BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến dự án Luật Công chứng: Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ

11/04/2014 08:36

Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị toà án tuyên bố là vô hiệu. Nội dung này được quy định trong dự án Luật Công chứng, thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 10/4.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về 3 dự án Luật: Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi) và Luật Đầu tư công. Đây là các dự án Luật dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII tới. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, ba dự án luật này có ý nghĩa và tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, cũng như được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Vì vậy, hội nghị này có tính chuyên sâu nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các đại biểu Quốc hội chuyên trách trong việc thực hiện chức năng,nhiệm vụ quyền hạn góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật và chất lượng của kỳ họp Quốc hội.

Về dự án Luật Công chứng, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau như phạm vi công chứng; tiêu chuẩn công chứng viên; công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ; chủ trương xã hội hóa nghề công chứng… Công chứng với chứng thực khác nhau như thế nào? Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói, chứng thực là chỉ chứng nhận về hình thức, còn công chứng là chứng nhận cả nội dung và hình thức. “Theo tôi, nếu mở rộng là mở hết để tạo điều kiện cho người dân cả công chứng và chứng thực. Vì một người gần phòng công chứng có nội dung cần công chứng, cần chứng thực nhưng phải đi hai nơi” - ông đề nghị.

Văn bản công chứng có giá trị pháp lý thế nào? Dự luật quy định, văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu toà án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thoả thuận khác. Văn bản công chứng trong trường hợp này có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị toà án tuyên bố là vô hiệu. Cùng với đó, bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Về việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên, nhiều ý kiến đề nghị giao cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính nhà nước quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP để tạo thuận tiện cho người dân cũng như giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính. Trong khi đó, một số khác không tán thành giao cho công chứng viên thực hiện các công việc mang tính chất chứng thực vì hoạt động công chứng ở nước ta đang được phát triển theo hướng công chứng về nội dung, phân biệt với các hoạt động chứng thực chỉ là xác nhận về mặt hình thức, đồng thời trùng lắp với nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các loại việc nêu trên đều là những việc mà các phòng công chứng đã đảm nhiệm trong giai đoạn trước đây. Trong điều kiện và hoàn cảnh thực tế ở nước ta hiện nay, việc giao lại cho các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên nhiệm vụ chứng nhận bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao giấy tờ, văn bản như các cơ quan hành chính nhà nước sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công này, đồng thời cũng không trái với các nguyên tắc cơ bản của Liên minh công chứng thế giới mà Việt Nam mới tham gia làm thành viên.  

Về độ tuổi hành nghề của công chứng viên (Điều 35), nhiều đại biểu không đồng tình việc nâng tuổi quá cao. Dự luật đưa hai phương án. Phương án 1: Công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Công chứng viên của các phòng công chứng sau khi đã nghỉ hưu theo quy định của Luật viên chức có thể tiếp tục hành nghề công chứng tại Văn phòng công chứng cho đến khi đủ 65 tuổi. Phương án 2: Không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng, nội dung này sẽ thực hiện theo quy định của Luật viên chức, Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Liên quan điều này, nhiều đại biểu lo ngại, quy định tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi đối với nam đã cao hơn 5 tuổi so quy định Bộ luật Lao động, trong khi nữ cũng 65 tuổi là quá nhiều, chênh tới 10 tuổi so Bộ luật Lao động (quy định nữ 55 tuổi nghỉ hưu). Trong khi đó, có công chứng viên lại muốn nâng lên... 70 tuổi mới nghỉ hưu!

Về nguyên tắc phi lợi nhuận, nhiều quan điểm còn khác nhau. Hoạt động công chứng trước hết là nhằm giúp Nhà nước bảo đảm cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Song quy định như vậy sẽ mâu thuẫn trực tiếp với quy định cho phép chuyển đổi phòng công chứng hay chuyển nhượng văn phòng công chứng. Đại biểu Trần Du Lịch ủng hộ đây là tổ chức không vì lợi nhuận, nhưng đề nghị phải làm rõ thế nào là phi lợi nhuận. Cần chế định rõ, tổ chức này áp dụng cho cả tư nhân và các cơ quan sự nghiệp của Nhà nước, đều phi lợi nhuận. “Có tình trạng tôi ra làm phòng công chứng, bỏ tiền đầu tư được quyền khấu hao để lấy tiền đầu tư về, nhưng không được chia lợi nhuận mới gọi là phi lợi nhuận. Còn hiện tại, bỏ tiền ra để rồi chia lợi nhuận thì không gọi là phi lợi nhuận” - ông giải thích

N.Thành

Nguồn: http://www.cand.com.vn
Tìm kiếm