BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Dân “chấm điểm” cán bộ

01/11/2014 12:35

Hà Nội sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để khảo sát, đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính công trên địa bàn. Việc người dân trở thành "giám khảo” đánh giá sự phục vụ của những "công bộc” được kỳ vọng "tiếng lòng” của dân sẽ được bộc bạch để cơ quan công quyền phải chuyển động đưa nền hành chính đến gần dân hơn, đúng nghĩa là vì nhân dân phục vụ.

(ảnh vnexpress.net)
Thí điểm để người dân "chấm điểm”, đánh giá cán bộ, hay điều tra cảm nhận của người dân về nền hành chính công mà thời gian qua Hà Nội đã nỗ lực làm, công bằng mà nói đã đem lại những kết quả tích cực. Nhờ những cuộc điều tra, thí điểm này mà nền hành chính đã chuyển động trơn tru hơn, đã bớt đi những cái "cửa” tạo ra sự ngăn cách giữa cán bộ và dân. Giờ thì rất nhiều cơ quan công quyền trên địa bàn ít còn cảnh người dân lọ mọ dậy từ sáng sớm chạy đến cửa quan lấy số chờ cán bộ gọi đến tên mình nữa. Thậm chí, thủ tục hành chính đã theo chân cán bộ đến tận nhà dân nếu thực sự người dân yêu cầu...

Hiệu quả của công cuộc cải cách hành chính, cải thiện hình ảnh của cán bộ trong mắt dân đã được đẩy nhanh đẩy mạnh hơn trước. Với Hà Nội không phải ngẫu nhiên mà trong suốt 10 năm liền Hà Nội luôn coi công cuộc cải cách hành chính là một nhiệm vụ hàng đầu. Rõ ràng phải đẩy mạnh cải cách hành chính mới cắt giảm được chi phí cho xã hội, cải thiện môi trường đầu tư và rất nhiều mục tiêu thiết thực khác, trong đó có mục tiêu đem lại sự hài lòng cho người dân.

Hiệu quả như vậy nhưng điều gì khiến công cuộc cải cách hành chính của Thủ đô vẫn còn nhiều điểm nghẽn đến thế! Vì sao người dân vẫn kêu ca, phàn nàn rằng cán bộ này "câu giờ”, cán bộ kia vẫn bắt thượng đế phải chờ kết quả của các thủ tục hành chính sốt ruột đến mức không chịu được phải "bôi trơn”. Thậm chí, ở nhiều địa phương trên địa bàn dân đã "bôi nhưng vẫn chưa trơn” như lời Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã từng đề cập đến.

Tất cả những sự phức tạp này đã chứng tỏ một điều: Cán bộ không sợ dân, không việc gì phải "lấy lòng” dân. Cán bộ không sợ dân cũng chứng tỏ một điều, chế tài giám sát cán bộ của chúng ta còn thiếu hoặc yếu. Dân không được giám sát, không được đánh giá cán bộ, điều đó có nghĩa, những hành vi chưa chuẩn của "người nhà nước” với dân, thậm chí là những sai phạm của công chức chỉ có thể được phát hiện khi các cơ quan chức năng mở các cuộc thanh tra công vụ rầm rộ ở nhiệm sở công tác của cán bộ. Nhưng để có những cuộc thanh tra đột xuất như vậy thì rất hiếm. Hiếm tới mức những người được cho là có uy tín trong xã hội cung cấp những thông tin tiêu cực của cán bộ thì mới có những cuộc thanh tra kiểu này nhưng chưa chắc đã tìm được ra bằng chứng sai phạm của cán bộ. Trong khi đó, việc thanh kiểm tra định kỳ thì cực kỳ hình thức khiến dư luận vẫn nói, có tới 30% cán bộ công chức không được việc trong bộ máy nhà nước nhưng rút cục chẳng phát hiện ra ai là công chức "cắp ô” để tinh giản, loại ra khỏi guồng máy.

Không thể trông chờ vào sự đánh giá của chính các cán bộ trong cùng hệ thống với nhau, bởi có "đẻ” thêm nhiều cơ chế nữa thì rút cục cũng chỉ có 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia Nguyễn Hữu Khiển nhận định. Vì vậy, nhất thiết phải tạo cơ chế cho dân giám sát, đánh giá cán bộ. Thí điểm để dân đánh giá cán bộ không chỉ để cán bộ thực hiện cho tốt phương châm "4 xin”, "4 luôn” mà đây sẽ là những "chứng cứ” sinh động về chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, để Nhà nước sẽ có những giải pháp căn cơ nâng cao năng lực thực sự cho đội ngũ này.

Tạo điều kiện cho dân giám sát cán bộ điều này phải làm một cách thực chất, minh bạch, làm căn cứ cho chính cơ quan muốn biết cảm nhận của người dân về nền hành chính biết những điểm mạnh, điểm yếu của mình và có giải pháp khắc phục kịp thời. Hết sức tránh bệnh chạy theo thành tích, thống kê ra những con số thật đẹp nhưng không đúng sự thật. Điều tra tiếng lòng của dân mà lại có những cách làm "rất riêng” để có những lời hay ý đẹp của dân thì không chỉ tốn kém tiền của mà còn càng làm mất lòng tin của dân. Hết sức tránh chuyện có tới 80% người dân hài lòng về các dịch vụ công nhà nước cung ứng nhưng thực tế thì thật khác xa với những con số này như Bộ Nội vụ đã từng công bố mới đây.

Theo http://daidoanket.vn/
Tìm kiếm