết, tính đến ngày 14/3/2023, tổng số văn bản quy định chi tiết được giao là 53 văn bản, đã hoàn thành 05/53 văn bản, 04/53 văn bản quá hạn, 44/53 văn bản đang thực hiện trong hạn.

Về công tác tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023. Trong Quý I/2023, trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, các Bộ, ngành đã tổng hợp được 57 văn bản quy phạm pháp luật cần phải xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc công bố hết hiệu lực). Tại địa phương, có 177 văn bản cần phải xử lý sau kiểm tra, 709 văn bản cần phải xử lý sau rà soát; đến nay, cơ bản các văn bản trên đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định…

Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính

Trong Quý I/2023, các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính; tăng cường kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; đẩy mạnh rà soát, tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh,…

Về công bố, công khai thủ tục hành chính, từ ngày 01/01/2023 đến ngày 23/3/2023, các Bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 575 quyết định công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý; đồng thời, công khai, cập nhật danh mục và nội dung thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan, địa phương mình trên Cổng dịch vụ công quốc gia và các kênh thông tin khác theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu và thực hiện thủ tục hành chính. Theo thống kê trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tại thời điểm ngày 23/3/2023, cả nước có 6.472 thủ tục hành chính, trong đó 3.868 thủ tục hành chính thực hiện tại Bộ, cơ quan Trung ương, 1.395 thủ tục hành chính thực hiện tại địa phương và 1.753 thủ tục hành chính ngành dọc tại địa phương. Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 74/TB-VPCP ngày 14/3/2023 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện việc bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú.

Về vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tiến độ rà soát, cấu trúc lại quy trình thủ tục hành chính để tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia; tăng cường kết nối, thanh toán trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tính đến ngày 23/3/2023, đã có 4.396 thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (2.525 thủ tục của người dân, 2.345 thủ tục của doanh nghiệp). Theo thống kê, đến ngày 23/3/2023 đã có trên 183 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và có hơn 10 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo số liệu thống kê trên hệ thống phần mềm, từ tháng 01/2023 đến 15 giờ ngày 21/3/2023, toàn quốc có 1.079 cơ sở khám, chữa bệnh được phê duyệt gửi dữ liệu khám sức khỏe lái xe, trong đó có 658 cơ sở đã gửi dữ liệu, với 56.132 dữ liệu được gửi. Đối với dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, sau hơn 20 ngày triển khai, hệ thống của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ghi nhận có 147 cơ sở khám, chữa bệnh gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 1.444 dữ liệu được gửi; 32 cơ sở khám, chữa bệnh gửi dữ liệu giấy báo tử, với 57 dữ liệu được gửi...

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được triển khai có hiệu quả tại các Bộ, ngành, địa phương. Theo báo cáo, trong Quý I/2023 kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính có tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tiếp tục duy trì ở mức cao, bình quân cả nước đạt 98,01%; trong đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các Bộ, cơ quan Trung ương đạt 99,87%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đạt 98,61%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện đạt 94,20%, Ủy ban nhân dân cấp xã đạt 99,36%.

Ngày 23/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các Bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Cổng Ddịch vụ công quốc gia theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, hoàn thành trong tháng 9/2023…

Thứ ba, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

Trong Quý I/2023, Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, các Bộ, cơ quan ngang bộ đang tích cực rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan mình theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian và đáp ứng nguyên tắc, các tiêu chí thành lập tổ chức phù hợp với quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP(26). Đến nay, Bộ Nội vụ đã hoàn thành thẩm định lần 2 đối với 26/26 dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 26 Bộ, ngành, trong đó đã có 24/26 Nghị định được ban hành; đồng thời, dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập tổ chức lại giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Việc ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan đã có những chuyển biến tích cực, tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tại địa phương, đến nay, có 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn.

Bộ Nội vụ đang tham mưu xây dựng Đề án Đổi mới cơ chế quản lý tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, tiến hành tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành địa phương và chuyên gia để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ xem xét quyết định bảo đảm đồng bộ với việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng hóa XII, trong đó đặc biệt lưu ý phương án sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế và giáo dục.

Về quản lý biên chế, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018, Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020; xây dựng Báo cáo trình Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế trong đó rà soát số liệu cụ thể về biên chế viên chức đang đảm nhiệm vị trí việc làm là công chức trong các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại các Bộ, ngành, địa phương; dự thảo văn bản báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ đề xuất Ban Tổ chức Trung ương báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế và Bộ Chính trị phê duyệt chủ trương.

Về vị trí việc làm, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ phục vụ trong cơ quan tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập; cùng với đó, Bộ Nội vụ đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng vị trí việc làm trong các cơ quan tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực là Trưởng ban) và dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tại địa phương, trên cơ sở các quy định mới của Chính phủ tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP, nhiều nơi đã tích cực rà soát, ban hành Đề án sắp xếp lại, kiện toàn tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền được giao, xác định rõ lộ trình và đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng theo quy định.

Thứ tư, cải cách chế độ công vụ


Bộ Nội vụ đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức để phù hợp với Nghị định số 06/2023/NĐ-CP nêu trên và về đánh giá xếp loại đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định của Đảng; đã xin ý kiến Ban Tổ chức Trung ương về nội dung dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước trước khi trình Chính phủ.

