BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Đại biểu Quốc hội lo “một ông nông dân cõng 4 ông công chức béo“

25/03/2016 14:37

Đó là phát biểu của đại biểu Quốc hội Đỗ văn Đương khi nói về việc tinh giản biên chế. Nhiều đại biểu cho việc này mới chỉ làm hình thức và cũng mới là phần ngọn của cải tổ bộ máy. 

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương. Ảnh: VPQH.

"Nếu mọi thành tích phát triển kinh tế xã hội đều như trong báo cáo thì hồng phúc cho dân quá. Thành tựu đó thực chất chưa giúp gì cho dân?" - đại biểu Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi trong buổi thảo luận tổ sáng nay 24.3. Ông lấy ví dụ: "Nợ nước ngoài hiện khoảng 80 tỉ USD, bội chi khoảng 250 tỉ đồng /năm, trong khi đó xuất khẩu gạo được 3 tỉ, nhưng uống rượu bia cũng hết chừng đó. Chi thường xuyên lương cán bộ hành chính tới 400.000 tỉ/năm, trong khi thu ngân sách 1 triệu tỉ, không đủ nuôi bộ máy hành chính". 

Đại biểu băn khoăn việc triển khai tinh giản bộ máy thế nào. Thông tin cho biết có 1/3 công chức "sáng cắp ô đi tối cắp về" nhưng đánh giá chỉ 1% không hoàn thành nhiệm vụ, cho thấy việc đánh giá còn nể nang nhiều. Đại biểu đề nghị việc tinh giản biên chế phải giành quyền cho địa phương, cơ quan, tổ chức chủ động, trung ương nên giao chỉ tiêu, giảm ai là quyền của họ. "Phải quyết liệt, đau một chút nhưng dần mới tháo gỡ được. Phải nhất thể hóa một số chức danh. Cần giảm bớt cán bộ đoàn thể, phong trào, trung gian nhiều quá, hô khẩu hiệu nhiều nhưng làm ít. Ngay cả trong Quốc hội cũng có cán bộ trung gian" - ông nói.
Đại biểu Đương cũng phản đối chính sách cào bằng và cho rằng phải coi trọng chuyên gia, trả lương xứng đáng. "Lương trả đều dẫn tới tham nhũng. Các dự án lớn, cụm công nghiệp, mỏ tài nguyên có bóng dáng quan chức không? Quan chức có cổ phẩn kể cả ở đình chùa, miếu mạo không? Tinh giản cán bộ phải gắn với xã hội hóa, cái gì cũng chi phí nhà nước thì dân không nuôi nổi đâu. Một ông nông dân cõng 4 ông công chức, lại là công chức béo thì chết". 

Đặt câu hỏi biên chế những năm qua giảm được bao nhiêu, đại biểu Trần Du Lịch đã chỉ ra những phi lý của việc này: "Tôi cần cán bộ khuyến nông, khuyến ngư anh không cho, lại  cho thêm ông hội đồng. Những chỗ cần thì giảm biên chế, chỗ không cần tăng lên. Cử tri chất chất vấn tôi đấy. Biên chế cứ tăng thì giải quyết thế nào được, thực chất cắt giảm chỉ là hình thức". 

Đại biểu Võ Thị Dung cho rằng, đã có chủ trương tinh giảm bộ máy nhưng thủ tục để thực hiện thì nhiêu khê. Lộ trình muốn giảm 10% biên chế, song cần để các địa phương chủ động, cơ quan chủ động, tại sao phải do Bộ Nội vụ phê duyệt? Bà nói: "Đây là một nhiệm vụ sống còn của xã hội. Cần quyết liệt tinh gọn bộ máy. Luật chính quyền địa phương đã ban hành, đề nghị Chính phủ cần mạnh dạn giao cho địa phương tự thực hiện tinh giản. Bộ máy càng lớn gắn với nợ công, bội chi ngân sách, khó mà giảm được".

Bà Dung cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp để phòng chống tham nhũng hiệu quả. "Tham nhũng không chỉ ảnh hưởng phát triển kinh tế xã hội mà ảnh hưởng lớn nhất là niềm tin của người dân vào chế độ" - bà nói. 

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng giảm biên chế chỉ là cái ngọn. "Phải cải tổ bộ máy, đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương, phân cấp phân quyền rõ ràng theo hiến pháp. Từ đó mới tính đến giảm biên chế lâu dài căn cơ". 

Theo http://laodong.com.vn/
Tìm kiếm