Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Theo báo cáo của Chính phủ, với tình hình ngân sách nhà nước (NSNN) hiện nay, không có nguồn để tăng lương cơ sở cho cán bộ công chức khu vực NN trong năm tới. Như vậy việc tăng lương cơ sở trong khu vực này “lỡ hẹn” tới 4 năm.
ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến (TPHCM) - Bộ trưởng Bộ Y tế - băn khoăn về nguồn tăng lương trong ngành y tế. Theo Bộ trưởng, do nguồn tiền để tăng lương chính từ nguồn thu giá dịch vụ công, nhưng do giá trị dịch vụ công hiện nay chưa sát giá thị trường nên chi thường xuyên vẫn là gánh nặng của ngành y tế.
ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) cho biết, tiếp xúc cử tri năm 2014, ông đã hứa với cử tri là cố gắng chờ đến 2015 để tăng lương. Song theo kế hoạch 2016, Chính phủ khó cân đối được nguồn tiền để tăng lương nên ông đã không dám trả lời cử tri về vấn đề nhạy cảm này nữa. ĐB Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho hay, mặc dù báo cáo Chính phủ cho thấy thu ngân sách năm 2016 sẽ tăng cao hơn dự toán năm 2015 hơn 60.750 tỉ đồng song tình hình ngân sách năm 2016 vẫn rất căng thẳng vì áp lực chi, trong khi đó con số thực để phân bổ chỉ còn 45.000 tỉ đồng. Với “thông điệp” của Bộ trưởng Vinh, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra bất ngờ: “Chưa vay đã trả lấy gì mà cân đối! Đấy là chưa nói năm nay chúng ta chưa có đồng nào tăng lương. Nói hay thế mà một đồng lương cũng không có là như thế nào?”.
Phải cắt giảm tối đa chi tiêu thường xuyên
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng cho rằng, với tình hình khó khăn hiện nay, QH cần bàn thẳng vào việc cắt giảm những khoản nào để giảm chi thường xuyên thay vì đề xuất tăng lương. Theo ông, tuyệt đối không thể vay để tăng lương. “Hàng chục năm, chúng ta đi vay nhưng cuối cùng thu chỉ đủ chi thường xuyên, còn chi đầu tư phát triển phải đi vay tất! Trong khi đó, bộ máy vẫn cứ phình ra. Đồng tiền vay được nhưng không đẻ được!” - ông bức xúc. Theo ông, phải cắt giảm những khoản chi tiêu lãng phí như tiếp khách, hội họp…
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đồng tình với ĐB Trần Du Lịch khi cho rằng, cải cách chính sách tiền lương liên quan đến bộ máy cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chưa rõ, năng lực của cán bộ hạn chế.
Đây cũng là vấn đề mà ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) băn khoăn. Theo ông, hiện chi phí tiền lương của nước ta trong giá thành sản phẩm vẫn cao nhất khu vực, trong khi tiền lương chi trả cho NLĐ rõ ràng là thấp.
Phân bổ tiền không chạy theo “chiều ngang”
Giai đoạn 2016 - 2020, CTMTQG được đề xuất thu gọn đầu mối, từ 16 chương trình chỉ còn lại 2 chương trình là CTMTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), CTMTQG giảm nghèo bền vững.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, nhân dân tin Đảng, tin Nhà nước là từ các CTMTQG, phải tập trung cao độ. Chương trình NTM phải lấy nông dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, địa phương làm chủ thể. Chương trình giảm nghèo bền vững chỉ dồn cho 94 huyện nghèo, các xã nghèo, vùng cao khó khăn. Trách nhiệm giao hết cho tỉnh, trung ương chỉ kiểm tra, hỗ trợ và đưa ra mục tiêu.
Cùng quan điểm, theo ĐB Nguyễn Văn Thanh (Vĩnh Long), các CTMTQG cần hướng đến những đối tượng yếu thế, gia đình chính sách, người nghèo và phân cấp cụ thể.