BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Đổi mới hệ thống pháp luật, phát triển các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

24/07/2015 11:33

Sáng 23-7, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Dự thảo Luật gồm 11 Chương, 12 mục và 69 điều. Điều 1 dự thảo nêu rõ: Luật quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo, tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo…

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, qua tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (hiệu lực ngày 15-11-2004), nổi lên những bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành đối với sự phát triển của các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Điều này đặt ra yêu cầu phải đổi mới hệ thống pháp luật để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn phát triển các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, dự án Luật cần thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi nhấn mạnh, việc Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản, quan trọng của con người, được Nhà nước tôn trọng và bảo hộ. Điều 24 Hiến pháp khẳng định “mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” theo nguyên tắc “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Khoản 2, Điều 14, việc hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải được quy định cụ thể bằng luật. Theo ông Đào Trọng Thi, những quy định này trong Hiến pháp đặt ra sự cần thiết phải ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo để cụ thể hóa tinh thần và các quy định của Hiến pháp về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Toàn cảnh hội nghị.

Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là một nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Nhiều ý kiến cho rằng việc đổi mới cơ chế quản lý phải tạo được sự thông thoáng, minh bạch, tạo cơ chế pháp lý nhằm tôn trọng, bảo hộ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, hạn chế sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào các công việc nội bộ của tổ chức, tôn giáo.

Nêu những quan điểm của mình về tôn giáo và tín ngưỡng, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần phân tích kỹ hơn những đặc trưng về tổ chức, hoạt động, hệ thống quản lý… của tín ngưỡng và tôn giáo. Từ đó tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa tín ngưỡng và tôn giáo để lựa chọn phương án điều chỉnh tín ngưỡng và tôn giáo trong một luật hay nên xây dựng văn bản pháp luật riêng cho tôn giáo cũng như tín ngưỡng…

PGS.TS Ngô Hữu Thảo (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo Luật cần bám sát hơn nữa bản chất các quan  điểm của  Đảng  về tôn giáo; cần thể chế hóa kịp thời Hiến pháp, cụ thể hóa mục tiêu, nguyên tắc quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Đánh giá mục tiêu xây dựng Luật tín ngưỡng, tôn giáo là để cụ thể hóa quy định tại Điều 24 của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, để thực hiện mục tiêu này, dự thảo Luật phải bảo đảm cân đối giữa yêu cầu đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo với yêu cầu quản lý nhà nước.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đánh giá dự thảo Luật có tới 23/69 điều có nội dung giao cho Chính phủ quy định, chủ yếu là về trình tự, thủ tục; đề nghị Ban soạn thảo xem xét theo hướng giảm tối đa những nội dung giao cho Chính phủ quy định, phù hợp với chủ trương đổi mới xây dựng văn bản pháp luật.

Nhiều nội dung quan trọng về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; việc công nhận tổ chức tôn giáo, pháp nhân tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; hoạt động xã hội của các tổ chức tôn giáo; hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài… đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận tại hội nghị. Thông tin từ hội nghị này sẽ là kênh hữu ích trước khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẩm tra dự án Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến trong thời gian tới. Theo lộ trình, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII và sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (tháng 10-2016).

Theo http://www.qdnd.vn/
Tìm kiếm