Tham dự Hội thảo có đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại diện Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc, lãnh đạo các tỉnh Hòa Bình, Cao Bằng, Thanh Hóa, Lạng Sơn và các chuyên gia.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, việc sắp xếp, giảm đầu mối đơn vị hành chính cấp huyện, xã là chủ trương đúng đắn của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, thực hiện Nghị quyết số 18 – NQ/TW ngày 25.10.2017 của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 37 – NQ/TW ngày 24.12.2008 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Bộ máy hành chính tinh gọn đã góp phần quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước ở địa phương, thúc đẩy việc cơ cấu lại, lựa chọn đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức làm việc có chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy. Với đơn vị hành chính mới, sau khi được sắp xếp sẽ có địa bàn rộng hơn, đây là lợi thế để quy hoạch không gian phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phù hợp với đặc điểm của vùng, miền.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại cuộc làm việc
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, khi triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở một số địa phương còn bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là đối với một số tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
Trước thực tế trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả, thực trạng tình hình sáp nhập địa giới hành chính cấp huyện, xã, thôn, bản ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay; tác động của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đến công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện chính sách dân tộc... từ đó, đề xuất, kiến nghị giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn tiếp theo.
Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính đã được thực hiện nghiêm túc theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh gọn bộ máy hành chính, tập trung công tác lãnh đạo, quản lý trên địa bàn, phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế; tạo điều kiện tập trung huy động nguồn lực, tạo lợi thế, thuận lợi trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu lưu ý, đặc điểm vùng dân tộc thiểu số và miền núi là địa bàn có cấu tạo địa chất, tự nhiên phức tạp, độ dốc cao, chia cắt, cơ sở hạ tầng đi lại khó khăn, mật độ dân cư thấp, cư trú cao. Đây cũng địa bàn tập trung chủ yếu các xã nghèo, huyện nghèo. Vì vậy, khi sáp nhập, các huyện, xã mới được hình thành sẽ có không gian rộng, dân cư đông, việc đi lại từ thôn, bản đến trung tâm hành chính huyện, xã rất xa và khó khăn hơn trước rất nhiều. Điều này đặt ra thách thức lớn trong quản lý hành chính nhà nước, nhất là về an ninh quốc phòng, nắm địa bàn. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cũng tác động đến tâm tư, tình cảm của công chức và người lao động thuộc diện dôi dư do sắp xếp, sáp nhập. Quá trình sắp xếp cũng làm thay đổi quy hoạch đô thị, kinh tế - xã hội ở địa phương.
Từ thực tiễn sắp xếp các đơn vị hành chính thời gian qua, các đại biểu đề nghị, đối với địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, ngoài tiêu chí diện tích và dân số cần quan tâm thêm các tiêu chí phù hợp về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, yếu tố dân tộc, phong tục tập quán… để bảo đảm việc sắp xếp đơn vị hành chính hợp lý và hiệu quả hơn. Cùng với đó, Bộ Nội vụ cần tham mưu trình Chính phủ bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính để ổn định tâm lý, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức; khuyến khích những người có cống hiến lâu năm có nguyện vọng xin nghỉ hưu trước tuổi.
Nguồn: https://www.daibieunhandan.vn