Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan trao quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị khối Đảng.
Để công tác đánh giá cán bộ phản ánh đúng thực chất, năm 2021, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc triển khai sáng kiến “đánh giá cán bộ bằng sản phẩm cụ thể”, coi đó là giải pháp đột phá thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Tạo động lực cho cán bộ
Bên cạnh việc ban hành các nghị quyết, quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác cán bộ, đầu năm 2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao chỉ tiêu cho các ngành và địa phương. Đến tháng 7/2021, Tỉnh ủy tiếp tục giao nhiệm vụ trọng tâm cho các ban xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh, các đảng ủy khối cơ quan và khối doanh nghiệp tỉnh. Ngày 22/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 371-QĐ/TU về thực hiện thí điểm giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đối với sáu giám đốc sở và bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND của chín huyện, thành phố (Quy định 371). Việc “khoán sản phẩm” cho lãnh đạo, quản lý là cách làm mới nhằm tăng yêu cầu đối với các cấp, các ngành, tranh thủ thời cơ đẩy nhanh tốc độ phát triển.
Thách thức lớn nhất trong Quy định 371 là người đứng đầu phải xác định điểm nghẽn lớn nhất của ngành, địa phương mình và cam kết thực hiện tốt trong năm 2021. Các chỉ tiêu về xây dựng Đảng, hoạt động quản lý nhà nước, quốc phòng, an ninh được lượng hóa thành con số, mức độ hoàn thành hay không hoàn thành. Bên cạnh các chỉ tiêu chung, các ngành, địa phương được giao một số chỉ tiêu, nhiệm vụ riêng phù hợp với đặc điểm của đơn vị. Đơn cử như huyện Bình Xuyên phải giải phóng mặt bằng ba dự án trọng điểm, giải quyết xong bốn vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo kéo dài. Huyện Tam Dương phải xử lý xong 562 vụ tồn đọng vi phạm đất đai cũ. Thành phố Vĩnh Phúc phải hoàn thành chỉnh trang đô thị tại khu vực trung tâm thành phố... Các nhiệm vụ được giao có tên, địa chỉ, số lượng cụ thể và thường trực huyện ủy, thành ủy đều phải ký vào bản cam kết thực hiện.
Sau khi giao nhiệm vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị. Tháng 11/2021, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp riêng với người đứng đầu chín huyện, thành phố và sáu sở để nhắc nhở, khẳng định quan điểm nhất quán “nói đi đôi với làm”, làm phải có hiệu quả. Trước sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, các ngành và địa phương phải chạy đua với thời gian để hoàn thành các chỉ tiêu trong những tháng cuối năm. Nhiều huyện ủy, thành ủy tổ chức hội nghị chuyên đề về xử lý điểm nghẽn, xử lý vi phạm đất đai. Nhiều bí thư huyện ủy, thành ủy trực tiếp đi vận động thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Nói về quá trình triển khai tại huyện Bình Xuyên, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh Trung bộc bạch: Lãnh đạo huyện “mất ăn mất ngủ” với chỉ tiêu giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, trong đó dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc phải thực hiện trong thời gian ngắn. Sáu tháng đầu năm, mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ. Xác định nguyên nhân chính là cán bộ chưa tích cực, Huyện ủy điều chuyển một số vị trí công tác, chọn cán bộ thật sự có năng lực, trách nhiệm cao để phụ trách những lĩnh vực phức tạp. UBND huyện phân công lại nhiệm vụ cho các phó chủ tịch để phát huy năng lực cá nhân. Ba tháng cuối năm, toàn huyện dốc sức chạy đua và kết quả là nhiều nhiệm vụ tồn đọng bấy lâu nay đã hoàn thành đúng tiến độ.
Tại thành phố Vĩnh Yên, người dân đã quen với hình ảnh Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo hàng chục vụ giải phóng mặt bằng. Trước quyết tâm của lãnh đạo thành phố, nhiều hộ dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm. Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Bình cho biết: Việc giao sản phẩm với thời hạn, số lượng cụ thể tạo động lực lớn cho cấp thành phố và cấp cơ sở. Cán bộ xã, phường nhập cuộc rất nhiệt tình khi được thành phố giao chỉ tiêu, nhiệm vụ. Tương tự, tại các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, nhiều dự án ách tắc 10 năm, 20 năm đã được khai thông. Các nhà đầu tư đánh giá cao nỗ lực của chính quyền các địa phương.
Từ thực tế tại Tam Đảo, Chủ tịch UBND huyện Đinh Văn Mười nêu cách làm: Việc tỉnh đặt ra yêu cầu với huyện bằng cách giao sản phẩm, chỉ tiêu cụ thể là thách thức lớn đối với người đứng đầu, song điều đó cũng tạo căn cứ để huyện giao nhiệm vụ, sản phẩm cụ thể cho người đứng đầu các xã, thị trấn. Huyện ủy tổ chức gặp mặt tất cả bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư để quán triệt tinh thần hoàn thành bằng được nhiệm vụ...
