Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: TH)
Nghiên cứu thí điểm việc sắp xếp thu gọn đầu mối một số cơ quan, đơn vị
Được coi là chương trình xương sống trong các chương trình công tác Thành ủy Hà Nội, do đó, Chương trình số 01 của Thành ủy về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và tổ chức Đảng; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp Thành phố giai đoạn 2016 – 2020 thực sự trong sạch vững mạnh” là chương trình được xem xét, góp ý đầu tiên.
Báo cáo dự thảo chương trình này, đồng chí Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Thành ủy, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Chương trình 01 của Thành ủy (khóa XV), công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp thuộc Thành phố được chú trọng, tạo bước chuyển biến mới. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng tiếp tục được đổi mới, bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát cơ sở; hệ thống tổ chức chính quyền các cấp được kiện toàn vững mạnh, hoạt động hiệu quả…
Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và đòi hỏi thực tiễn; nội dung, phương pháp thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đôi khi nặng về hình thức, thiếu chiều sâu; việc phát hiện các vụ việc tham nhũng qua công tác kiểm tra, thanh tra, tự kiểm tra còn hạn chế; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền trên một số lĩnh vực như quản lý xây dựng, quy hoạch, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… còn hạn chế;
Mục tiêu của chương trình 01 là phấn đấu hằng năm có trên 50% tổ chức cơ sở đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; trên 70% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; kết nạp trên 12.000 đảng viên mới.
Về chất lượng cán bộ, Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ trở lên; 100% cán bộ cấp xã, phường, thị trấn đạt trình độ chuyên môn đại học trở lên; cán bộ diện Ban Thường vụ các cấp ủy quản lý đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ đạt 10% trở lên, cán bộ nữ 15% trở lên. Đặc biệt, đến năm 2020, toàn thành phố phải tinh giản được tối thiểu 10% tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức thành phố được giao năm 2015.
Để đạt được các mục tiêu, yêu cầu nói trên, Chương trình 01 của Thành ủy Hà Nội đã đề ra 3 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức và cấp ủy đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp đó là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và thứ 3 là phải nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận tổ quốc cùng các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đáng chú ý, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 05 của Thành ủy về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác xây dựng đảng nhiệm kỳ này, trong đó yêu cầu tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị gắn với hoàn thiện, bổ sung chức năng, nhiệm vụ; nghiên cứu thí điểm việc sắp xếp thu gọn đầu mối một số cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ không phù hợp; kiên quyết không thành lập các tổ chức trung gian, chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn.
Trên cơ sở đó, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 5 năm (2016 - 2020) trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Công tác đánh giá cán bộ cũng cần đổi mới cơ chế, lấy tiêu chuẩn chức danh, bố trí, sử dụng cán bộ, chế độ công vụ và các quy trình công tác làm tiêu chí đánh giá; quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và mối quan hệ của cấp ủy đảng với hệ thống chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
Một điểm nhấn quan trọng nữa trong công tác cán bộ theo Chương trình 01 là thành phố sẽ chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý theo quy hoạch, với tầm nhìn dài hạn; kết hợp điều động, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị gắn với thực hiện quy định luân phiên, định kỳ chuyển đổi công tác, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương. Chú trọng bố trí, phân công nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức theo trình độ chuyên môn được đào tạo…
Cán bộ cao tuổi phải biết hy sinh nếu muốn có cán bộ lãnh đạo trẻ
Thảo luận, góp ý vào dự thảo Chương trình 01 của Thành ủy Hà Nội, đồng chí Hoàng Công Khôi, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm thông tin, tại Hoàn Kiếm, tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 35 tuổi chiếm tỷ lệ 6,64%. Kết quả này có được là do Hoàn Kiếm biết quan tâm, biết hy sinh vì thế hệ tương lai.
Từ thực tế tại Hoàn Kiếm, đồng chí Hoàng Công Khôi cho rằng: “Muốn đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ hay cán bộ nữ như chương trình đề ra thì ngoài quyết tâm, cán bộ cao tuổi cũng phải biết hy sinh vì thế hệ trẻ, còn nếu cứ nhìn lớp cán bộ lãnh đạo trẻ với lớp cán bộ già để so sánh việc A với việc B thì rất khó làm được”.
Theo Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm, nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ là đòi hỏi phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của từng đảng viên. Đã là cán bộ quản lý thì phải chọn những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Tin tưởng vào việc thực hiện thành công chỉ tiêu tinh giản tối thiểu 10% tổng biên chế, Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan thành phố Hà Nội Lê Thị Thu Hằng cho rằng, thực hiện Đề án 06 Thành phố, hơn 1 năm, Hà Nội đã giảm được 30% số tổ dân phố, sáp nhập 1.008 chi bộ thôn, tổ dân phố nên đã giảm đáng kể đội ngũ cán bộ cơ sở và vẫn bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Nếu cứ nghiêm túc thực hiện, chỉ tiêu này chắc chắn sẽ đạt được.
Đề cập đến thực trạng nhiều cán bộ được bố trí không đúng chuyên môn, một số đại biểu cho rằng, nên cần rà soát lại để sắp xếp, bố trí cán bộ đúng chuyên môn, đúng chức năng nhiệm vụ. Xóa bỏ ngay tình trạng một số cán bộ cố học lấy một bằng cấp nào đó chưa chắc đã đúng nhiệm vụ chuyên môn của mình, nhưng cốt để chuẩn hóa bằng cấp. Việc đánh giá cán bộ cần được dân chủ, công khai, minh bạch.
Tương tự, về công tác điều động, luân chuyển cán bộ, các đại biểu cho rằng, phải chú trọng tới nguồn cán bộ, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt phải lưu ý tránh tình trạng “chạy” để luân chuyển. Trong quá trình luân chuyển phải chú ý đến đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực…
Điều hành phiên thảo luận về nội dung này, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, dự thảo lần thứ 4 Chương trình 01 của Thành ủy, được xây dựng trên cơ sở kế thừa, tiếp thu các kinh nghiệm, thành quả từ nhiệm kỳ trước, có bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, đây là chương trình cực kỳ quan trọng, được coi là xương sống trong 8 chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XIV; triển khai 2 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra. Do vậy, các ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ được tiếp thu để hoàn thiện nội dung Chương trình, tạo hiệu quả cao nhất trong triển khai thực hiện công tác của thành phố thời gian tới.
Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị (21 – 22/4), các đại biểu tập trung xem xét, góp ý Chương trình số 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”; Chương trình số 04 về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”; Chương trình số 05 về “Tăng cường quốc phòng – an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới giai đoạn 2016-2020”; Chương trình số 07 về “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, giai đoạn 2016 - 2020”; Chương trình số 08 về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức giai đoạn 2016 - 2020”./.