BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Dân chê, cán bộ phải “chuyển động”

21/08/2014 11:24

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, thời gian vừa qua Bộ Nội vụ xây dựng nhiều phương pháp khảo sát, đánh giá đo lường sự hài lòng của người dân với nền hành chính công. Kết quả của những mẫu khảo sát này sẽ là căn cứ quan trọng để cơ quan công quyền điều chỉnh hành vi, cách làm của mình tiến tới nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ.

 
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh
 
PV: Qua thí điểm đánh giá sự hài lòng của người dân với các dịch vụ công ở 3 tỉnh Bình Định, Thanh Hóa, Phú Thọ, người dân đã "nói” gì với nền hành chính công thưa ông?
 
Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Có thể nói, nhiều năm qua chúng ta đẩy mạnh cải cách tổng thể nền hành chính ở nhiều lĩnh vực với mục tiêu duy nhất: ngày càng phục vụ người dân tốt hơn. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì vẫn có điểm được, điểm chưa được. Vì vậy, Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ xây dựng chương trình tổng thể CCHC với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo của mọi chương trình CCHC. Theo đó, sẽ phấn đấu đến 2015 đạt 60%, 2020 đạt 80% sự hài lòng của người dân với cơ quan hành chính nhà nước.
 
60% sự hài lòng của người dân đối với những dịch vụ công mà Nhà nước cung ứng có phải là mục tiêu quá cao khi mà năm 2015 đã cận kề rồi thưa ông?
 
-Tôi cho rằng mục tiêu này là hoàn toàn khả thi khi mà rất nhiều Bộ, ngành, địa phương đều coi CCHC là khâu đột phá. Rất nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả của địa phương liên quan đến công cuộc này. Giờ thì TTHC đã đến tận nhà dân như ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Ở Quảng Ninh thì một loạt các Trung tâm hành chính công đã ra đời giúp người dân chỉ cần đến một cơ quan có thể giải quyết nhiều thủ tục một lúc. Hay tới đây Bộ Tư pháp cũng chuẩn bị phát phiếu điều tra cảm nhận của người dân với các thủ tục liên quan đến ngành tư pháp... Những nỗ lực như vậy cũng nhằm mục tiêu hướng tới nền hành chính minh bạch, hiệu quả, phục vụ.
 
Con số thống kê trong nhiều trường hợp chưa nói lên điều gì. Cụ thể khi xem các phiếu điều tra tại 3 tỉnh làm thí điểm có tới 80% người dân hài lòng với dịch vụ công? Liệu người dân đã nói thật cảm nhận của mình hay do phương pháp điều tra của chúng ta chưa chuẩn xác?
 
-Để có các chỉ số đo lường sự hài lòng của dân thì Bộ Nội vụ đã ban hành. Việc điều tra cũng đã giao cho một cơ quan độc lập để đánh giá. Không hẳn 80% người dân đã hài lòng với dịch vụ công trên địa bàn mà mỗi lĩnh vực khác nhau lại cho kết quả rất khác. Chẳng hạn, lĩnh vực cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường người dân đánh giá rất thấp. Tôi cho rằng kết quả của khảo sát phụ thuộc rất nhiều yếu tố, phương pháp đánh giá, lĩnh vực lựa chọn, cách lấy mẫu. Nếu điều tra theo kiểu chọn lĩnh vực ít bức xúc thì chưa thể "thấu” được hết những cảm nhận của người dân về nền hành chính công. Việc triển khai ở 3 tỉnh thời gian vừa qua vẫn chỉ là thí điểm. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm nếu thấy kết quả vênh so với thực tế để những lần khảo sát sau sẽ cho kết quả tốt hơn. Việc nhân rộng điều tra cảm nhận của người dân về nền hành chính công trên phạm vi cả nước sẽ được làm khi tất cả chỉ số điều kiện đủ độ tin cậy.
 
Điều mà người dân quan tâm không dừng lại ở việc cán bộ đến lấy ý kiến của dân quan trọng là sự chuyển động thật sự của nền hành chính công. Thưa ông, cơ quan công quyền sẽ làm gì khi biết được cảm nhận thực sự của dân về nền công vụ?
 
- Tất cả sự đánh giá của dân sẽ được tập hợp lại. Đối với lĩnh vực người dân cho rằng thủ tục hành chính thế này là gọn rồi, cán bộ phục vụ đã tốt rồi thì sẽ tiếp tục phát huy. Đối với những lĩnh vực nhận quá nhiều sự phàn nàn của người dân phải nghiêm túc đúc rút kinh nghiệm, làm cho tốt hơn. Không thể để tình trạng dân chê sự phục vụ của "công bộc” mà cán bộ lại không có chuyển động.
 
Trân trọng cảm ơn ông!

Theo http://daidoanket.vn/
Tìm kiếm