BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hạn chế việc ban hành văn bản trái luật: Cần thiết quy định trách nhiệm người đứng đầu

30/07/2014 12:08

Mặc dù vẫn còn một số  ý  kiến băn khoăn, song đa số ý kiến đã đồng tình với đề xuất của Bộ Tư pháp tại Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ tham mưu của cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật, kể cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại do văn bản trái pháp luật gây ra. 

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội khẳng định: Đây là bước tiến đột phá về pháp lý  nhằm  hạn chế "căn bệnh” ra văn bản "trên trời” đang ngày càng có xu hướng gia tăng. 
 
Không khó điểm mặt văn bản trái luật 
 
Theo thống kê, sau 10 năm triển khai công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, trên cả nước đã kiểm tra được 3,6 triệu văn bản, phát hiện được hơn 90 nghìn văn bản có dấu hiệu sai phạm. Đáng chú ý, trong số đó có khoảng gần 10 nghìn văn bản có dấu hiệu sai phạm về nội dung cần phải xử lý đình chỉ thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ. Song điều đáng nói là việc xử lý các văn bản đó chỉ dừng lại ở mức hủy bỏ, hoặc ban hành văn bản thay thế, chưa có ai bị xem xét trách nhiệm hay phải bồi thường thiệt hại do văn bản gây ra.
 
Tại cuộc họp mới đây khi mổ xẻ về  thực trạng văn bản trái luật, văn bản không phù hợp  có không ít luật sư, luật gia hài hước nói: Dân mình tuy không hiểu nhiều về chính sách pháp luật thế nhưng bảo điểm mặt chỉ tên những quy định "trên trời” thì đọc vanh vách. "Tại sao họ lại biết, vì họ bị hành quá nhiều đến nỗi thuộc làu văn bản đó” – Luật gia Lê Hương Giang nói. 
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn kết, LS Lê Đức Tiết phản ánh: Văn bản dưới luật bây giờ sai nhiều lắm. Có những trường hợp cán bộ chuyên trách cũng không thể biết được văn bản nào đã hết hiệu lực, văn bản nào còn hiệu lực. Không ít trường hợp  cơ quan hành pháp và tư pháp căn cứ vào các văn bản dưới luật trái Hiến pháp, trái luật để áp dụng. Sai ở mức phổ biến. Từ cấp cao nhất đến cấp thấp. Sai là bởi khi ra các văn bản, người ta áp đặt ý chí chủ quan của mình mà không nắm được thực tế, không sâu sát thực tế. Giả sử trong Luật Đất đai quy định việc trưng thu, trưng mua, nhưng khi xây dựng văn bản dưới luật, người ta lại sử dụng từ "thu hồi”. Ý nghĩa của những từ ngữ này là hoàn toàn khác nhau, hậu quả là người dân là người chịu thiệt. 
 
Ra văn bản sai phải chịu trách nhiệm
 
Theo Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên song nguyên nhân chính là hiện vẫn chưa có chế tài xử lý khi ban hành văn bản trái luật. Hiện nay, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN), người dân không có quyền đòi bồi thường thiệt hại do hành vi ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái luật gây ra. Luật TNBTCNN hiện hành chỉ quy định TNBTCNN trong lĩnh vực quản lý hành chính và tư pháp, các thiệt hại gây ra trong quá trình thi hành án dân sự và hình sự. Còn các thiệt hại do hoạt động xây dựng pháp luật gây ra chưa được quy định trong Luật, nên nằm ngoài trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
 
 "Nếu nói thực trạng ra văn bản trái pháp luật là tham nhũng chính sách thì hơi quá, song thực tế cho thấy, một quyết định sai của một cơ quan có thể chỉ ảnh hưởng  đến một vài cá nhân, nhưng ra một văn bản luật sai ảnh hưởng đến cả xã hội. Chúng ta đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, nên ai là người ra những văn bản sai luật đó, thì chính là những người phải chịu trách nhiệm. Chính vì vậy,  đã đến lúc cần một chế tài pháp lý đủ mạnh đối với hành vi ra  văn bản trái luật. Theo tôi  đề  xuất của Bộ Tư pháp tại dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chính là bước đột phá lớn về mặt chính sách  bởi  chỉ khi quy  rõ trách nhiệm và phải buộc bồi thường thì mới có thể hạn chế được tình trạng vô cảm trong xây dựng văn bản pháp luật”- Ông Nguyễn Hồng Tuyến nhấn mạnh.          
 
Chậm thi hành luật, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
 
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 75 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ VII, Quốc hội khóa XIII đối với việc triển khai thi hành Hiến pháp; công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính. Trong đó nhấn mạnh, trước ngày 15/8/2014, các Bộ, ban, ngành phải xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ VIII về tình hình triển khai Nghị quyết số 67 về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 20 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII, trong đó kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu để xẩy ra tình trạng chậm triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Theo http://daidoanket.vn/
Tìm kiếm