BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Kế hoạch Chiến lược Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN - Phương pháp tiếp cận cụ thể nhằm mang lại lợi ích hơn nữa cho người dân ASEAN

01/07/2025 08:44

Ngày 26/5/2025, tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur, Malaysia, Các Nhà Lãnh đạo cấp cao ASEAN đã ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur về “ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta” và thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 cùng bốn chiến lược về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và kết nối. Đây là cột mốc quan trọng, ghi nhận một hành trình phát triển mới của Cộng đồng ASEAN, khẳng định cam kết và quyết tâm của các quốc gia thành viên hướng tới một ASEAN tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm.

Kế hoạch chiến lược Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN (ASCC), là một trong bốn văn kiện chiến lược của Cộng đồng ASEAN, được xây dựng trên cơ sở tiếp nối Kế hoạch tổng thể ASCC đến năm 2025, hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN tự cường, hoà nhập, thích ứng, bền vững, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm. Chiến lược ASCC đưa ra các phương pháp tiếp cận cụ thể nhằm mang lại lợi ích hơn nữa cho người dân ASEAN, nâng cao ứng phó của khu vực trước các thách thức. Chiến lược ASCC có khung thời gian 10 năm (2026-2035), với 03 phần:

+ Phần I điểm lại kết quả triển khai Kế hoạch tổng thể ASCC 2025 và nêu cơ sở xây dựng Chiến lược ASCC 2026-2035;

+ Phần II gồm 12 Mục tiêu chiến lược, 16 Nhiệm vụ và 112 Biện pháp;

+ Phần III nêu các biện pháp triển khai hiệu quả Chiến lược ASCC gồm: cơ chế triển khai, huy động nguồn lực, tuyên truyền và kiểm điểm triển khai.

Kế hoạch chiến lược Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN (ASCC)

Mục tiêu chiến lược của Kế hoạch chiến lược ASCC

Kế hoạch chiến lược ASCC gồm 12 Mục tiêu chiến lược, trong đó có 10 Mục tiêu chiến lược cụ thể hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và 02 Mục tiêu chiến lược liên trụ cột về thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng trưởng, phát triển bền vững; 16 Nhiệm vụ; và 112 Biện pháp nhằm:

(i) Xây dựng Cộng đồng hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và kết nối, bảo đảm di chuyển thông suốt của người dân, hàng hóa và dịch vụ, cùng chia sẻ tính chủ thể và bản sắc ASEAN;

(ii) Phát huy tiềm năng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy gắn kết xã hội, qua đó bảo đảm sự thịnh vượng chung và không để ai bị bỏ lại phía sau;

(iii) Tối ưu hóa lợi thế nhân khẩu học nhằm đưa ASEAN trở thành tâm điểm của tăng trưởng và đổi mới sáng tạo;

(iv) Tăng cường sức khỏe và phúc lợi cho người dân, an toàn trước các bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm, phổ cập chăm sóc sức khỏe toàn dân và tiếp cận hệ thống y tế toàn diện;

(v) Tạo điều kiện cho người dân đóng vai trò tích cực trong mọi khía cạnh của cuộc sống và nâng cao tự cường của người dân;

(vi) Xây dựng Cộng đồng thống nhất trong đa dạng, có khả năng ứng phó các vấn đề khu vực và toàn cầu;

(vii) Trao quyền cho phụ nữ được tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và phát huy hết khả năng trong quá trình ra quyết định;

(viii) Khuyến khích thanh niên đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN năng động, sáng tạo, tự cường, giải quyết các thách thức, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội bền vững, và củng cố nhận thức, giá trị và bản sắc ASEAN;

(ix) Tự hào với bản sắc Cộng đồng và đảm bảo tính chủ thể trong việc bảo tồn và thúc đẩy các giá trị văn hóa;

(x) Đẩy mạnh các phong trào thể thao, góp phần vào sự phát triển của ASEAN thành một trung tâm thể thao thành tích cao;

(xi) Nâng cao tự cường, khả năng ứng phó của khu vực trước các thách thức, thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy tiếp cận các cơ hội kinh tế;

(xii) Xây dựng một ASEAN xanh, tăng trưởng bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu.

Triển khai và Đánh giá Kế hoạch chiến lược

Kế hoạch chiến lược ASCC được định hướng bởi Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 cũng như các văn kiện và công cụ quan trọng khác của ASEAN và ASCC, qua đó cung cấp các hướng dẫn, nguyên tắc và khuôn khổ cho ASCC.

ASCC sẽ đảm bảo việc triển khai đầy đủ và có hiệu quả Kế hoạch chiến lược ASCC thông qua các cơ chế hiện có và đã được thiết lập của ASCC hoặc các cơ chế khác có thể được thành lập hoặc tinh gọn khi cần thiết, huy động nguồn lực, truyền thông chiến lược và giám sát, đánh giá. Việc triển khai, giám sát và đánh giá cũng sẽ tuân theo các luật, quy định và chính sách có liên quan của các quốc gia thành viên.

Việc thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 cùng bốn chiến lược về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và kết nối thể hiện cách tiếp cận chủ động của ASEAN, thích ứng trong thế giới biến động. Các văn kiện chiến lược kế thừa và phát huy các thành quả đã đạt được, giữ vững giá trị cốt lõi của ASEAN, đồng thời mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng hợp tác nội khối và ngoại khối, nâng cao vai trò, uy tín và vị thế của ASEAN cả ở khu vực và quốc tế.

 

Tìm kiếm