Sáu giám đốc sở được giao bảy nhiệm vụ mới và cũng là các vấn đề mà họ tâm đắc. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Hải trao đổi về cách thức triển khai: Cá nhân tôi được giao nhiệm vụ “Mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm phục hồi môi trường sinh thái nông nghiệp giúp bảo vệ môi trường”. Với trách nhiệm là người đứng đầu, tôi đã chỉ đạo, quán triệt nhiệm vụ trong Đảng bộ, lãnh đạo Sở, triển khai nhiều biện pháp, tăng cường đi cơ sở kiểm tra, nắm bắt thực tế. Tiến độ công việc được báo cáo hằng tuần. Định kỳ hằng tháng, Ban Chấp hành Đảng bộ Sở thảo luận tìm cách tháo gỡ khó khăn, yêu cầu các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đến nay có thể khẳng định việc giao sản phẩm là rất tốt.
Cam kết, hành động và hiệu quả
Sau một năm thí điểm giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, tỉnh Vĩnh Phúc kết nạp hơn 2.100 đảng viên mới, thành lập mới 24 tổ chức đảng trong doanh nghiệp, vượt năm tổ chức đảng so với cả nhiệm kỳ 2016-2020. Hơn 40 dự án trọng điểm hoàn thành giải phóng mặt bằng. Hầu hết các vụ vi phạm mới và hơn 3 nghìn vụ việc vi phạm cũ liên quan đến đất đai được giải quyết dứt điểm. Có 8 trong số 9 địa phương hoàn thành chỉ tiêu về giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Địa phương nào cũng nghiêm túc, mạnh mẽ trong tháo gỡ điểm nghẽn, xử lý vi phạm, khai thông nguồn lực. Tinh thần đó lan tỏa đến cấp xã và thấm sâu vào từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, đảng viên. Việc giao nhiệm vụ cụ thể còn tạo hiệu ứng liên hoàn, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển mạnh mẽ.
Dựa vào kết quả chấm điểm, đề xuất xếp loại của Hội đồng tư vấn khối Đảng và Hội đồng tư vấn khối chính quyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lựa chọn được 10 đồng chí có thành tích nổi trội để biểu dương, đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ, chỉ tiêu chưa hoàn thành. Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Bá Huy cho rằng: Việc ban hành các quy định, hướng dẫn và quyết định giao nhiệm vụ, đánh giá cán bộ bằng sản phẩm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là một bước đột phá, giúp công tác đánh giá cán bộ thực chất hơn, sử dụng cán bộ chuẩn hơn. Điểm mấu chốt là xác định rõ trách nhiệm cá nhân. Giao sản phẩm cũng giống như đi thi, có giao đề bài, có chấm bài, người dự thi sẽ phải cố gắng làm bài cho tốt. Cán bộ bị đánh giá kém, không đạt, dứt khoát sẽ bị điều chuyển công tác.
Trao đổi về hiệu quả của phương pháp đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Giao sản phẩm, nhiệm vụ cụ thể là một biện pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Qua một năm triển khai, tinh thần trách nhiệm của cán bộ nâng lên rõ rệt. Nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, quyết liệt được giám đốc các sở, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện mạnh dạn thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã rà soát, hoàn thiện quy trình giao nhiệm vụ và quy trình đánh giá người đứng đầu; mở rộng đối tượng giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đối với 43 người đứng đầu trong năm 2022. Tăng việc mới, việc khó, việc cần đột phá, sáng tạo để giải quyết các điểm nghẽn bất cập còn tồn tại của các sở, ngành, địa phương.
Trong quá trình thí điểm mô hình trên, cũng có một thực tế là có một số cán bộ không thoải mái với việc bị kiểm tra, chấm điểm, thậm chí có người cho rằng áp lực lên đội ngũ cán bộ quá căng thẳng. Song, nhận thức đầy đủ thì Vĩnh Phúc đang ở “giai đoạn vàng”, hội đủ mọi điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh. Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ toàn tỉnh phải tranh thủ thời cơ vượt lên để hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đề ra. Hưởng ứng chủ trương của Tỉnh ủy, nhiều sở, ngành, huyện, thành phố đã triển khai giao chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 cho người đứng đầu các đơn vị trực thuộc. Cách làm này nhận được sự đồng tình ủng hộ lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Trung ương đánh giá cao sự sáng tạo của Vĩnh Phúc trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Kinh nghiệm của Vĩnh Phúc cho thấy, phương pháp giao nhiệm vụ để đánh giá cán bộ chính là “chìa khóa” quan trọng góp phần tháo gỡ khó khăn, duy trì mức tăng trưởng cao. Để công tác đánh giá cán bộ bảo đảm thực chất, cần kết hợp đánh giá định tính với đánh giá định lượng, đánh giá theo chỉ tiêu cam kết, định kỳ đối chiếu với chương trình hành động của người đứng đầu. Cùng với hiệu quả công tác, cần lấy tín nhiệm của nhân dân làm thước đo uy tín của người đứng đầu. Những giải pháp đó cần được cụ thể hóa thành các quy định, quy trình, tiêu chuẩn cụ thể, tạo cơ sở vững chắc cho công tác đánh giá và sử dụng cán bộ.