Các Bộ, ngành đã chủ động, tích cực xây dựng và hoàn thiện các quy định về xác định vị trí việc làm của công chức và người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP. Hầu hết các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm và định mức biên chế đối với công chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP.

Thứ năm, cải cách tài chính công


Về quản lý nợ công, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trên cơ sở nguyên tắc quản lý nợ công là đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội với mức độ chi phí - rủi ro phù hợp; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong từng thời kỳ; thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước. 

Công tác quản lý, sử dụng tài sản công tiếp tục được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện trên cơ sở triển khai hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt, các Bộ, ngành, địa phương vào cuộc chủ động, theo đó đã đạt được những kết quả cụ thể. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 02/2023 đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (thấp hơn cùng kỳ năm 2022, đạt 8,61%).

Về đổi mới đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Tài chính đang tích cực rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Ngày 14/3/2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, trong đó có đề xuất nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách ưu đãi khuyến khích xã hội hóa để triển khai thực hiện.

Thứ sáu, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số


Ngay từ đầu năm, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020. Việc xây dựng, vận hành các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương góp phần đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Các hệ thống thông tin phục vụ quản lý, điều hành tiếp tục được khai thác, vận hành có hiệu quả, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia trong tháng 02/2023 là 493.764 văn bản (gửi 91.394 văn bản, nhận 402.370 văn bản); luỹ kế 02 tháng đầu năm 2023, số lượng văn bản điện tử, gửi, nhận qua Trục khoảng 1 triệu văn bản; từ khi khai trương (12/3/2019) đến nay Hệ thống có tổng số hơn 18,6 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) tiếp tục phát huy hiệu quả, tính đến nay, Hệ thống đã phục vụ 68 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.513 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 532 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).

Các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, thúc đẩy thực hiện với trọng tâm là đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 20/01/2022 đến ngày 20/02/2023, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có trên 489 nghìn tài khoản đăng ký; trên 16 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 1 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ cổng; trên 1,2 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 971 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 273 tỷ đồng.

Về xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, tính đến ngày 21/02/2023, tổng số giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong tháng 02/2023 đạt 53.738.373; trung bình hằng ngày có khoảng 2,5 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP; tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi khai trương đến nay là hơn 1,1 tỷ giao dịch.

Bên cạnh đó, một số Cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được xây dựng và vận hành có hiệu quả. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị Bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 57 địa phương để phục vụ khai thác thông tin. Trong tháng 02/2023 có hơn 42 triệu lượt tra cứu thông tin công dân, chủ yếu là các dịch vụ xác thực thông tin dân cư, xác thực số căn cước công dân, chứng minh nhân dân, xác thực thông tin hộ gia đình,… Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đáp ứng các địa phương tiếp cận, khai thác phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài ra, đã hỗ trợ các đoàn thể xây dựng dữ liệu quản lý đoàn viên, hội viên trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đến nay toàn quốc đã nhập thông tin của 1.930.502 hội viên Hội nông dân; 595.744 hội viên Hội người cao tuổi). Triển khai kết nối, làm sạch thông tin thuê bao di động của 03 nhà mạng viễn thông: Viettel, Mobifone, Vinaphone với 85.402.466 triệu yêu cầu đối sánh. Triển khai Đề án 06, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua số Chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ (lấy) số Căn cước công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sang Cơ sở dữ liệu của bảo hiểm xã hội, tính đến ngày 18/02/2023, đã hoàn thành xác thực đúng thông tin công dân của hơn 74 triệu nhân khẩu. Đến ngày 18/02/2023, toàn quốc đã có 12.268 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp, chiếm 96% tổng số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, tính đến ngày 21/02/2023, trên Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch đã có 33.070.276 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 8.410.979 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định, 4.580.082 hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của bảo hiểm xã hội; 7.616.411 dữ liệu đăng ký kết hôn; 4.992.816 dữ liệu đăng ký khai tử và 8.947.684 dữ liệu khác.

Về Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, đã hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai của 52/63 địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia; kết nối dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai cấp địa phương với Nền tảng NDXP, Trung tâm điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cho các Bộ ngành, địa phương. Hiện nay, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai với 217/705 đơn vị cấp huyện với 43 triệu thửa đất đã hoàn thành và đưa vào sử dụng thường xuyên tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh của các tỉnh, thành phố; tiếp tục xây dựng Cơ sở dữ liệu 250 huyện, thuộc 30 tỉnh, thành phố, dự kiến hoàn thành 6/2023.

Về Cơ sở dữ liệu quốc gia đăng ký doanh nghiệp: Hiện nay đã có thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 01 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Cổng dịch vụ công quốc gia qua Trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP); đã thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp với các Hệ thống: Hệ thống thông tin đầu tư nước ngoài, Hệ thống thông tin đấu thầu qua mạng; Hệ thống thông tin của một số Bộ, ngành và địa phương thông qua Trục tích hợp dữ liệu quốc gia (NGSP) như Hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp đổi giấy phép kinh doanh vận tải, biển hiệu phù hiệu xe ô tô của Bộ Giao thông vận tải, Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Bắc Giang. Trong thời gian tới, tiếp tục mở rộng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống một cửa điện tử tại một số địa phương.

Anh Cao (Nguồn: Tài liệu Phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ)

Tìm kiếm