BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Đổi mới công tác thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo

13/01/2014 09:24

Thực hiện chủ trương đổi mới công tác tuyển chọn lãnh đạo các đơn vị trong cơ quan nhà nước, thời gian qua nhiều bộ, ngành, địa phương đã mạnh dạn thực hiện thí điểm phương thức bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng thông qua thi tuyển. Việc thực hiện thí điểm bước đầu mang lại kết quả đáng ghi nhận, tạo bước đột phá từ khâu phát hiện và sự minh bạch trong đề bạt, bổ nhiệm để lựa chọn những cán bộ có năng lực, phẩm chất, đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thùy Yên (ngồi giữa), cán bộ được bổ nhiệm qua thi tuyển, chủ trì cuộc họp triển khai công tác.

 

Tạo bước đột phá trong việc bổ nhiệm cán bộ

32 tuổi, Nguyễn Thùy Yên được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ninh thông qua thi tuyển. Được biết, trước khi đảm nhiệm chức vụ này, chị Yên đã có mười năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực lãnh sự của Sở với chức danh Phó Trưởng phòng lãnh sự. Dẫu vậy, chị Yên cho biết, chị vẫn cảm thấy bỡ ngỡ với vai trò và trách nhiệm mới. Theo chị Nguyễn Thùy Yên, quan trọng nhất là, người lãnh đạo phải tập hợp, đoàn kết phát huy trí tuệ tập thể trong cơ quan để từng bước nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc trên cơ sở thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đối ngoại và hợp tác quốc tế trong tình hình mới. Đây cũng chính là đề án mà chị Yên đã bảo vệ trước Hội đồng thi tuyển và giành số điểm cao nhất trong cuộc thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ do Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức năm 2013, với 84,7 điểm, trên thang điểm 100.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng cho biết, công tác đổi mới tuyển chọn lãnh đạo đã được tỉnh chuẩn bị công phu từ nhiều năm trước. Ngay từ năm 2006, tỉnh đã thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ vào các vị trí quan trọng trên cơ sở đánh giá kết quả xây dựng và trình bày đề án của các ứng viên. Đây là tiền đề để Quảng Ninh thực hiện thí điểm bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp sở, ngành qua thi tuyển bắt đầu từ năm 2012. Đến nay, tỉnh đã xây dựng quy chế chính thức về bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo thông qua thi tuyển và thực hiện bốn đợt thi tuyển chức danh lãnh đạo đối với tám sở, ngành của tỉnh, gồm Phó Giám đốc các sở: Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Ngoại vụ, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long. Trong các đợt thi tuyển này, Tỉnh ủy đều thành lập Hội đồng thi tuyển với thành viên là các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Mỗi chức danh thi tuyển đều có từ ba đến năm ứng cử viên tham gia thi theo hướng mở rộng nguồn, trong đó chú trọng đội ngũ cán bộ trẻ có tri thức, nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được giao. Tại mỗi cuộc thi, các ứng viên trực tiếp trình bày đề án trước Hội đồng thi tuyển và trả lời các câu hỏi của thành viên hội đồng. Nội dung đề án của các ứng viên tập trung vào việc xây dựng phương hướng và các giải pháp thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của sở, ngành có nhu cầu tuyển dụng.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Quảng Ninh, các đợt thi tuyển đều nhằm hướng tới tiêu chí mở rộng nguồn cán bộ, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo động lực cho người có năng lực và tâm huyết tham gia đóng góp cho xã hội, thu hút người tài, tạo tư duy, cách làm mới, phù hợp quan điểm của Đảng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tiến hành đánh giá chất lượng công tác của các cán bộ sau sáu tháng được bổ nhiệm. Kết quả cho thấy, số cán bộ mới được bổ nhiệm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần tạo bước phát triển mới trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo thông qua thi tuyển đối với các chức danh lãnh đạo cấp sở, ngành, Tỉnh ủy Quảng Ninh đang nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để ban hành quy chế và tiến hành thi tuyển đối với các chức danh được bầu. Hiện nay, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đồng ý về mặt chủ trương để huyện Vân Đồn lựa chọn giới thiệu nhân sự bổ nhiệm cán bộ chủ chốt cấp xã thông qua thi tuyển và sẽ thực hiện rộng rãi tại các đơn vị khác khi đủ điều kiện.

Cùng với Quảng Ninh, thời gian qua, TP Hải Phòng đã mạnh dạn thực hiện thí điểm thi tuyển cán bộ đứng đầu một số đơn vị. Trong tháng 10-2013, Hải Phòng đã công bố Quyết định của Chủ tịch UBND thành phố về việc bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường đại học Hải Phòng đối với PGS, TS Phạm Văn Cương. Đây cũng là trường đại học đầu tiên của cả nước bổ nhiệm hiệu trưởng thông qua hình thức thi tuyển chức danh và là lần đầu tiên Hải Phòng tổ chức việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo một đơn vị thuộc diện Thành ủy quản lý. Được biết, kỳ thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường đại học Hải Phòng có bốn ứng viên tham gia, với các nội dung thi gồm: xây dựng và bảo vệ Đề án nâng cao chất lượng giảng dạy tại Trường đại học Hải Phòng và thi ngoại ngữ. Từ thành công bước đầu của cuộc thi tuyển này, Hải Phòng tiếp tục tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng đối với Trường THPT Trần Nguyên Hãn.

Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Việt Tiến, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo xuất phát từ nhu cầu thực tế của công việc, đòi hỏi sự chọn lọc, để bổ nhiệm người có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm quản lý vào những chức danh chủ chốt. Việc bổ nhiệm cán bộ thông qua thi tuyển góp phần đổi mới công tác lựa chọn cán bộ và nâng cao tính công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển và hội nhập của thành phố và đất nước. Chủ trương của Thành ủy Hải Phòng là mạnh dạn thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp trưởng, nhằm lựa chọn cán bộ có phẩm chất, năng lực cao vào vị trí then chốt và đề cao trách nhiệm người đứng đầu tại các cơ quan đơn vị, vì đây là vị trí có tính chất quyết định chất lượng công việc của mỗi đơn vị.

Mô hình thi tuyển chức danh lãnh đạo tại Quảng Ninh và Hải Phòng đã được nhiều bộ, ngành và địa phương tham khảo, học tập để áp dụng tại đơn vị mình. Hiện nay, một số bộ, ngành T.Ư đang khẩn trương thực hiện thí điểm mô hình thi tuyển lãnh đạo cán bộ các tổng cục, cục, vụ, phòng. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đang hoàn tất các thủ tục để thí điểm thi tuyển chức danh Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Bộ Tư pháp thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư pháp và một số chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc Bộ. Đáng chú ý là việc thi tuyển các chức danh nêu trên bao gồm cả các đối tượng nằm trong quy hoạch và ngoài quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng nhân sự được bổ nhiệm. Dự kiến, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo tại các bộ kể trên sẽ được tổ chức vào đầu năm 2014.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế thi tuyển, bổ nhiệm

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, đến nay trong cả nước có nhiều bộ, ngành và địa phương thí điểm thi tuyển lãnh đạo cán bộ cấp vụ, sở, phòng như: Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng. Việc thi tuyển mặc dù đang ở giai đoạn thí điểm nhưng đã mang lại kết quả khả quan, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước. Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, công tác thi tuyển cán bộ lãnh đạo triển khai thời gian qua tại các bộ, ngành, địa phương được thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Cán sự đảng Chính phủ, phù hợp các văn kiện của Đảng về công tác cán bộ. Tuy nhiên, do đang trong quá trình thực hiện thí điểm cho nên khi triển khai đã nảy sinh nhiều vướng mắc cần được giải quyết kịp thời.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Biển cho biết, mặc dù đã có sự chuẩn bị rất kỹ, nhưng là địa phương đầu tiên triển khai thi tuyển cán bộ lãnh đạo, cho nên tỉnh vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện quy chế thi tuyển. Thực tế cho thấy, vì là thí điểm cho nên đến nay vẫn chưa có tính thống nhất về mô hình tổ chức và mỗi địa phương, đơn vị có cách làm khác nhau. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong quá trình thi tuyển, các đơn vị đều thành lập các hội đồng thi tuyển để tổ chức thi và lựa chọn người có đủ điều kiện bổ nhiệm. Tuy nhiên, trong khi Hải Phòng thành lập Hội đồng tư vấn gồm các thành viên là đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, như Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ... có chức năng tư vấn để Thành ủy quyết định, thì ở Quảng Ninh Hội đồng được thành lập lại gồm các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy và Hội đồng này trực tiếp ra quyết định bổ nhiệm. Bên cạnh đó, thông qua thi tuyển cho thấy nhiều đơn vị chưa làm tốt công tác chuẩn bị nguồn cán bộ đủ trình độ chuyên môn và các điều kiện cần thiết để bổ nhiệm vào những vị trí trọng yếu. Thực tế, trong đợt thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường đại học Hải Phòng và Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn của TP Hải Phòng, hai ứng viên dự thi đạt điểm cao nhất và được bổ nhiệm đều không phải là người đã làm việc lâu năm và được quy hoạch của chính đơn vị tuyển dụng. Vướng mắc khác được nhiều địa phương phản ánh là cơ chế, chính sách liên quan đến điều kiện bổ nhiệm cán bộ. Hiện nay, các bộ có chức năng ban hành tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp sở theo ngành dọc, trong khi đó, các địa phương cũng có chức năng ban hành tiêu chuẩn cán bộ cấp sở thuộc địa phương mình. Mặc dù những quy định này có tính chất hỗ trợ và tạo thêm sự chặt chẽ trong khâu tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, nhưng cũng phát sinh những mâu thuẫn do có nhiều tiêu chuẩn chưa thống nhất, gây khó khăn cho địa phương khi bổ nhiệm, nhất là những cán bộ được điều động, luân chuyển. Đối với việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp phòng, theo khảo sát của Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều hạn chế, nội dung thi và các bước thi tuyển dụng thường trùng lặp với thi tuyển chuyên viên cao cấp, cho nên chưa tạo được sự đột phá.

Bộ Nội vụ cho biết, những vướng mắc trong quá trình triển khai được Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức T.Ư xem xét, đánh giá và đưa ra các biện pháp tháo gỡ kịp thời, bảo đảm đúng các quy định. Theo Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn, Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án thí điểm đổi mới nội dung tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng trong các cơ quan nhà nước do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao. Đề án được xây dựng trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Đề án 1557 của Chính phủ về cải cách hành chính công vụ, đồng thời tổng hợp, tiếp thu kinh nghiệm của các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thí điểm tuyển chọn cán bộ lãnh đạo thông qua thi tuyển thời gian qua. Hiện nay, Bộ đang hoàn thiện Đề án để trình Ban Cán sự đảng Chính phủ sau đó trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.

 

Tìm kiếm